Thái độ của nhà đầu tư cá nhân với trái phiếu metro

Google News

Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến thái độ đối với đầu tư trái phiếu đường sắt đô thị của các nhà đầu tư cá nhân tại thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt
Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến thái độ đối với đầu tư trái phiếu đường sắt đô thị của các nhà đầu tư cá nhân tại thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dữ liệu được thu thập từ 363 nhà đầu tư cá nhân thông qua khảo sát. Kết quả từ mô hình cấu trúc bình phương nhỏ nhất từng phần (PLS-SEM) cho thấy Chuẩn mực chủ quan, Hiệu suất tài chính và mức Nhận thức về khả năng kiểm soát hành vi và rủi ro là ba yếu tố tác động tích cực đến thái độ với trái phiếu đường sắt đô thị của các nhà đầu tư cá nhân. Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào trái phiếu đường sắt đô thị, góp phần phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Việt Nam.
Từ khóa: Trái phiếu đường sắt đô thị, nhà đầu tư cá nhân, tài chính bền vững.
1. Đặt vấn đề
Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống đường sắt đô thị nhằm giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội, trong 10 năm tới, TP. Hồ Chí Minh cần huy động khoảng 40,2 tỷ USD để đầu tư 355km đường sắt đô thị. Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết cần đa dạng hóa nguồn vốn huy động, trong đó trái phiếu là kênh quan trọng thu hút nhà đầu tư cá nhân. Trái phiếu đường sắt đô thị là các trái phiếu được phát hành bởi các thành phố hoặc chính quyền địa phương để tài trợ cho các dự án đường sắt đô thị, loại hình phương tiện công cộng chạy bằng điện, kết hợp giữa tàu điện ngầm, xe điện mặt đất và tàu một ray. Mặt khác, đầu tư vào trái phiếu đường sắt đô thị có thể giúp các nhà đầu tư cá nhân đa dạng hóa danh mục của mình, giảm thiểu rủi ro và nhận được lợi nhuận hấp dẫn (Tuyết, 2024).
Theo World Bank (2022), Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD vào năm 2040 để đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0. Để giảm ô nhiễm, trái phiếu xanh và trái phiếu bền vững được phát hành nhằm mang đến cơ hội hỗ trợ các dự án xanh cho nhà đầu tư. Nghiên cứu về trái phiếu xanh, Azad và cộng sự (2024) cho thấy yếu tố kiểm soát hành vi nhận thức và thái độ tác động mạnh mẽ đến hành vi mua trái phiếu xanh của các nhà đầu tư bán lẻ tại Ấn Độ. Argandoña và cộng sự (2022) chứng minh rằng tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe phát hành trái phiếu bền vững có liên quan đáng kể đến Tổng lượng trái phiếu xanh Chính phủ dự kiến phát hành.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu về trái phiếu xanh và trái phiếu bền vững, trái phiếu đường sắt đô thị vẫn là một lĩnh vực ít được quan tâm, đặc biệt tại Việt Nam. Do đó, nghiên cứu này khám phá và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ đầu tư trái phiếu đường sắt đô thị của các nhà đầu tư tại Hà Nội và Hồ Chí Minh. Nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng, khuyến khích các nhà nghiên cứu, nhà quản lý quỹ, tổ chức phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý thị trường và các nhà hoạch định chính sách tham gia vào sự phát triển của thị trường TPĐSĐT. Các tác giả cũng đề xuất giải pháp nhằm nâng cao khả năng huy động vốn từ trái phiếu cho các dự án đường sắt đô thị trong tương lai.
Phần còn lại của bài viết gồm: Phần 2 cơ sở lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu. Phần 3 đề xuất mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. Phần 4 thảo luận kết quả nghiên cứu và phần 5 đưa ra kết luận cùng một số khuyến nghị cho các bên liên quan.
Thai do cua nha dau tu ca nhan voi trai phieu metro
 

