Từ đầu năm đến nay, hàng loạt vụ bỗng dưng mất tiền trong tài khoản ngân hàng như Vietcombank, Agribank, VPBank, HDBank, Đông Á Bank… liên tục xảy ra khiến nhiều khác hàng lo lắng. Đặc biệt, trong hầu hết các vụ việc, thời gian giải quyết kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi chủ tài khoản. Đó là chưa nói đến việc một số ngân hàng có xu hướng đổ lỗi cho khách hàng...
Vụ mới đây nhất xảy ra vào ngày 20/11, khách hàng Nguyễn Thanh Huy bất ngờ nhận được 20 tin nhắn thông báo tài khoản được mở tài ngân hàng Agribank chi nhánh Gia Định (ở đường Phạm Ngũ Lão, P.4, Q.Gò Vấp) của anh bị rút mất số tiền 100 triệu đồng (5 triệu đồng/lần), trong khi thẻ ngân hàng vẫn nằm trong ví anh ở nhà.
Trước đó, hàng loạt trường hợp tương tự khác cũng đã xảy ra tại nhiều ngân hàng, mà rúng động nhất là trường hợp chị Hoàng Thị Na Hương (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị mất 500 triệu đồng trong tài khoản mở tại Vietcombank chỉ sau một đêm.
|
Ảnh minh họa - nguồn Internet. |
Trước hàng loạt các sự cố này, lo sợ bị bị hacker tấn công tài khoản ngân hàng, ngân hàng Techcombank đã đồng loạt gửi email đến các khách hàng sử dụng thẻ ATM, thẻ tin dụng... để cảnh báo tuyệt đối không cung cấp tên hay mật khẩu truy cập ngân hàng điện tử, mã mật khẩu một lần (OTP), số thẻ ngân hàng bằng bất cứ hình thức nào qua điện thoại, email, mạng xã hội hay những trang web, đường link lạ….
Cụ thể, trong email gửi tới khách hàng, Ngân hàng Techcombank cho rằng, thị trường Việt Nam thời gian gần đây gia tăng các hoạt động của tin tặc tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, và các thủ đoạn lừa đảo để đánh cắp thông tin truy cập dịch vụ của khách hàng.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình sử dụng và giao dịch dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng Techcombank đã gửi mail tới khách hàng một số nội dung như sau:
Thứ nhất, khách hàng cần kiểm soát thiết lập và sử dụng mật khẩu bao gồm: thiết lập mật khẩu đảm bảo nguyên tắc an toàn, không sử dụng chung 01 (một) mật khẩu cho nhiều tài khoản/ứng dụng khác nhau, không dùng tính năng ghi nhớ mật khẩu trên các trình duyệt, ứng dụng, không chia sẻ và định kỳ thay đổi mật khẩu truy cập dịch vụ Ngân hàng điện tử/dịch vụ thẻ, ví dụ: 02 (hai) tháng 01 (một) lần.
Thứ 2, khách hàng cần truy cập mạng một cách có chọn lọc, không nên truy cập các trang mạng lạ hay mở các đường dẫn lạ được gửi qua tin nhắn, qua thư điện tử, xuất hiện trong quá trình đọc thông tin trên các trang mạng, hay mạng xã hội mà không rõ nguồn gốc.
Thứ 3, khách hàng cần phòng chống lây nhiễm các phần mềm độc hại (malware, virus…) bằng cách: không cài đặt các ứng dụng không có bản quyền, ứng dụng bẻ khóa/bị bẻ khóa, ứng dụng được tải xuống từ nguồn không đáng tin cậy. Sử dụng và cập nhật thường xuyên các công cụ quét/diệt phần mềm độc hại (malware, virus…) trên thiết bị kết nối mạng (như điện thoại, máy tính bảng, máy tính, các thiết bị thông minh…).
Cuối cùng, khách hàng cần phải bảo quản thông tin và giám sát giao dịch như: Bảo mật tuyệt đối thông tin thẻ và tài khoản ứng dụng được đăng ký, sử dụng trên thiết bị kết nối mạng; Tuyệt đối không lưu trữ, chia sẻ các dữ liệu nêu trên cho người khác qua thư điện tử hoặc trang mạng xã hội; Xây dựng thói quen rà soát lịch sử giao dịch và sao kê, ví dụ: kiểm tra kỹ nguồn gốc giao dịch ngay cả các giá trị nhỏ nhất để có phát hiện, xử lý kịp thời; Ghi nhớ/lưu sẵn đường dây nóng của ngân hàng vào danh bạ để chủ động liên hệ trong trường hợp mất/thất lạc thẻ, nghi ngờ lộ thông tin.
Hồng Liên