Nhớ về những ngày khi còn làm ở quầy check-in của du thuyền, chị Nhung cho biết, công ty chị làm có khoảng 10 tàu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long hạng 4-5 sao.
“Tôi làm ở quầy check-in, chồng làm lái tàu. Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chưa tháng nào dưới 20 triệu đồng. Công việc bận rộn luôn tay luôn chân, đến thời gian nghe điện thoại còn không có”, chị Nhung kể.
Do nhà ở cách công ty hơn 20km nên sau hơn 7 năm tích cóp, hai vợ chồng chị Nhung cũng mua được một mảnh đất. Dự định sang năm 2020 sẽ xây nhà thì Covid-19 ập đến.
Mất việc vì Covid-19, chị Nhung và một số chị em trong xóm phải đi bắt ốc, ruốc, cua dọc bờ biển mỗi khi thủy triều xuống.
Dịch vụ tàu nghỉ đêm trên du thuyền thường đón khách nước ngoài là chủ yếu nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách quốc tế không được nhập cảnh, đồng nghĩa với toàn bộ cán bộ công nhân viên không có việc làm, thu nhập hầu như bằng 0.
Covid-19 đã “thổi bay” thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng của cả 2 vợ chồng chị. Từ một lái tàu du lịch, chồng chị phải chở gà đi bán dạo. Còn chị thì theo chị em trong xóm đi “ngòi”, bắt tôm, cua, cá.
“Công ty tôi làm đã chủ động giảm giá dịch vụ lên tới 70% nhưng hàng chục chiếc du thuyền hầu như phải nằm “ngủ” một chỗ vì không có khách. Nhân viên phải nghỉ luân phiên, mỗi tháng chỉ làm đúng 5 ngày. Nhiều người phải nghỉ hẳn và xin trợ cấp thất nghiệp hàng tháng. Vợ chồng tôi cũng vậy”, chị Nhung nói.
Thu nhập trong mùa dịch của chị Nhung chủ yếu từ việc đi "ngòi".
Nghỉ việc, thu nhập cũng giảm đến 90% nên chị Nhung về quê, theo mấy chị em trong xóm đi “ngòi” để bắt tôm, cua, ốc. Dựa vào con nước để đi. Hôm thì đi vào sáng sớm, hôm đi giữa trưa, hôm thì đi đêm tối. Được ít thì để nhà ăn hoặc nấu canh cho mẹ, được nhiều thì mang bán
Theo chị Nhung, khi thủy triều xuống, nước biển rút sẽ lộ ra những bãi đá có ốc màu, ốc đá bám vào. Gặp con gì bắt con đấy. Lúc thì bắt ốc leo trên cây hà, cây sú, cây vẹt ngoài bãi. Lúc lại móc con ruốc dưới bùn. Khi thì bắt con vẹm, ốc đá, sò hoặc đi ghè hà đá. Thu nhập không đáng là bao nhưng với Nhung, còn sức khỏe là còn lao động.
“Đi bắt hà phải dùng búa, ghè hà bám trên kè đá. Cúi nhiều dễ đau lưng nhưng được cái khô ráo. Còn bắt ruốc và đào con sá sùng là vất vả nhất vì phải lội bùn đến ngang người. Cảm giác nhấc được chân lên để di chuyển khó khăn vô cùng nhưng tôi vẫn cố vì bán được giá cao”, Nhung chia sẻ.
Những bãi bùn sau khi thủy triều rút là địa điểm mưu sinh của chị Nhung và người dân làng chài ven biển.
"Chiến lợi phẩm" sau ngày dài lao động mệt nhọc của chị Nhung khi là con ốc, khi lại là bịch ruột hà, con vẹm, con ruốc...
Sau cả ngày dầm mình dưới bùn hay còng lưng để ghè hà đá, lật từng viên đá lên để tìm ốc… chị Nhung mang về thu nhập từ 200-300.000 đồng.
Con nhỏ, bố thì già yếu, mẹ lại bị bệnh nặng nằm liệt một chỗ, mọi việc trong gia đình đều do vợ chồng Nhung gánh vác.
Chồng chị, từ một lái tàu hạng sang nay cũng rong ruổi khắp các chợ, các ngõ xóm để bán gà, kiếm thêm thu nhập. Để có tiền chữa bệnh cho mẹ, trả tiền công thợ cho ngôi nhà đang xây dở và nuôi dạy con ăn học thì việc gì vợ chồng chị cũng có thể làm.
Tuy vất vả, mệt nhọc hơn nhiều so với công việc ở phòng lễ tân của du thuyền hay trong khoang tàu nhưng mỗi ngày trôi đi, vợ chồng chị vẫn tạo ra giá trị của cuộc sống, vẫn có việc để làm.
“Bản thân tôi lúc nào cũng mong dịch bệnh sớm chấm dứt để hai vợ chồng tiếp tục công việc trước kia. Vì vậy, mỗi ngày, khi đối mặt với những khó khăn, tôi đều tự nhủ “bùn ở dưới chân nhưng nắng ở trên đầu”, trời sẽ không phụ lòng người nếu bản thân mình luôn cố gắng từng ngày”, chị Nhung nói.
Theo Hồng Cảnh/ Dân Việt