2. Cơ sở lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu
Trái phiếu đường sắt đô thị tài trợ cho các dự án giao thông công cộng đáp ứng được các tiêu chí bền vững của môi trường, điều này tương đồng với mục tiêu hướng đến của trái phiếu xanh và trái phiếu bền vững, hướng đến các dự án thân thiện với môi trường và có tác động tích cực đến xã hội. Nói rộng ra, trái phiếu đường sắt đô thị là một loại trái phiếu bền vững, được phát hành bởi Chính phủ, chính quyền địa phương và các tổ chức vận hành hệ thống đường sắt đô thị.
Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (2021) định nghĩa trái phiếu bền vững là một công cụ mà số tiền thu được sẽ tài trợ hoặc tái cấp vốn cho các dự án xanh và xã hội, phù hợp với thành phần cốt lõi của trái phiếu xanh và trái phiếu xã hội. Mathew & Sivaprasad (2024) đã phân tích thực nghiệm về trái phiếu bền vững của doanh nghiệp và cho thấy nhiều nhà phát hành trái phiếu bền vững đạt được phản ứng thị trường rất tốt và điểm môi trường, xã hội và quản trị (ESG) là động lực hiệu suất chính.
Trái phiếu đường sắt đô thị không chỉ đóng vai trò huy động vốn cho các dự án giao thông công cộng mà còn mở ra cơ hội phát triển hạ tầng giao thông mang tính bền vững, vậy nên đặc tính xanh của trái phiếu xanh là một phần của trái phiếu đường sắt đô thị. Trước đây có nhiều nghiên cứu về các khía cạnh của trái phiếu xanh, như phân tích mối quan hệ của thị trường trái phiếu xanh với các tài sản khác, khám phá các cơ hội phòng ngừa rủi ro tiềm năng (Huynh và cộng sự, 2020; Reboredo và cộng sự, 2020); “phụ phí” của trái phiếu xanh (Immel và cộng sự., 2022; Nanayakkara & Colombage, 2021); tác động của trái phiếu xanh tới giá cổ phiếu của công ty phát hành (Tang & Zhang, 2020); các yếu tố phía cung ảnh hưởng đến việc phát hành trái phiếu xanh, phân tích đặc điểm trái phiếu, thuộc tính tổ chức phát hành và điều kiện thị trường ảnh hưởng quy mô phát hành (Barua & Chiesa, 2019); hiệu suất của trái phiếu xanh, nhấn mạnh sự biến động của thị trường, sự chú ý của nhà đầu tư và rủi ro thanh khoản (Febi và cộng sự, 2018; Pham & Huynh, 2020); nhận thức của các nhà đầu tư đối với trái phiếu xanh để khuyến khích tham gia gia đầu tư rộng rãi (Piñeiro-Chousa và cộng sự, 2021; Prajapati và cộng sự, 2021) cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến thái độ của nhà đầu tư cá nhân với trái phiếu xanh (Barua & Chiesa, 2019; Sangiorgi & Schopohl, 2021).
Trên thế giới đã có các nghiên cứu về trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững, nhưng trái phiếu đường sắt đô thị vẫn là mảng nghiên cứu còn nhiều dư địa. Theo chúng tôi được biết, hiện chưa có bài nghiên cứu nào nghiên cứu về trái phiếu đường sắt đô thị tại Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ đã xem xét để phát hành loại trái phiếu này, do đó bài nghiên cứu này sẽ nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ của nhà đầu tư cá nhân với trái phiếu đường sắt đô thị tại Việt Nam. Bài nghiên cứu đề xuất những giả thuyết sau:
2.1. Chuẩn mực chủ quan (CMCQ)
Chuẩn mực chủ quan là ảnh hưởng của xã hội và các mối quan hệ xung quanh đối với một người để thực hiện một hành vi cụ thể. CMCQ về hành vi sẽ cao nếu niềm tin chuẩn mực và động lực đáp ứng kỳ vọng của những người có quan hệ theo chiều dọc cũng cao như nhau. Đối với các mối quan hệ theo chiều ngang, CMCQ sẽ cao nếu kiến thức của cá nhân và những cá nhân khác là vững chắc (Ajzen, 2005). Alleyne & Broome (2011) nhận thấy rằng các CMCQ là những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đáng kể đến ý định đầu tư. Các nghiên cứu trước đây đã quan sát thấy mối liên hệ tích cực giữa các chuẩn mực chủ quan và ý định đầu tư có trách nhiệm với xã hội, nên chúng tôi giả thuyết rằng:
