Là doanh nghiệp tỉnh lẻ nhưng vài năm trở lại đây, Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa gây "sốc" khi bất ngờ thâu tóm hàng loạt dự án "đất vàng" tại Thủ đô với kinh phí đầu tư cả nghìn tỷ đồng.
Điều đáng nói là mặc dù mạnh tay mua lại những dự án bất động sản (BĐS) "khủng" nhưng doanh nghiệp này chưa từng xây dựng dự án nhà ở hay khách sạn quy mô nào.
Thời gian gần đây, cái tên Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa được giới BĐS nhắc đến nhiều hơn khi có thông tin cho rằng, Khách sạn 4 sao Mercure (số 9 Cát Linh, Hà Nội) - một trong những dự án khủng của tập đoàn - bất ngờ có dấu hiệu dừng thi công và chưa biết khi nào mới đi vào hoạt động.
Điều này làm dấy lên câu hỏi về tiềm lực thật sự của vị đại gia đứng sau các cuộc thâu tóm đình đám này.
Đại gia kín tiếng trong giới địa ốc
Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa được thành lập năm 1993, tiền thân là Công ty kiến trúc địa phương thành lập năm 1961. Năm 2005, công ty đổi tên thành Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa, do ông Trương Lâm (sinh năm 1953) làm Chủ tịch HĐQT.
|
Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa. Ảnh: Nhà đầu tư. |
Ông Trương Lâm thâu tóm gần như toàn bộ Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa trong một thương vụ âm thầm ngay khi đơn vị này chuyển đổi từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần.
Ngoài Công ty Xây dựng Thanh Hóa, ông Trương Lâm còn sở hữu công ty TNHH Vận tải Hoàng Long – Thanh Hóa, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, cho thuê kho bãi, kinh doanh xăng dầu.
Thời điểm trước cổ phần hóa, Công ty Xây dựng Thanh Hóa có vốn điều lệ 15 tỷ đồng, do ông Ngô Văn Tuấn làm Chủ tịch HĐQT.
Năm 2006, Công ty Xây dựng Thanh Hóa được cổ phần hóa, vốn điều lệ tăng lên 30 tỷ đồng. Tại thời điểm này, Công ty Xây dựng Thanh Hóa ghi nhận khoản nợ khó đòi gần 2 tỷ đồng.
Mời độc giả xem video Choáng ngợp Biệt Thự 300 tỷ của Đại gia sắt vụn Thanh Hóa tại Hà Nội (Nguồn Tin Tức Việt Nam):
Sau khi cổ phần hóa, ông Ngô Văn Tuấn được điều chuyển về làm Phó Trưởng ban Ban kinh tế Nghi Sơn, đánh dấu việc nhà nước chính thức rút khỏi doanh nghiệp.
Tại Thanh Hóa, Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa được biết đến với các dự án như Dự án KCN và đô thị Hoàng Long; Dự án khu dân cư Hồ Toàn Thành. Bên cạnh đó, công ty còn được giao xây dựng 30 trường học của tỉnh, 18 bệnh viện và trung tế...
Giới BĐS đánh giá, ông Trương Lâm là một đại gia khá kín tiếng khi hầu hết những thương vụ mua lại dự án vàng tại Hà Nội của doanh nghiệp do ông làm chủ chỉ được tiết lộ sau khi việc chuyển nhượng đã hoàn tất một thời gian dài.
Những dự án "vàng" tại thủ đô Hà Nội
Năm 2014, Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa gây tiếng vang trong giới BĐS khi mua lại dự án Sky Park Residence tại Hà Nội. Thương vụ này có giá khoảng 143 tỷ đồng.
|
Sky Park Residence tại Hà Nội. Ảnh: Đất xanh. |
Thời điểm này, vốn điều lệ của công ty là 165 tỷ đồng. Trong đó, ông Trương Lâm - Chủ tịch HĐQT sở hữu 156,7 tỷ đồng. Tháng 9/2017, công ty tăng vốn điều lệ thành 545 tỷ đồng (ông Trương Lâm chiếm 98,48%).
Dự án Sky Park Residence là khu Tổ hợp căn hộ cao cấp, nằm tại số 3 Tôn Thất Thuyết quận Cầu Giấy - một trong những vị trí đắc địa nhất ở Hà Nội hiện nay.
Quy mô dự án gồm hai khối nhà, trong đó, khối văn phòng thương mại cao 25 tầng, khối chung cư cao 35 tầng. Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án khoảng 1.600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa còn chi hơn 100 tỷ đồng để mua lại khách sạn 4 sao Mercure (Đống Đa, Hà Nội).
|
Khách sạn 4 sao Mercure tại số 9 Cát Linh. Ảnh: VnFinance. |
Đây là dự án khách sạn 4 sao, cao 15 tầng nổi và 3 tầng hầm trên khu đất 1.584m2, với 250 phòng. Theo kế hoạch, Mercure Hà Nội có tổng vốn đầu tư khoảng 450 tỷ đồng.
Tiến hành xây dựng khách sạn từ quý II/2014, Mercure Hà Nội đã hoàn thiện xong phần thô từ đầu năm 2017, tuy nhiên có nguồn tin cho rằng, từ nhiều tháng nay, dự án này này bất ngờ có dấu hiệu dừng thi công và chưa biết khi nào mới đi vào hoạt động.
Nghi ngờ này khiến cho câu hỏi về tiềm lực cũng như năng lực thật sự của Tập đoàn xứ Thanh đang được nhiều người đặt ra.
Hoàng Minh (tổng hợp)