Hoạt động sản xuất thiếu nhiều thủ tục hành chính?
Theo đơn thư phản ánh của bà con thôn Thanh Cách, xã Minh Khai, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, thì từ cuối năm 2020, gia đình ông Đặng Quang Ba đã xây xưởng quy mô lớn với hơn 40 công nhân ngày đêm sản xuất thạch rau câu và trân châu. Xưởng hiện đã có đến 80 công nhân, với nhiều sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Hoa Sen.
Dòng sản phẩm chính của Công ty thực phẩm Hoa Sen bao gồm: Loạt sản phẩm trân châu 3Q Bibi Jelly; Thạch dừa các vị; Bột rau câu pha sẵn… tất cả đều gắn thương hiệu Lotus Food cùng hình ảnh hoa sen.
|
Loạt sản phẩm trân châu của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Hoa Sen |
Được biết, quá trình sản xuất tại xưởng làm tán ra mùi khét và mùi hôi thối nồng nặc. Đặc biệt, nước thải từ xưởng này còn được xả thải trực tiếp ra môi trường khi chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Đầu năm 2021, những ao cá của người dân thuộc khu Rằm, thôn Thanh Cách gần xưởng thạch rau câu đã có hiện tượng cá chết hàng loạt. Diện tích lúa cấy cũng bị nước thải của xưởng làm ô nhiễm, ảnh hưởng tới năng suất và đặc biệt tình trạng ô nhiễm này còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân.
Vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây đã được không ít báo đài phản ánh, vì lẽ đó, vào ngày 17/5/2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Hà đã phối hợp với các phòng, ban, ngành có liên quan và xã Minh Khai trực tiếp xuống thực địa để kiểm tra, đánh giá hiện trạng tại Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Hoa Sen.
|
Cây cối, cá của một hộ dân chết do nước thải từ hoạt động sản xuất của Công ty thực phẩm Hoa Sen |
Kết quả, ngày 19/5, UBND huyện Hưng Hà ban hành văn bản số 467/UBND-TNMT kết luận: Công ty Thực Phẩm Hoa Sen không có các thủ tục hành chính về đất đai, môi trường, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật; Nước thải thải ra từ các công đoạn sản xuất thạch xả ra môi trường không được xử lý có mùi chua, hôi thối, màu đen gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Đồng thời, UBND huyện Hưng Hà đã yêu cầu Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Hoa Sen phải dừng ngay các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm ra môi trường. Nghiêm cấm việc xả nước thải sản xuất ra môi trường, gây bức xúc cho nhân dân; phải chịu trách nhiệm thu gom, xử lý toàn bộ các chất thải đã phát sinh từ việc hoạt động sản xuất thạch rau câu.
Ngoài ra, UBND huyện Hưng Hà giao các phòng chuyên môn tham mưu để UBND huyện đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp kiểm tra, rà soát thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Hoa Sen.
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, ngành của huyện kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai, môi trường của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Hoa Sen
UBND xã Minh Khai giám sát 24/24 giờ đối với việc chấp hành dừng các hoạt động liên quan đến sản suất thạch rau câu trái phép của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Hoa Sen; xử lý vi phạm hành chính về đất đai, môi trường đối với công ty theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
|
Văn bản của UBND huyện Hưng Hà yêu cầu Công ty thực phẩm Hoa Sen ngừng hoạt động do xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng |
Xử phạt xong, doanh nghiệp vẫn ngang nhiên xả thải?
Ngày 24/8, có mặt tại thôn Thanh Cách, xã Minh Khai, tỉnh Thái Bình, phóng viên (PV) được người dân đưa đến xưởng sản xuất thạch rau câu của Công ty thực phẩm Hoa Sen. Đúng như người dân phản ánh, dù đã có văn bản của UBND huyện Hưng Hà, yêu cầu dừng các hoạt động sản xuất, thì doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động không ngừng. Thậm chí, việc hoạt động diễn ra cả vào đêm tối, với những tiếng ồn của máy móc ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Được biết, Công ty thực phẩm Hoa Sen là của ông Đặng Quang Ba, hiện đang là cán bộ thuộc Văn phòng Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình.
Cuối tháng 1/2022, Công ty thực phẩm Hoa Sen thay đổi người đại diện pháp luật, từ ông Đặng Quang Ba sang bà Đỗ Thị Thu Thủy (là vợ của ông Ba), và đến ngày 24/5, sau ngày Công ty thực phẩm Hoa Sen bị xử phạt thì đại diện pháp luật được đổi sang ông Đỗ Văn Thành.
Theo người dân sinh sống quanh cơ sở sản xuất của Công ty thực phẩm Hoa Sen, thì vợ chồng ông Ba, bà Thủy là “chính chủ” sở hữu của doanh nghiệp, còn ông Đỗ Văn Thành chỉ là người được thuê để làm đại diện. Do ông Đặng Văn Ba đang là “cán bộ viên chức”, nên việc đứng tên một doanh nghiệp xả thải, gây ô nhiễm tại chính mảnh đất quê hương là “không hay”.
|
Khu vực được cho là để dùng "chế biến" sản phẩm của Công ty thực phẩm Hoa Sen, được đặt ngay trước nhà vệ sinh |
Phải chăng, vì Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Hoa Sen có ông Đặng Quang Ba “đứng sau” nên mới có thể ngang nhiên hoạt động suốt thời gian qua, xả thải bừa bãi không qua xử lý, và thậm chí thách thức cơ quan quản lý địa phương khi tiếp tục hoạt động cho dù đã bị yêu cầu ngừng hoạt động?
Phóng viên đã đến Công ty thực phẩm Hoa Sen và gửi một số nội dung trao đổi, làm việc liên quan đến hoạt động xả thải của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía công ty.
UBND tỉnh Thái Bình cần sớm vào cuộc, làm rõ sự liên hệ giữa ông Đặng Quang Ba và Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Hoa Sen, sớm xử lý triệt để tình trạng hoạt động kinh doanh thiếu nhiều thủ tục hành chính, xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của doanh nghiệp này.
*Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Minh Châu