Theo thông tin từ TCM, doanh thu tháng 9 đạt gần 8 triệu USD (184 tỷ đồng) trong đó SP may chiếm 75%, vải chiếm 14% và sợi chiếm 10% tổng doanh thu. Lỗ sau thuế tháng 9 là 603.245 USD (13,7 tỷ đồng)
Trong tháng 9, do tình hình dịch bệnh phức tạp, công ty thực hiện làm việc giản cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao, chi phí xét nghiệm cho công nhân 2 lần/tuần… dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao và lợi nhuận sau thuế bị lỗ trong tháng này.
|
Nguồn: TCM |
Doanh thu lũy kế 9 tháng đạt 114 triệu USD (2.622 tỷ đồng), tương đương với cùng kỳ năm 2020 và tương ứng với việc hoàn thành 63,5% kế hoạch năm 2021. Lợi nhuận lũy kế sau thuế đạt 4,9 USD (109 tỷ đồng), tương ứng với việc hoàn thành 39,5% kế hoạch năm 2021.
Ước tính trong quý 3, TCM đạt doanh thu 33 triệu USD (751 tỷ đồng), giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Công ty ghi nhận lỗ 213.000 USD (4,8 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ năm trước lãi khoảng 85,5 tỷ đồng.
TCM xuất khẩu hàng dệt may đi nhiều nước trên thế giới, trong đó, trong tháng 9/2021 thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 36.63 % tổng lượng hàng xuất khẩu, tiếp đến là Hàn Quốc chiếm khoảng 31.8 %, Nhật và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo chiếm khoảng trên 9%.
Công ty đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và Quý 1/2022. Hiện Công ty đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022 mang lại doanh thu và lợi nhuận cho Công ty trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may, trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020, nhưng giảm 0,04% so với cùng kỳ 2019. Vitas dự báo 3 tháng cuối năm nay sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may.
VITAS dự báo năm 2022, nếu tình hình sản xuất kinh doanh trở lại bình thường ngành dệt may Việt Nam sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 39 - 42 tỷ USD.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may ổn định sản xuất kinh doanh, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, bên cạnh việc tự cứu mình là chính, các doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để vượt qua đại dịch.
Anh Nhi