Ấy là cam sành. Lạ! Cam sành thì đầy, nhớ Hàm Yên kia của xứ Tuyên đã thành thương hiệu, đem về bộn tiền nhưng cũng chẳng được ví với vàng. Vậy mà Hà Giang lại coi thứ cam vỏ sần sùi là “vàng đá”, thì cớ làm sao?
Bần nông thành tỷ phú
Lần giở lịch sử của đất phên dậu địa đầu Hà Giang xưa là bộ Tân Hưng, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Về sau, Hà Giang nằm trong phạm vi thế lực của ba Tộc tướng xứ Thái. Trong giai đoạn Minh thuộc đầu thế kỷ XV, được gọi là huyện Bình Nguyên, đổi thành châu Bình Nguyên từ năm 1473, sau lại đổi tên thành châu Vị Xuyên.
Vào cuối thế kỷ XVII, tộc trưởng người Thái dâng đất cho Trung Hoa, đến năm 1728, Trung Hoa trả lại cho Đại Việt một phần đất từ vùng mỏ Tụ Long đến sông Lô. Năm 1895, ranh giới Hà Giang được ấn định lại như trên bản đồ ngày nay. Những tên miền như Quản Bạ, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên hay Yên Minh đều có nghĩa riêng đầy khoát đạt.
Còn Bắc Quang, huyện đầu tiên tính từ con lộ của xứ Tuyên lên thì nghĩa sáng láng vô cùng. Người xưa đã ví đó là vùng đất sáng của phía Bắc. Nhưng vấn đề muôn thuở không mấy khớp với tên miền là nghèo. Cái nghèo đeo bám dai dẳng huyện miền núi này từ xa xưa. Và cố nhiên, những nông dân đất này cũng phải tự đeo cho mình cái “mác” bần nông.
|
Cam sành Bắc Quang đã giúp nhiều nông dân thành tỷ phú. |
Mấy mươi thế kỷ vẫn thế. Nhưng có lẽ, giờ này cái tên “đất ánh sáng” mới bắt đầu le lói soi rọi cho sự giàu thế chỗ. Nhờ cam. Đó là giống cam sành mà tôi cũng không rõ lấy giống từ đâu. Chỉ biết rằng, hơn chục năm trước những kỹ sư ngành canh nông đã hì hụi lẫn bền bỉ thử nghiệm, đúc rút tin vui là vùng đất hợp với cam.
Thế rồi cả một bộ máy chính trị cùng người dân vào cuộc. Dân thì lúc đầu chưa tin cho lắm vì đồng bào dân tộc vốn thật thà, rằng cái gì mắt thấy tay sờ mới tin. Thế nên cũng chỉ vài ba hộ dân liều mạng với giống cam sành, họ vừa trồng vừa run, giống như anh hay nghề “úp bát” không biết sẽ chẵn hay lẻ - sấp hay ngửa. Đúng là đánh bạc với cam.
Thế rồi bẵng đi một thời gian, Bắc Quang xuất hiện những tỷ phú xài xe hơi, ở nhà tầng. Những đại gia này chẳng ai khác, chính là những bần nông đã liều chết đánh bạc với cam mấy năm về trước. Chẳng ngờ “canh bạc” cam thắng lớn, cam ngon, đậm, giá cao nên khách đến cứ đông nườm nượp.
Cho đến bây giờ, 23 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang đã có cơ số tỷ phú. Nhờ cam, họ xây được nhà, cất được cửa, tậu được đất và cho con cái ăn học đàng hoàng. Đường vào các xã trồng cam đã thấy những ngôi nhà cao tầng xen lẫn nhà sàn cổ, trông rất vui mắt. Ở đất này, ai trồng cam thì không còn là bần nông nữa, chí ít cũng phải là triệu phú dư giả trong két vài ba trăm triệu mỗi vụ trẩy quả.
|
Với người Bắc Quang, cam sành được ví với “vàng đá”. |
“Vàng” mọc từ đá mọc ra
Tỷ phú Ngô Quang Tuấn ở xã Vĩnh Hảo chỉ tay vào những gốc cam ở khu đồi rộng 5ha, nói với giọng rắn rỏi: “Cam là vàng. Vàng này mọc ra từ đá chứ còn gì nữa. Anh cứ tính thế này, 5ha cho tôi 100 tấn, sau khi trừ tất cả chi phí từ phân bón đến nhân công thì tôi còn dư 600 triệu đồng. 600 triệu đồng giờ quy ra vàng có phải đồi núi đã “mọc” ra gần 20 cây vàng mỗi năm không?”.