H1: Chuẩn mực chủ quan có ảnh hưởng tích cực đến thái độ đầu tư trái phiếu đường sắt đô thị của các nhà đầu tư cá nhân.
2.2. Hiệu suất tài chính (HSTC)
Hiệu suất tài chính là một thước đo phản ánh mức độ khả năng sinh lời của một tài sản tài chính hay một khoản đầu tư. Cunha và cộng sự (2021) cho rằng nhà đầu tư phải cân nhắc giữa lợi nhuận từ trái phiếu thông thường và lợi ích môi trường hoặc đầu tư có trách nhiệm xã hội. Paetzold và cộng sự, (2022) chỉ ra rằng cả những cá nhân sở hữu tài sản ròng cao và các nhà đầu tư nhỏ lẻ đều xem xét lợi nhuận tài chính như một yếu tố then chốt trước khi quyết định đầu tư. Do vậy, nhóm nghiên cứu xây dựng giả thuyết:
H2: Hiệu suất tài chính có tác động tích cực đến thái độ đầu tư trái phiếu đường sắt đô thị của các nhà đầu tư cá nhân
2.3. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ (HTCP)
Hỗ trợ của Chính Phủ được hiểu là các khoản hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Trung ương, các Tỉnh, Thành phố địa phương thông qua các chính sách, ưu đãi và sự can thiệp khác nhau. Theo Bansal và cộng sự (2023), các hạn chế về chính sách được xác định là một trong những rào cản lớn nhất ngăn cản các khoản đầu tư trái phiếu xanh. Việc cung cấp các hướng dẫn địa phương, ưu đãi về thuế và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã được phát hiện là có tác động đáng kể đến ý định của cả nhà đầu tư bán lẻ và chuyên nghiệp (Mankata và cộng sự, 2022). Do đó, chúng tôi giả thuyết rằng:
H3: Chính sách hỗ trợ của Chính phủ có ảnh hưởng tích cực đến thái độ đầu tư trái phiếu đường sắt đô thị của các nhà đầu tư cá nhân.
2.4. Nhận thức về khả năng kiểm soát hành vi (KSHVRR)
Nhận thức về khả năng kiểm soát hành vi là sự tự tin và kiểm soát của một người đối với quyết định thực hiện một hành vi cụ thể trong một tình huống nhất định của bản than, phù hợp với lý thuyết về hành vi có kế hoạch, rằng kiểm soát được nhận thức có thể tác động đáng kể đến các quyết định đầu tư (Sourirajan & Perumandla, 2022). Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy mối liên hệ tích cực giữa nhận thức về khả năng kiểm soát hành vi và ý định đầu tư có trách nhiệm với xã hội, điển hình của Jensen và cộng sự (2016) về ý định đầu tư có trách nhiệm với xã hội của thế hệ Y hay nghiên cứu của Yee và cộng sự (2022) về ý định hướng tới đầu tư năng lượng tái tạo. Do đó, chúng tôi đề xuất giả thuyết:
H4: Nhận thức về khả năng kiểm soát hành vi có ảnh hưởng tích cực đến thái độ đầu tư trái phiếu đường sắt đô thị của các nhà đầu tư cá nhân
2.5. Môi trường (MT)
Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và nhân tạo xung quanh con người, tác động đến sự sinh tồn và phát triển của sinh vật cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội. Trước tình hình biến đổi khí hậu và sự tổn hại của môi trường hiện nay, con người đã bắt đầu quan tâm đến các biện pháp để bảo vệ và khắc phục các vấn đề liên quan. Mối bận tâm đến môi trường của nhiều nhà đầu tư đã ảnh hưởng đến thái độ của họ đến các tài sản tài chính được chỉ ra trong nghiên cứu của Mishra và cộng sự (2023). Sangiorgi & Schopohl (2021) nhận định lợi ích đối với môi trường của tài sản tài chính có thể ảnh hưởng đến thái độ đầu tư của các nhà đầu tư. Sự phát triển của hệ thống tàu điện có tác động lớn đến môi trường như: giảm thiểu khí thải (Li và cộng sự, 2019); giảm mật độ dân số (Chen và cộng sự, 2021). Từ đó nhóm nghiên cứu có cơ sở xây dựng giả thuyết:
