Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho thấy ông Trần Việt Thắng (Quận 2, TPHCM) đã có hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cụ thể, ông Trần Việt Thắng đã sử dụng các tài khoản đứng tên mình và đứng tên người khác để thực hiện giao dịch mua, bán, khớp đối ứng cổ phiếu giữa các tài khoản với nhau nhằm tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn (UPCoM: FRM) và cổ phiếu CTCP Đầu tư Nhãn hiệu Việt (HoSE: ABR), vi phạm quy định.
Do đó, ngày 21/7/2023, UBCKNN ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Việt Thắng số tiền 575 triệu đồng và buộc ông Thắng nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là 87,24 triệu đồng.
Được biết, ông Trần Việt Thắng sinh năm 1973, trình độ chuyên môn là Tài chính kế toán. Ông Trần Việt Thắng từng giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn từ tháng 4/2016.
Giai đoạn ông Thắng làm Phó Chủ tịch Lâm nghiệp Sài Gòn đã khiến cong ty bị dính sai phạm. Cụ thể, cuối tháng 11/2019, Thanh tra TPHCM thông báo kết luận Lâm nghiệp Sài Gòn sai phạm trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 137, tờ bản đồ số 14 tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với diện tích hơn 3,6 ha.
Trước đó, UBND TPHCM có giao tài sản cố định để Lâm nghiệp Sài Gòn cổ phần hóa, trong đó có khu đất trên. Tháng 6/2018, Sở Tài nguyên - Môi trường Kiên Giang cho Lâm nghiệp Sài Gòn thuê diện tích đất trên để trồng cây lâu năm. Trong hợp đồng có điều khoản "…không được chuyển giao quyền sử dụng cho bên thứ ba...".
Tuy nhiên, tháng 3/2018, ông Trần Việt Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Lâm nghiệp Sài Gòn đã ký hợp đồng chuyển nhượng kiêm hợp đồng đặt cọc khu đất trên với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường khoảng 3 triệu đồng/m2. Giao dịch chuyển nhượng sau đó đã được tạm ngừng và khu đất vẫn đang do Lâm nghiệp Sài Gòn quản lý.
Cổ phiếu FRM và ABR đang diễn biến như thế nào?
Trên thị trường, cổ phiếu FRM hầu như không có giao dịch khi liên tục đứng tại mức giá 5.700 đồng/cp, ghi nhận giảm 33% trong vòng 3 tháng qua. Thanh khoản chỉ xuất hiện theo quý khi bình quân vỏn vẹn 690 cổ phiếu được sang tay.
Tình hình kinh doanh của FRM cũng không mấy nổi bật khi doanh thu giai đoạn 2019-2022 trong khoảng từ 34-48 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế từ 4-9 tỷ đồng.
Còn với ABR, đóng cửa phiên ngày 21/7 tím trần lên tới 13.700 đồng/cp, ghi nhận mức tăng vọt 34% trong vòng 3 tháng qua. Thanh khoản cũng không cao khi bình quân chỉ 4.700 đơn vị được sang tay mỗi phiên.
Tình hình kinh doanh của ABR cũng tương tự khi doanh thu trong khoảng 27-104 tỷ đồng giai đoạn 2019-2022, còn lợi nhuận sau thuế từ 8-29 tỷ đồng.
Minh An