Anh Tuấn cũng là người vừa đạt giải cao tại hội thi cam Bắc Quang hồi đầu năm. Tuy còn trẻ, nhưng kinh nghiệm canh tác cam theo tiêu chuẩn của anh Tuấn thì rất đáng học hỏi. Trước khi lựa vùng trồng trọt, anh tỉ mẩn đi xem xét từng hốc đá, vộc tay vào từng thớ đất để kiểm tra, rồi thì trồng gì mới trồng.
Mà ở Vĩnh Hảo, không phải chỉ mình Tuấn là tỷ phú. Hàng chục hộ còn làm lớn hơn Tuấn rất nhiều. Những hộ làm nhỏ lẻ thì ít cũng 500m2 đất hay 1ha, vừa để trồng cam tự cấp cho gia đình và để biếu xén làm quà, phần còn lại mới đem giao bán cho đầu mối công ty.
|
Cam sành Bắc Quang tại một hội chợ thương mại. |
Còn các xã như Việt Hồng, Đông Thành, Vĩnh Phúc mới thực sự là thủ phủ của cam. Từ trên cao nhìn xuống, cam lúc lỉu vàng chóe như một tấm thảm vàng ròng mềm mại phủ kín đều đặn từ trên núi xuống các thung lũng. Trong những vườn cam đó đây, những cô gái dân tộc lưng đeo gùi đang trẩy những chùm cam sành đem bán.
Ông Phạm Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội cam sành Bắc Quang cho biết, cam sành vùng này có màu vàng sẫm, vỏ sần sùi, cuống nhỏ. Múi cam thì vàng tươi, nước trong, mùi thơm nồng đặc trưng. Tất nhiên, thưởng thức sẽ thấy có khác với các loại cam sành thương hiệu khác.
“Cứ được thế này, ơn giời sẽ tốt!”
ông Trần Văn Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Quang thủ thỉ: “Toàn huyện hiện có tổng diện tích gần 2.070 ha trồng cam, trong đó đang cho thu hoạch trên 930 ha, sản lượng hàng năm đạt 9.125 tấn, trị giá trên 120 tỷ đồng. Qua khảo sát chất lượng cam sành Bắc Quang, trong những ngày trung tuần tháng 1, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã chứng nhận cam sành Bắc Quang đạt Top 10 sản phẩm, dịch vụ tin cậy vì người tiêu dùng”.
Nông dân ở Bắc Quang có lẽ không quan tâm lắm đến những con số ấy. Thứ họ quan tâm là giá cả, là thời tiết và khoa học. Với họ, muốn giàu phải áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác. Vì thế, tiêu chuẩn VietGap được triển khai, tiêu chí cam sạch được đặt lên hàng đầu.
|
Cam sành Bắc Quang có màu vàng tươi, sần sùi, vị thơm nồng đặc trưng. |
Chị Nguyễn Thị Hậu ở xã Việt Hồng, chủ vườn cam rộng 6ha cho biết: “Giá cam và thời tiết cứ được như thế này, ơn giời sẽ tốt! Nông dân chúng tôi sẽ nhanh giàu, mà có giàu thì mới duy trì được cam tiêu chuẩn. Người trồng vui vẻ, người tiêu dùng cũng an toàn”.
Được biết, giá cam sành Bắc Quang bán tại vườn có giá từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Mức giá này sẽ còn tăng lên tới 15.000 đồng/kg vì Bắc Quang đảm bảo tiêu chuẩn sạch cho cam. Với trên 2 nghìn hecta cam sành, chắc chắn huyện miền núi của vùng địa đầu Tổ quốc sẽ sớm mang lại những tin vui cho người nông dân.
“Tuy việc trồng cam còn rất nhiều khó khăn do thời tiết, sự lên xuống của giá cả nhưng chúng tôi tin chắc rằng, thương hiệu cam sành Bắc Quang rồi sẽ được đánh giá cao. Tuy là vùng trồng cam thuộc loại “sinh sau đẻ muộn”, nhưng chất lượng cam của chúng tôi không hề thua kém vùng nào”.
Ông Phạm Quang Lân (Chủ tịch Hiệp hội cam sành Bắc Quang)
Thái Hòa