H5: Môi trường có ảnh hưởng tích cực đến thái độ đầu tư trái phiếu đường sắt đô thị của các nhà đầu tư cá nhân
3. Mô hình và phương pháp nghiên cứu
3.1. Mô hình nghiên cứu
Nhóm tác giả thảo luận với 10 chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và 5 nhà đầu tư cá nhân có kinh nghiệm trên 4 năm để tiếp nhận những kiến thức dựa trên thực tiễn, kết hợp để thiết lập mô hình nghiên cứu. Bảng hỏi được đo lường qua thang đo 5 mức độ Likert, qua đó tiến hành tạo lập mô hình nghiên cứu với biến phụ thuộc là Thái độ (TD) và 5 biến độc lập là Chuẩn mực chủ quan, Hiệu suất tài chính, Chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Nhận thức về khả năng kiểm soát hành vi và Môi trường:
Thai do cua nha dau tu ca nhan voi trai phieu metro-Hinh-2
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất 
3.2. Phương pháp nghiên cứu
3.2.1. Phương pháp thu thập số liệu
Nghiên cứu thu thập dữ liệu bằng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng nhiều giai đoạn, thu thập các phiếu khảo sát qua Google Forms từ 10/2024 tới 02/2025 với nhà đầu tư cư trú tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, hai địa phương có đường sắt đô thị. Nghiên cứu tiến hành khảo sát với 2 câu hỏi sàng lọc: (1) nhà đầu tư có hiểu biết về trái phiếu, (2) nhà đầu tư có trên 1 năm kinh nghiệm đầu tư. Cuối cùng, nhóm thu được 363 phiếu hợp lệ để tiến hành nghiên cứu.
3.2.2. Phương pháp nghiên cứu
SmartPLS 4.0 được sử dụng để phân tích dữ liệu với phương pháp PLS-SEM, cho phép xử lý các mô hình phức tạp, tập trung dự báo dữ liệu, xử lý dữ liệu không tuân theo phân phối chuẩn, phù hợp với các nghiên cứu định hướng dự báo và các mô hình có độ phức tạp cao (Hair & Alamer, 2022). Nghiên cứu đã thực hiện các biện pháp để giảm thiểu thiên lệch do sự mong muốn xã hội bằng cách thu thập dữ liệu trực tuyến để tăng tính ẩn danh của người tham gia. Những người tham gia được thông báo rõ ràng rằng không có câu trả lời đúng hay sai, khuyến khích họ thể hiện ý kiến chân thật. Dù vậy, vẫn có khả năng có thiên lệch phương pháp do việc sử dụng các thang đo tương tự cho các biến kết quả và yếu tố dự báo nên bài kiểm tra một yếu tố Harman đã được thực hiện.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Sai lệch do phương pháp
Để kiểm soát hiện tượng sai lệch do phương pháp chung (CMB) phát sinh do dữ liệu được thu thập tại một nguồn duy nhất, kiểm định nhân tố đơn Harman được thực hiện. Kết quả của hiệp phương sai lớn nhất giải thích 35,29%, nhỏ hơn 50%, cho thấy sai lệch do phương pháp chung không ảnh hưởng đến nghiên cứu này.
4.2. Kiểm định mô hình đo lường
Các giá trị về hội tụ, độ tin cậy và giá trị phân biệt của thang đo được tiến hành đánh giá thông qua kiểm định mô hình đo lường. Giá trị outer loading được Hair (2017) khuyến nghị từ 0.7 trở lên. Kết quả chạy lần 1 cho thấy biến MT1, MT2, MT3 không đủ điều kiện đã bị loại khỏi mô hình.
Kết quả đo lường bằng PLS-SEM được trình bày tại bảng 1. Độ tin cậy của các biến đã được kiểm tra thông qua độ tin cậy tổng hợp (CR) và hệ số Cronbach’s alpha. Dựa trên bảng 1, các giá trị đo lường của Cronbach’s alpha, và giá trị tương ứng đối với CR đều đạt giá trị đo lường (Hair & Alamer, 2022).
Tính hội tụ được đánh giá thông qua hệ số tải nhân tố (factor loading) và phương sai trung bình trích (AVE). Bảng 1 trình bày các giá trị hệ số tải nhân tố và AVE. Các giá trị AVE lớn hơn 0.5 để đảm bảo giá trị hội tụ của các biến (Hair và cộng sự, 2019).
Bảng 1: Kết quả đánh giá độ tin cậy và tính hợp lệ của thang đo
 
