Ngày 19/12, buổi chào bán cạnh tranh cổ phần của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB, Sabeco) đã diễn ra thành công khi toàn bộ hơn 53% cổ phần được “bán đứt” cho 1 tổ chức và 1 cá nhân.
Theo thông tin tại buổi đấu giá, tổ chức mua thành công hơn 53% cổ phần Sabeco trong đợt đấu giá lần này là Vietnam Beverage – một đơn vị do BeerCo Ltd, công ty con của hãng bia ThaiBev, sở hữu 49% vốn.
Tổ chức này đã đăng ký mua toàn bộ 343,662 triệu cp SAB, tương đương hơn 53% vốn với giá 320.000 đồng/cp. Và mong muốn của Vietnam Beverager đã có thể “trọn vẹn” nếu như không có một NĐT cá nhân đã tranh mua 20.000 cp với giá 320.500 đồng/cp trong buổi đấu giá.
Sự xuất hiện của NĐT cá nhân này trở thành một điểm nhấn thú vị trong thương vụ Sabeco.
Nhiều người đặt câu hỏi nếu không xuất hiện NĐT cá nhân trên, thương vụ chào bán có được phép diễn ra thành công?. Và NĐT này có phải "quân xanh, quân đỏ" của Bộ Công Thương không?
Theo quy chế trong thương vụ Sabeco, phiên chào bán cạnh tranh được tiến hành khi có ít nhất hai (02) Nhà đầu tư nộp Phiếu tham dự chào bán cạnh tranh. Nếu không đủ điều kiện này thì không tổ chức chào bán cạnh tranh.
Tuy nhiên, trong trường hợp chỉ có một Nhà đầu tư có phiếu tham dự chào bán cạnh tranh hợp lệ, Nhà đầu tư sẽ mua cổ phần theo giá Nhà đầu tư đã đăng ký chào bán cạnh tranh thành công, thỏa mãn quy định tại Khoản 8.2 Điều 8 và thực hiện thủ tục thanh toán, chuyển nhượng cổ phần theo quy định tại Điều 12 Quy chế này.
Tóm lại, cho dù có hay không có NĐT cá nhân tham gia, ThaiBev vẫn có thể thực hiện mua trọn lượng cổ phần chào bán và Bộ Công Thương vẫn bán thành công.
Trở lại với quyết định của cá nhân tham gia đấu giá, NĐT này sẵn sàng chi tới 320.500 đồng cho mỗi cổ phiếu SAB, cao hơn 500 đồng so với mức giá ThaiBev đưa ra và chênh hơn 10% so với giá SAB trên sàn HOSE.
Điều này thể hiện quyết tâm của NĐT trong việc tranh mua cổ phần. Nếu không như vậy, cá nhân này đã không chi 6,4 tỷ đồng mua cổ phần để nhận một khoản lỗ khoảng 610 triệu đồng (tính theo thị giá) ngay sau khi “ôm” 20.000 cp SAB từ đợt đấu giá.
Theo tìm hiểu của NDH, NĐT cá nhân thú vị trên là Ngô Vinh Hiển đến từ Hà Nội, làm nghề thầy cúng và cũng là hầu đồng. Chia sẻ về quan điểm khi đầu tư vào SAB, ông Hiển cho biết, “những sản phẩm như bia rượu nước giải khát hay được sử dụng trong công việc”, bên cạnh đó, khả năng thành công của đợt chào bán theo ông Hiển là rất cao, vì vậy cá nhân ông cho rằng giá của Sabeco trong tương lai không chỉ dừng lại mà còn hơn nữa.
“Với sự tin tưởng và tâm linh, tin tưởng giá Sabeco sẽ còn hơn nữa, vì vậy thử một chút xem sao. Biết đâu cuối năm cô thương”, ông Hiển lạc quan chia sẻ. Trước đó, ông Hiển cũng đã nắm giữ cổ phiếu SAB và việc ông tham giá đấu giá cổ phần chào bán mà không mua qua sàn là nhằm “lấy lộc”.
|
NĐT Ngô Vinh Hiển_Nguồn: Vtv24 |
Góc nhìn đầu tư của ông Hiển có thể là một trong số ít những quan điểm lạc quan trong việc định giá Sabeco ở thời điểm hiện tại.
Trước khi cuộc đấu giá chính thức diễn ra, nhiều nhà đầu tư quốc tế đều có chung nhận định giá cổ phiếu Sabeco đang quá cao nếu tham chiếu so với giá cổ phiếu Vinamilk. Một số đại diện của các hãng bia khác trên thế giới cũng đồng quan điểm này. Nếu so sánh P/E trong ngành, số liệu cho thấy Sabeco thuộc nhóm cổ phiếu có P/E cao nhất, đứng sau United Breweries và Lion Brewere Celon. Và có lẽ chính điều này đã khiến các hãng bia ngần ngại tham gia đấu giá, và thực tế cho thấy đã không thấy mặt các đại gia bia Nhật Bản là Kirin hay Asahi tham gia tranh mua cổ phần Sabeco.
Trái lại với Thaibev – một đơn vị đã lão luyện với thị trường bia Thái Lan và đang mở rộng sang Đông Nam Á, việc bỏ ra mức giá 320.000 đồng cho mỗi cổ phiếu SAB để nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp chiếm 40% thị phân bia Việt Nam có lẽ là mức giá chấp nhận được.
Thị trường bia Việt Nam và Thái Lan ít nhiều có những nét tương đồng về văn hóa và với những kinh nghiệm tại xử sở Ngà Voi, Thaibev hoàn toàn có thể nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua Sabeco với hàng loạt đại lý và kênh phân phối bán lẻ rộng khắp cả nước. Những thay đổi tại Sabeco diễn ra như thế nào sau khi có cổ đông Thái sẽ cần thời gian để kiểm chứng.
Với thương vụ Sabeco lần này, đại diện Bộ Công thương đánh giá đợt chào bán này đã rất thành công bởi mức giá cao hơn thị giá trên sàn chứng khoán, mang về cho Bộ gần 5 tỷ USD.
Quay trở lại với NĐT Ngô Vinh Hiển mặc dù không đóng vai trò lớn và thật sự quan trọng trong đợt đấu giá, nhưng sự xuất hiện của ông đã mang thêm một màu sắc với và điểm nhấn thú vị trong thương vụ Sabeco lần này.
Theo Lê Hải/NDH