Xuất phát điểm là một công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, năm 2011, Kosy (Mã CK: KOS) đã chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đến năm 2016, Công ty bắt đầu triển khai nhiều dự án BĐS như Khu đô thị Kosy Mountain View Lào Cai, Khu đô thị Kosy - Bắc Giang, Khu đô thị Kosy - Gia Sàng (TP. Thái Nguyên)…
Vượt kế hoạch doanh thu 28% nhưng nợ phải trả "tăng gấp đôi"?
Theo VnFinance, tháng 1/2019, Tập đoàn Kosy đã công bố BCTC hợp nhất năm 2018 với nhiều con số thể hiện sự tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, trong năm 2018, Kosy có doanh thu thuần đạt hơn 900 tỷ đồng, gấp hơn 2,2 lần năm 2017. Tuy nhiên, giá vốn tăng gấp 2,2 lần lên 813,8 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 1,64 lần với 15,5 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Kosy đạt lần lượt 61,5 tỷ đồng và 47,8 tỷ đồng , tăng 83% và 80% so với năm 2017.
|
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tính từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2018. Ảnh: VnFinance. |
Trước đó, ĐHCĐ Kosy đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018, với mục tiêu doanh thu lên mức 700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, tăng lần lượt tăng 72% và 89% so với năm 2017.
Như vậy, với kết quả đạt được, Kosy vượt kế hoạch doanh thu hơn 28% nhưng mới chỉ đạt hơn 95% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Tại thời điểm ngày 31/12/2018, Công ty Kosy có tổng tài sản đạt 1.715 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 34 lần lên mức 154 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng gấp đôi lên hơn 834 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng gấp 2,5 lần so với đầu năm lên mức hơn 481 tỷ đồng.
Tuy vậy, điều đáng chú ý là đến cuối năm 2018, nợ phải trả của Kosy tăng gấp đôi so với đầu năm 2018 (từ mức 298 tỷ đồng lên 596 tỷ đồng), phần lớn là tăng khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn.
Kosy tăng vốn ảo để "ôm" bất động sản?
Theo thông tin trên Viettimes, từ năm 2016 đến nay, Kosy đã có ba lần tăng vốn, trong đó đáng chú ý là thương vụ phát hành cổ phiếu diễn ra vào cuối tháng 7/2018. Cụ thể, Kosy đã chào bán riêng lẻ thành công 62,25 triệu cổ phiếu KOS, qua đó nâng vốn điều lệ từ 415 tỷ đồng lên 1.037 tỷ đồng.
|
Tỷ lệ sở hữu cá nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu. Ảnh: Reatimes. |
Tuy nhiên, theo Reatimes, gần như KOS không bán ra ngoài và người mua là cá nhân ông Nguyễn Việt Cường cùng các thành viên ban lãnh đạo KOS.
Việc lãnh đạo và những người có liên quan đổ tiền mua cổ phiếu không phải là điều khó hiểu khi doanh nghiệp thiếu vốn và muốn tạo niềm tin cho cổ đông.
Thế nhưng, rõ ràng đây là điều cần phải cân nhắc khi nhà đầu tư bên ngoài muốn đầu tư vào Kosy đồng thời đặt dấu hỏi về sự "mập mờ" của việc tăng vốn ảo.
Cũng trong năm 2018, Kosy khiến nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên khi phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp và thu về 235 tỷ đồng.
Phương án phát hành 235 tỷ đồng trái phiếu nhằm nộp tiền sử dụng đất và hoàn thiện hạng mục Hạ tầng kỹ thuật của Dự án Tiểu khu đô thị số 17, khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Theo Reatimes, không quá khó hiểu việc KOS khó bán cổ phiếu ra bên ngoài. Tiềm lực của KOS có vẻ khiêm tốn so với chiến dịch mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, vốn chủ sở hữu năm 2018 được đẩy lên gấp hơn 2 lần qua đợt phát hành cổ phiếu, từ mức hơn 450 tỷ đồng lên hơn 1.100 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng được đẩy lên tăng gấp đôi.
Kosy đang thực hiện hàng loạt dự án quy mô lớn hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng nhưng báo cáo tài chính Kosy thể hiện, dòng tiền đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp này luôn âm, tiền mặt khiêm tốn.
Điều này khiến không ít nhà đầu tư đặt dấu hỏi, có chăng dự án của Kosy mới "nằm trên giấy" nên mới chưa cần đến tiền đầu tư, hay doanh nghiệp chưa đủ uy tín để vay ngân hàng?
Hoàng Minh