Thai do cua nha dau tu ca nhan voi trai phieu metro-Hinh-3
 
Thai do cua nha dau tu ca nhan voi trai phieu metro-Hinh-4
 
Mức độ khác biệt giữa các biến tiềm ẩn trong mô hình được tính phân biệt phản ánh. Điều kiện để tính hợp lệ được đảm bảo khi căn bậc hai của AVE của từng khái niệm phải lớn hơn tất cả các hệ số tương quan giữa nó và các giá trị còn lại (Fornell & Larcker, 1981).
Bảng 2: Kiểm định giá trị đặc biệt theo tiêu chuẩn Fornell và Lacker
Thai do cua nha dau tu ca nhan voi trai phieu metro-Hinh-5
 
Mô hình đảm bảo đáp ứng về tính phân biệt, để xác nhận thêm tỷ số HTMT được dùng để tính toán. Kết quả chỉ ra rằng tất cả các giá trị đều nhỏ hơn 0.90, đáp ứng tiêu chí đánh giá theo Henseler và cộng sự (2015).
Bảng 3: Tiêu chí HTMT
Thai do cua nha dau tu ca nhan voi trai phieu metro-Hinh-6
 
 
4.3. Kiểm định mô hình cấu trúc
Hệ số phóng đại phương sai (VIF) được sử dụng để kiểm tra tính đa cộng tuyến trong mô hình cấu trúc. Kết quả bảng 4 cho thấy các giá trị nhỏ hơn 3 - giá trị VIF lý tưởng theo khuyến nghị (Hair và cộng sự, 2018). Như vậy, giữa các cấu trúc của mô hình nghiên cứu không tồn tại hiện tượng đa cộng tuyến.
Bảng 4: Đánh giá chỉ số VIF
Thai do cua nha dau tu ca nhan voi trai phieu metro-Hinh-7
 
     
Bảng 5 cho thấy R2 = 0.396 đối với mô hình hiện tại đối với thái độ đầu tư trái phiếu đường sắt đô thị của các nhà đầu tư. Mức độ này cho thấy mô hình có khả năng dự báo ở mức độ trung bình với giá trị dự báo Q^2 = 0.371.
Bảng 5: Giá trị R^(2 ); R^2 hiệu chỉnh; Q^2
Thai do cua nha dau tu ca nhan voi trai phieu metro-Hinh-8
 
