HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa ra quyết định bổ nhiệm ông Lê Ngọc Lâm, Thành viên HĐQT giữ chức vụ Tổng giám đốc kể từ ngày 12/3/2021. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.
TGĐ Lê Ngọc Lâm đối diện thách thức nào?
Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết: Việc bổ nhiệm ông Lê Ngọc Lâm với vị trí Tổng Giám đốc BIDV sẽ giúp Ngân hàng tăng cường năng lực quản trị điều hành để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 của BIDV; thể hiện tốt hơn vai trò chủ lực, chủ đạo của Ngân hàng thương mại Nhà nước trong thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
|
Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc BIDV. Ảnh: VTCNews |
Phát biểu nhận nhiệm vụ, Tân Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm bày tỏ cảm ơn Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ban Cán sự Đảng và Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội đồng quản trị BIDV đã tin tưởng giao nhiệm vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc BIDV. Ông Lê Ngọc Lâm cũng cam kết, trên cương vị mới sẽ tiếp tục nỗ lực để cùng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ, Hội đồng quản trị và Ban Điều hành BIDV lãnh đạo, điều hành hoạt động của BIDV đảm bảo an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.
Tân TGĐ Lê Ngọc Lâm gắn bó với BIDV hơn 20 năm
Theo giới thiệu từ ngân hàng BIDV, ông Lê Ngọc Lâm sinh năm 1975 và đã có hơn 23 năm gắn bó với hoạt động của BIDV.
Cụ thể, năm 1997, ông bắt đầu làm việc tại Trụ sở chính BIDV. Từ tháng 3/2009, ông là Phó Giám đốc Ban Quản lý rủi ro tín dụng BIDV. Từ tháng 10/2010, ông là Phó Giám đốc BIDV Sở Giao dịch 1. Từ tháng 4/2012, ông là Giám đốc Ban Quản lý rủi ro tín dụng BIDV. Từ tháng 4/2013, ông là Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp BIDV.
Từ ngày 15/01/2015, ông được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc BIDV. Từ 15/11/2018, ông được giao nhiệm vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành BIDV.
Như vậy, sau hơn 2 năm kể từ khi đảm nhiệm vai trò phụ trách ban điều hành, ông Lâm đã chính thức được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc BIDV. Sự kiện này cũng kết thúc chuỗi thời gian hơn 2 năm BIDV khuyết danh Tổng Giám đốc.
BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ hai hệ thống tính đến cuối năm 2020 với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước là gần 81%. Cổ đông lớn tiếp theo là KEB Hana Bank với tỷ lệ sở hữu 15%. Nhà băng này dự kiến phát hành thêm 8,5% cổ phần bằng cách chào bán ra công chúng hoặc riêng lẻ nhằm tăng vốn điều lệ, bên cạnh phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng 12-15%. Tăng trưởng dư nợ tín dụng bảo đảm tuân thủ giới hạn tín dụng của NHNN giao, tăng 10-12%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 13.000 tỉ đồng, phù hợp với diễn biến của thị trường, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch Covid. Tỉ lệ chi trả cổ tức không thấp hơn mức thực hiện năm 2020...
Hoàng Minh