Taxi Mai Linh tung 1.000 xe "quyết chiến" với Uber và Grab

Google News

Mai Linh buộc phải chuyển mình trước sự tấn công của Uber và Grab vào thị trường Việt Nam.
 

Làn sóng ứng dụng công nghệ đặt xe dưới 9 chỗ của Uber và Grab khiến các hãng taxi truyền thống cuối cùng phải chuyển hướng học theo.
Taxi Mai Linh tung 1.000 xe ứng dụng kết nối vận tải
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có văn bản báo cáo về việc phối hợp quản lý hoạt động thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến hết ngày 31/5, Sở đã cấp phù hiệu “xe hợp đồng” cho 25.366 phương tiện. Trong đó xe dưới 9 chỗ là 11.243 xe.
Báo cáo của 7 đơn vị tham gia thí điểm trên địa bàn thành phố cho thấy các đơn vị này đã sử dụng 7.310 ôtô trọng tải dưới 9 chỗ hoạt động thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó, riêng Uber có khoảng 1.900 xe và Grab khoảng 4.867 xe.
Taxi Mai Linh tung 1.000 xe "quyet chien" voi Uber va Grab
 
Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh - doanh nghiệp sở hữu lượng xe taxi lớn nhất Việt Nam, dù lên tiếng kêu khó khăn vì Uber và Grab trong suốt thời gian qua, cũng ra kế hoạch đưa 1.000 xe taxi vào hoạt động thí điểm trong thời gian tới.
Theo tìm hiểu, ứng dụng đặt xe của hãng taxi Mai Linh có tên gọi là Mcar và Mai Linh Taxi.
Bước đi này của Taxi Mai Linh được đánh giá tích cực so với một doanh nghiệp lớn trong ngành khác là Vinasun. Trong khi Mai Linh cố gắng chuyển mình, tìm đường về hào quang bằng cách ứng dụng công nghệ thì Vinasun lại liên tiếp chỉ trích Uber, Grab đang phá hoại thị trường taxi truyền thống, đòi phải tiêu diệt các hãng này.
Hà Nội muốn dừng mở rộng thí điểm Uber, Grab
Song đứng trước làn sóng số lượng phương tiện tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng liên tục tăng, các hãng taxi truyền thống muốn chuyển mình thay đổi, bắt kịp với công nghệ thì Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lại kiến nghị tạm dừng cấp phù hiệu “xe hợp đồng”.
Cụ thể, theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, do nhu cầu sử dụng dịch vụ của hành khách tăng dẫn đến số lượng phương tiện vận tải tham gia thí điểm liên tục tăng nhanh, vượt quá yêu cầu mà thành phố mong muốn, bao gồm cả xe biển kiểm soát các tỉnh khác về Hà Nội tham gia hoạt động.
“Điều này đã phát sinh nhiều bất cập trong quản lý, gây ảnh hưởng rất lớn đến đề án phát triển hành khách công cộng và công tác tổ chức giao thông của Thành phố, đặc biệt là việc quản lý hạn chế xe taxi và phương tiện cá nhân”, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nêu rõ.
Do đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải từ ngày 15/7 cho phép thành phố Hà Nội tạm dừng mở rộng công tác thí điểm, không bổ sung thêm các đơn vị mới và không tăng thêm số lượng phương tiện tham gia thí điểm theo Quyết định số 24 của Bộ Giao thông vận tải.
Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố Hà Nội quản lý biểu trưng (logo) dành cho phương tiện tham gia thí điểm và quy định về màu sắc, kích thước, vị trí niêm yết trên xe đảm bảo dễ dàng nhận biết để phục vụ công tác quản lý, tổ chức giao thông và xử lý vi phạm.
Sở Giao thông Vận tải cũng kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội cho phép phối hợp với Công an thành phố rà soát các tuyến đường có biển báo cấm xe taxi hoạt động để bổ sung biển báo phụ cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi tham gia thí điểm nhằm hạn chế lượng phương tiện tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông.
Cục Thuế Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước đối với toàn bộ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ cá thể trên địa bàn thành phố sử dụng phương tiện dưới 9 chỗ ngồi tham gia thí điểm kinh doanh vận tải theo Quyết định số 24 của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo Kiều Linh/Vneconomy