Nhằm nâng cao độ tin cậy của kết quả ước lượng các yếu tố trong mô hình, nghiên cứu áp dụng phương pháp bootstrapping lấy mẫu có hoàn lại (n = 5000). Kết quả thể hiện mức độ tác động khác nhau của các yếu tố được nghiên cứu. Theo đó, yếu tố tác động mạnh nhất là CMCQ (β = 0.264; p = 0.000), tiếp theo là HSTC với β = 0.233, p = 0.001 và cuối cùng là KSHVRR (β = 0.160; p = 0.004). Như vậy, giả thuyết H1 được chấp nhận, tương đồng với các nghiên cứu trước đó (Alleyne & Broome, 2011; Yee và cộng sự, 2022). Việc xem xét một tài sản tài chính trước khi đầu tư luôn có yếu tố chủ quan từ chính các nhà đầu tư và các nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam cũng vậy.
Giả thuyết H2 cũng được chấp nhận cho thấy hiệu suất tài chính có tác động lớn đến thái độ của nhà đầu tư cá nhân khi xem xét đầu tư trái phiếu đường sắt đô thị, phù hợp với nghiên cứu của Paetzold và cộng sự (2022). Các nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam đánh giá Hiệu suất tài chính của công cụ có mang lại lợi ích phù hợp cho họ không để đưa ra được thái độ đầu tư. Khả năng nhận thức và Kiểm soát hành vi rủi ro cũng đóng vai trò tác động đến thái độ đầu tư trái phiếu đường sắt đô thị của các nhà đầu tư, đồng thuận với nghiên cứu của Yee và cộng sự (2022). Nhà đầu tư luôn xem xét kỹ lưỡng rủi ro tiềm ẩn bên cạnh cơ hội cũng như các giải pháp để đối mặt rủi ro nếu có. Nếu họ có thể đánh giá mức độ rủi ro đối với khoản đầu tư thì có thể có cái nhìn tích cực với việc đầu tư tài sản đó. Từ đó, giả thuyết H4 được củng cố.
Ngược lại, các yếu tố HTCP và MT đều không có ý nghĩa thống kê, cho thấy các nhà đầu tư không cho rằng sự hỗ trợ của chính phủ và yếu tố môi trường có ảnh hưởng đến thái độ đầu tư trái phiếu của họ, có thể do trái phiếu đường sắt đô thị chưa thực sự được phát hành ở Việt Nam khiến họ chưa có một cái nhìn rõ ràng về các chính sách có thể có của Chính phủ hỗ trợ cho loại trái phiếu này. Hơn nữa, nhiều người Việt Nam thu nhập dưới mức đóng thuế thu nhập cá nhân, còn thu nhập từ chứng khoán có mức thuế cố định 10%. Do đó, nhà đầu tư không bị ảnh hưởng bởi các mức thuế thu nhập lũy tiến và ít lo lắng về tác động của thuế tới lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu. Vì vậy, giả thuyết H3 bị bác bỏ. Đồng thời, đường sắt đô thị cũng mới được đưa vào sử dụng tại Việt Nam trong thời gian ngắn nên chưa có kết quả tổng quan về sự hiệu quả của nó cũng như tác động của nó đến môi trường sống. Do vậy, giả thuyết H5 bị loại bỏ.
Bảng 6: Kết quả Bootstrapping
Thai do cua nha dau tu ca nhan voi trai phieu metro-Hinh-9
 
5. Kết luận
Dựa trên khảo sát 363 nhà đầu tư tại Việt Nam, bài viết này đã phân tích tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ của các nhà đầu tư cá nhân với trái phiếu đường sắt đô thị tại Hà Nội và Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy Chuẩn mực chủ quan, Hiệu suất tài chính và Nhận thức về hành vi kiểm soát rủi ro có tác động tích cực đến thái độ của các nhà đầu tư. Những phát hiện quan trọng của nghiên cứu này có ý nghĩa thực tế đối với tất cả những người tham gia thị trường, các nhà đầu tư cá nhân, nhà quản lý đầu tư, tổ chức phát hành trái phiếu, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách. Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước nên phát động các chiến dịch tuyên truyền về tác động tích cực của hệ thống đường sắt đô thị đến giao thông, môi trường và phát triển bền vững. Ngoài ra, đơn vị phát hành cần hợp tác chặt chẽ với các tổ chức tài chính để tạo cơ chế hỗ trợ, đảm bảo tính thanh khoản cho trái phiếu nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Hơn nữa, các nhà đầu tư có thể xem xét những yếu tố này để xây dựng danh mục đầu tư hợp lý và hiệu quả. Các nhà đầu tư có thể tham khảo ý kiến các chuyên gia, tổ chức tư vấn tài chính để xác định khẩu vị rủi ro và chiến lược trước khi quyết định đầu tư.
Dù có những lập luận nêu trên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cần được diễn giải một cách thận trọng. Phạm vi nghiên cứu chỉ giới hạn ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nên kết quả có thể không áp dụng rộng rãi ngoài quy mô này. Nghiên cứu trong tương lai có thể mở rộng phân tích bằng cách thu thập dữ liệu từ nhiều quốc gia để so sánh sự khác biệt xuyên biên giới, từ đó mang lại cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.

