Bài học của thất bại
Jia Yueting – 44 tuổi là đồng sáng lập công ty công nghệ Trung Quốc LeEco – doanh nghiệp được xây dựng với mục tiêu trở thành đối thủ cạnh tranh của những ‘ông lớn’ như Netflix, Tesla hay thậm chí là Apple.
|
Jia Yueting – CEO LeEco. |
Với tham vọng của mình, Jia nhanh chóng mở rộng hoạt động của công ty, từ cổng livestream video trở thành công ty đa ngành, bán đủ các sản phẩm từ tivi tới điện thoại thông minh, các dòng xe điện.
Thật không may, mọi thứ không diễn ra theo như ý nguyện của Jia. Thay vì trở thành một đế chế kinh doanh tỷ đô, LeEco hiện đang ‘thoi thóp’ trên bờ vực phá sản.
Trèo cao ngã đau
Cuối năm 2016, LeEco đã trở thành một tập đoàn với cấu trúc tương đối phức tạp. Họ mở rộng thêm 15 chi nhánh và kết nạp 68 đối tác liên minh. Công ty này cũng không ngừng ‘chi bạo’ cho việc quảng bá tại Mỹ, trong khi các dịch vụ của họ gần như chưa hiện diện tại thị trường này cho đến tháng 12/2016.
Tháng 7/2016, công ty đã mua khu đất rộng 49 mẫu tại Santa Clara từ Yahoo và lập kế hoạch tuyển 12.000 nhân lực địa phương, nhắm tới việc xây dựng trụ sở toàn cầu tại Thung lũng Silicon.
Thế nhưng, dường như đây là một kế hoạch phi thực tế, bởi tiềm lực tài chính của LeEco không mạnh đến mức như vậy. Ngay từ đầu năm 2016, các nhà đầu tư đã chỉ ra những điểm bất cập trong báo cáo tài chính của chi nhánh Leshi Internet Information & Technology – một chi nhánh tại Quảng Châu của LeEco.
Cụ thể, bản báo cáo chỉ ra rằng các khoản thu - tiền hàng và dịch vụ lên tới 8,68 tỷ NDT (tương đương 1,28 tỷ USD), tăng 5,32 tỷ NDT (tương đương 783,79 triệu USD) so với năm trước đó.Cùng năm đó, doanh thu chỉ tăng 8,93 tỷ NDT (tương đương 1,31 tỷ USD) vì vậy riêng các khoản phải thu đã bù đắp cho gần 60% tốc độ tăng trưởng của Leshi.
Trong khi đó, chi nhánh này lại có dòng tiền âm trong năm 2016 lên tới 1,07 tỷ NDT (tương đương 157,64 triệu USD) – tồi tệ hơn 221,97% so với năm trước đó.Chính vì các khoản phải thu quá lớn mà dòng tiền thì âm, LeEco đã rơi vào tình trạng "rỗng túi".
Lo sợ về những rủi ro tiền mặt của LeEco, các nhà đầu tư bắt đầu bán tháo cổ phiếu của Leshi. Tính tới cuối năm 2016, giá cổ phiếu công ty đã sụt giảm 55% so với mức cao kỷ lục năm 2015 và giảm thêm 14,3% trong năm 2017 trước khi công ty này bị yêu cầu ngừng giao dịch.
Tương lai nào cho LeEco
Cuối năm 2016, Jia thừa nhận công ty đang đối mặt với những thách thức tài chính đáng sợ. Ngay sau đó không lâu, mọi thứ trở nên hoàn toàn tồi tệ, dẫn đến phản ứng dây chuyền: Công ty ngừng hoạt động nhà máy sản suất ô tô điện tại Nevada, tiết lộ kế hoạch bán trụ sở công ty tại thung lũng Silicon và sa thải hàng trăm nhân sự, hủy thương vụ mua lại nhà sản xuất tivi Mỹ là Vizio và kết quả phải nộp 100 triệu USD phí hủy hợp đồng.
Trong số hàng loạt tin xấu ập đến, nhiều nhà cung cấp đã kiện LeEco vì không thanh toán tiền và cuối cùng Tòa án Thượng Hải đã phải đưa ra kết luận phong tỏa khối tài sản trị giá 1,24 tỷ NDT (tương đương 182 triệu USD) của công ty.
Một vài ngày sau đó, Jia từ chức khỏi mọi vị trí, bao gồm cả Chủ tịch Leshi và nói rằng sẽ tập trung xây dựng mảng xe ô tô của LeEco là Faraday Future – được xem là đối thủ cạnh tranh của Tesla.
Sự sụp đổ của LeEco đã gây ra cú sốc ở thị trường Trung Quốc. Hiện tại, LeEco vẫn đang chìm nghỉm trong một mớ hỗn độn và việc Jia có tiếp tục hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Theo Linh Lê/Dân Việt