Tổ hợp tác chăn nuôi gà Minh Đức, xã Minh Đức, TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đang gặp khó khăn về nguồn vốn duy trì sản xuất. Clip: Hà Thanh
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Văn Hợi – Tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi gà Minh Đức (xóm Đậu 8A, xã Minh Đức, TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Trước khi đến với mô hình chăn nuôi gà như hiện nay, anh là công nhân tại khu công nghiệp Nội Bài (Hà Nội). Năm 2014, anh nghỉ việc và về nhà bắt tay vào chăn nuôi gà từ đó cho đến nay.
Trong quá trình chăn nuôi gà, anh nhận thấy việc chăn nuôi nhỏ lẻ không mang lại hiệu quả cao mà lại mất nhiều thời gian. Do đó, anh đã cùng với một số người chăn nuôi gà quyết định thành lập tổ hợp tác với số lượng 3 thành viên ban đầu, rồi sau đó nâng dần lên 10 thành viên như hiện nay.
Hiện nay, tổ hợp tác đang liên kết với một đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để có nguồn con giống cũng như thuốc thú y chuẩn và ổn định. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng nhận bao tiêu sản phẩm cho tổ hợp tác.
Theo anh Hợi, trung bình mỗi năm tổ hợp tác xuất bán ra thị trường khoảng trên 80 tấn gà các loại (trong đó gia đình anh Hợi khoảng trên 20 tấn). Hiện sản phẩm gà của tổ hợp tác đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, khi xuất bán ra thị trường, giá cả lại chưa đáp ứng được nhu cầu và công sức bỏ ra của người chăn nuôi.
"Thời điểm hiện tại, gà lai chọi đang được bán ra với giá khoảng 48.000 – 50.000 đồng/kg, và gà mía 1 – Dabaco được bán với giá khoảng trên 60.000 đồng/kg. Với giá cả như vậy, người chăn nuôi đang bị lỗ. Bởi vậy, nhiều hộ đang phải xuất bán nhỏ lẻ để chờ lên giá" - anh Hợi cho hay.
Cũng theo anh Hợi, tổ hợp tác đang gặp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn. Trước đó, tổ hợp tác đã được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), trong đó mỗi thành viên tổ hợp tác được vay 50 triệu đồng. Tuy nhiên, do nguồn vốn này còn tương đối hạn hẹp nên chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất của các hộ.
Do đó, tổ hợp tác mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục được các cấp, các ngành hỗ trợ thêm nguồn vốn vay ưu đãi và khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ tổ hợp tác phát triển lên HTX để mở rộng quy mô sản xuất và có cơ chế hỗ trợ nhiều hơn. Từ đó, giúp người chăn nuôi ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập.
Cùng với đó, để sản phẩm tiêu thụ được dễ dàng, không bị thương lái ép giá, tổ hợp tác cũng có định hướng sẽ chế biến thành sản phẩm gà thịt, đóng gói hút chân không, sau đó tìm kiếm các đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm để có đầu ra ổn định.
Bà Phạm Thị Hường – Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Đức đánh giá, trên địa bàn xã Minh Đức trong những năm gần đây đã thành lập nhiều tổ hợp tác, trong đó có tổ hợp tác chăn nuôi gà VietGAP thuộc xóm Đậu 8A và 8B, xã Minh Đức. Trong quá trình phát triển, các thành viên của tổ hợp tác hoạt động rất tốt, với quy mô số lượng đàn gà phát triển hằng năm tốt, tạo thu nhập ổn định cho bà con.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm và cuối năm 2023 đến nay, giá gà thịt giảm sâu. Chính vì vậy, cuối năm 2023, được sự quan tâm của Hội Nông dân các cấp, tổ hợp tác chăn nuôi gà Minh Đức đã được tiếp cận nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho các hộ tham gia tổ hợp tác vay vốn. Nhưng với mức vay hạn hẹp như vậy, khó có thể tiếp tục mở rộng quy mô phát triển đàn, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho các hộ thành viên. Hội Nông dân xã Minh Đức đã xây dựng kế hoạch cùng với tổ hợp tác làm hồ sơ đề nghị thành lập HTX sản xuất chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ.
"Hội Nông dân xã Minh Đức mong muốn Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ sớm được triển khai thực hiện để các thành viên tổ hợp tác được vay thêm vốn, đảm bảo cho việc phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ HTX chế biến sản phẩm chuyên sâu, đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị. Từ đó giúp các hộ duy trì sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập cho bà con" - bà Hường bày tỏ mong muốn.
Theo Hà Thanh - Kiều Hải/Dân Việt