Tài liệu tham khảo

Ajzen, I. (2005). Attitudes, Personality and Behaviour. McGraw-Hill Education (UK).

Alleyne, P., & Broome, T. (2011). Using the theory of planned behaviour and risk propensity to measure investment intentions among future investors. Journal of Eastern Caribbean Studies, 36, 1–20.

Azad, S., Tulasi Devi, S. L., & Mishra, A. K. (2024). Investing in our planet: Examining retail investors’ preference for green bond investment. Business Strategy and the Environment, 33(6), 5151–5173. https://doi.org/10.1002/bse.3743

Barua, S., & Chiesa, M. (2019). Sustainable financing practices through green bonds: What affects the funding size? Business Strategy and the Environment, 28(6), 1131–1147. https://doi.org/10.1002/bse.2307

Bernabé Argandoña, L. C., Cruz Rambaud, S., & López Pascual, J. (2022). The Impact of Sustainable Bond Issuances in the Economic Growth of the Latin American and Caribbean Countries. Sustainability, 14(8), Article 8. https://doi.org/10.3390/su14084693

Chen, C.-C., Tsai, S.-S., & Yang, C.-Y. (2021). Effects of the implementation of a mass rapid transit system on mortality rates attributed to cardiorespiratory complications in Taipei. Journal of Toxicology and Environmental Health, Part A, 84(22), 914–921. https://doi.org/10.1080/15287394.2021.1954571

Cunha, F. A. F. de S., Meira, E., & Orsato, R. J. (2021). Sustainable finance and investment: Review and research agenda. Business Strategy and the Environment, 30(8), 3821–3838. https://doi.org/10.1002/bse.2842

Febi, W., Schäfer, D., Stephan, A., & Sun, C. (2018). The impact of liquidity risk on the yield spread of green bonds. Finance Research Letters, 27, 53–59.

Fornell, C., & Larcker, D. F. (1981). Structural Equation Models with Unobservable Variables and Measurement Error: Algebra and Statistics. Journal of Marketing Research, 18(3), 382. https://doi.org/10.2307/3150980

Hair, J. F. (Ed.). (2017). A primer on partial least squares structural equation modeling (PLS-SEM) (Second edition). Sage.

Hair, J. F., Risher, J. J., Sarstedt, M., & Ringle, C. M. (2019). When to use and how to report the results of PLS-SEM. European Business Review, 31(1), 2–24. https://doi.org/10.1108/EBR-11-2018-0203

Hair, J., & Alamer, A. (2022). Partial Least Squares Structural Equation Modeling (PLS-SEM) in second language and education research: Guidelines using an applied example. Research Methods in Applied Linguistics, 1(3), 100027. https://doi.org/10.1016/j.rmal.2022.100027

https://www.unepfi.org/wordpress/wp-content/uploads/2020/06/Carolina-Barreto-Representante-de-Climate-Bonds-Initiative-CBI.pdf

Huynh, T. L. D., Hille, E., & Nasir, M. A. (2020). Diversification in the age of the 4th industrial revolution: The role of artificial intelligence, green bonds, and cryptocurrencies. Technological Forecasting and Social Change, 159, 120188.

Immel, M., Hachenberg, B., Kiesel, F., & Schiereck, D. (2022). Green Bonds: Shades of Green and Brown. In M. De Jong & D. diBartolomeo (Eds.), Risks Related to Environmental, Social and Governmental Issues (ESG) (pp. 21–34). Springer Nature Switzerland. https://doi.org/10.1007/978-3-031-18227-3_3

Jensen, C., Huynh, R., & Sandberg, P. (2016). “Doing good while doing well”: An investigation of Generation Y’s intention to invest socially responsibly. https://www.diva-portal.org/smash/record.jsf?pid=diva2:936287

Li, S., Liu, Y., Purevjav, A.-O., & Yang, L. (2019). Does subway expansion improve air quality? Journal of Environmental Economics and Management, 96, 213–235. https://doi.org/10.1016/j.jeem.2019.05.005

