Chàng trai có vẻ ngoài đậm chất trí thức này là Trương Thiên Nhất, sinh năm 1990, là thạc sĩ đại học Bắc Kinh. Anh là nhà sáng lập của thương hiệu phở Funiutang mới nổi tại Trung Quốc.
Năm 3 đại học, Trương Thiên Nhất từng có ý định khởi nghiệp, mở một chuỗi quán ăn kiểu Hoa. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên ý tưởng này đã không thể thành hiện thực.
Sau khi tốt nghiệp, Trương Thiên Nhất không làm đúng chuyên ngành pháp lý của mình, mà vẫn tiếp tục lựa chọn con đường khởi nghiệp bằng cách… đi bán phở. Quyết định này khiến anh bị tất cả mọi người xung quanh coi là kẻ điên. Tuy nhiên, sự kiên trì và quyết tâm của Trương Thiên Nhất đã khiến họ phải nhìn anh bằng con mắt khác.
|
Chân dung ông chủ trẻ tài năng của thương hiệu Funiutang. |
Trương Thiên Nhất chọn món phở bò để khởi nghiệp vì 2 lý do chủ yếu: thứ nhất, đây là món ăn mang mùi vị quê hương Hồ Nam của anh; thứ hai, ở Bắc Kinh bấy giờ chưa có quán ăn nào kinh doanh phở bò Hồ Nam, đây rõ ràng là một thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ.
Để cho ra đời món phở nạm bò đúng vị của thành phố Thường Đức, tỉnh Hồ Nam, Trương Thiên Nhất đã tự mình đi “tầm sư học đạo”. Sau đó, anh cùng 3 người bạn thuê một mặt bằng nhỏ ở Bắc Kinh. Cửa hàng Funiutang đầu tiên đã ra đời vào năm 2014 như vậy.
Số vốn ban đầu của Trương Thiên Nhất và nhóm bạn là 150.000 NDT (509 triệu VND). Đây là một số tiền khá lớn nhưng cũng không thấm vào đâu so với mức chi tiêu đắt đỏ ở Bắc Kinh. Vì vậy, họ chỉ có thể thuê địa điểm ở vùng ngoại ô hẻo lánh của thủ đô. Kết quả là lượng khách hàng vô cùng ít ỏi.
Để thu hút khách hàng và quảng bá thương hiệu, ban đầu, Trương Thiên Nhất đánh vào tâm lý “nhớ mùi vị quê nhà” đối với các khách hàng đồng hương. Sau đó, thay vì phát tờ rơi quảng cáo theo cách truyền thống, anh tận dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin. Nhờ vậy, Funiutang nhanh chóng được biết đến rộng rãi. Dần dần, nhiều quỹ đầu tư như Xianfenghuaxing, IDG, Zhenge cũng bắt đầu hỗ trợ rót vốn cho Funiutang.
Khi đã có được nguồn khách hàng ổn định, bước tiếp theo của Trương Thiên Nhất là củng cố thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm. Anh chọn những nguyên liệu chế biến có chất lượng tối ưu, đồng thời tạo điểm nhấn bằng vị cay đặc trưng của phở Funiutang. Thậm chí dù người Bắc Kinh thường không thích ăn cay, nhưng món phở này vẫn vô cùng gây nghiện.
Giờ đây, anh sinh viên nghèo năm nào đã sở hữu hơn 20 quán phở. Thu nhập mỗi năm của anh đạt gần 200 triệu NDT (679 tỷ VND). Trong dịp lễ Độc thân (11/11) ở Trung Quốc, anh đã lập kỷ lục khi bán được 2 triệu NDT (6,7 tỷ VND) tiền phở chỉ trong 1 ngày.
Theo Hương Nguyễn/Dân Việt