Mankata, L. M., Owusu-Manu, D.-G., Hosseini, M. R., & Edwards, D. J. (2022). Analysis of success-dependent factors for green bond financing of infrastructure projects in Ghana. Journal of Sustainable Finance & Investment, 12(3), 832–848. https://doi.org/10.1080/20430795.2020.1803640

Mathew, S., & Sivaprasad, S. (2024). An empirical analysis of corporate sustainability bonds. Business Strategy and the Environment, 33(4), 3299–3316. https://doi.org/10.1002/bse.3663

Mishra, A. K., Bansal, R., & Maurya, P. K. (2023). Investing for a better tomorrow: Values-driven antecedents of investment in socially responsible equity funds by Indian retail investors. Journal of Cleaner Production, 420, 138441. https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2023.138441

Nanayakkara, K. G. M., & Colombage, S. (2021). Does compliance with Green Bond Principles bring any benefit to make G20’s ‘Green economy plan’ a reality? Accounting & Finance, 61(3), 4257–4285. https://doi.org/10.1111/acfi.12732

Paetzold, F., Busch, T., Utz, S., & Kellers, A. (2022). Between impact and returns: Private investors and the sustainable development goals. Business Strategy and the Environment, 31(7), 3182–3197. https://doi.org/10.1002/bse.3070

Pham, L., & Huynh, T. L. D. (2020). How does investor attention influence the green bond market? Finance Research Letters, 35, 101533.

Piñeiro-Chousa, J., López-Cabarcos, M. Á., Caby, J., & Šević, A. (2021). The influence of investor sentiment on the green bond market. Technological Forecasting and Social Change, 162, 120351.

Prajapati, D., Paul, D., Malik, S., & Mishra, D. K. (2021). Understanding the preference of individual retail investors on green bond in India: An empirical study. Investment Management and Financial Innovations, 18(1), 177–189. https://doi.org/10.21511/imfi.18(1).2021.15

Reboredo, J. C., Ugolini, A., & Aiube, F. A. L. (2020). Network connectedness of green bonds and asset classes. Energy Economics, 86, 104629.

Sangiorgi, I., & Schopohl, L. (2021). Why do institutional investors buy green bonds: Evidence from a survey of European asset managers. International Review of Financial Analysis, 75, 101738. https://doi.org/10.1016/j.irfa.2021.101738

Sourirajan, S., & Perumandla, S. (2022). Do Emotions, Desires and Habits influence mutual fund investing? A study using the Model of Goal-Directed Behavior. International Journal of Bank Marketing, 40. https://doi.org/10.1108/IJBM-12-2021-0540

Tang, D. Y., & Zhang, Y. (2020). Do shareholders benefit from green bonds? Journal of Corporate Finance, 61, 101427.

World Bank. (2022). Key Highlights: Country Climate and Development Report for Vietnam. World Bank. https://www.worldbank.org/en/country/vietnam/brief/key-highlights-country-climate-and-development-report-for-vietnam

Yee, C. H., Al-Mulali, U., & Ling, G. M. (2022). Intention towards renewable energy investments in Malaysia: Extending theory of planned behaviour. Environmental Science and Pollution Research, 29(1), 1021–1036. https://doi.org/10.1007/s11356-021-15737-x

NHÓM NGHIÊN CỨU

ThS. Đỗ Khánh Hiền

Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Ngoại Thương

Email: dokhanhhien@ftu.edu.vn

Đinh Phạm Ngọc Ánh

Khoa Kế toán – Kiểm toán, Trường Đại học Ngoại Thương

Email: k61.2214818104@ftu.edu.vn

Trần Thị Thanh Mai

Khoa Kế toán – Kiểm toán, Trường Đại học Ngoại Thương

Email: k61.2214818121@ftu.edu.vn

Nguyễn Thị Trà My

Khoa Kế toán – Kiểm toán, Trường Đại học Ngoại Thương

Email: k61.2214818123@ftu.edu.vn

Lê Ngọc Linh

Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Ngoại Thương

Email: k62.2311330028@ftu.edu.vn

PV