Tương tự như Bất động sản Nhật Nam, Bank Land hay DH Group, hoạt động với mô hình “đầu tư nhỏ lợi tức lớn”, Công ty cổ phần Truyền thông và Tổ chức sự kiện Tâm Lộc Phát (Tâm Lộc Phát) cũng đưa ra chương trình hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày với lãi suất khủng để thu hút các nhà đầu tư.
Cam kết lợi nhuận cao bất thường
Theo đó, hiện nay Tâm Lộc Phát đang đưa ra lời mời gọi đầu tư hấp dẫn 9,6%/tháng (nhận cả gốc và lãi sau 15 tháng), với 11 gói đầu tư, thấp nhất là 20 triệu đồng (nhận về 28,8 triệu đồng) và cao nhất 5 tỷ đồng (nhận về 7,2 tỷ đồng). Tính ra, nhà đầu tư "không phải làm gì" cũng nhận lại giá trị lên đến 144% của khoản tiền đã bỏ ra - một con số cao đến khó tin và khó cưỡng lại.
Bên cạnh các gói đầu tư lên đến 9,6%/tháng, Tâm Lộc Phát còn liên tục mời gọi các nhà đầu tư bằng hàng loạt chương trình ưu đãi. Như chỉ trong tháng 7, doanh nghiệp này đưa ra loạt chương trình như: “siêu ưu đãi” 15 tháng thưởng thêm 4%, 18 tháng thưởng thêm 8%, lãi suất 10% nhận thưởng 4%...
|
Tâm Lộc Phát cam kết chi trả lợi nhuận lớn cho các gói đầu tư |
Có thể thấy, đây là một trong các chiêu trò thường thấy của các doanh nghiệp hoạt động trong mô hình đầu tư nhỏ lợi tức lớn. Bên cạnh đó, các dấu hiệu khác để nhận diện bao gồm: thường xuyên tổ chức sự kiện với nhiều khách mời là nghệ sĩ, mở ra hàng loạt văn phòng đại diện, trở thành top thương hiệu nổi bật, cam kết hợp đồng hợp tác/góp vốn đảm bảo quy định pháp luật…
Đáng chú ý là mức lợi nhuận mà doanh nghiệp này cam kết chi trả cho khách hàng cao gấp nhiều lần lãi suất tiền gửi ngân hàng (trung bình 8%/năm). Trong khi, hoạt động chính của doanh nghiệp này liên quan đến truyền thông, tổ chức sự kiện, kinh doanh cà phê... thì liệu có thể thu được đủ lợi nhuận để chi trả cho các nhà đầu tư, đặc biệt là sau thời gian 2 năm đại dịch vừa qua?
Tất cả các chiêu trò trên đều nhằm mục đích lôi kéo nhà đầu tư bỏ tiền vào Tâm Lộc Phát. Trên thực tế, loại mô hình này đã được không ít các chuyên gia, luật sư cảnh báo bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư, tuy nhiên các nhà đầu tư lại dễ dàng bị thao túng tâm lý, từ đó bỏ qua các cảnh báo mà tiếp tục rót tiền.
|
Loại mô hình đầu tư tương tự như Tâm Lộc Phát đã được nhiều chuyên gia, luật sư lên tiếng cảnh báo |
Hợp đồng mập mờ, nhiều rủi ro
Với Hợp đồng góp vốn kinh doanh mà Tâm Lộc Phát dùng để ký kết với khách hàng, dễ thấy hợp đồng này khá sơ sài, kèm các điều khoản mập mờ, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư. Điển hình như: Tại Điều 1 Hợp đồng thỏa thuận hợp tác góp vốn kinh doanh giữa Công ty cổ phần Truyền thông và Tổ chức sự kiện Tâm Lộc Phát với người góp vốn có quy định thống nhất chia lợi nhuận hàng kỳ từ các lĩnh vực kinh doanh.
Trong khi, với những hợp đồng hợp tác kinh doanh thông thường thì sẽ ghi rõ số phần vốn của mỗi bên có vào, ghi rõ một hoặc một vài lĩnh vực đầu tư cụ thể, ghi rõ thời gian góp vốn, ghi rõ phương thức quản lý, chế độ kế toán, các chi phí hợp lý, cách phân chia lợi nhuận và các nội dung khác trong hợp tác kinh doanh...
|
Tâm Lộc Phát sử dụng nhiều chiêu bài để lôi kéo nhà đầu tư |
Với biểu mẫu hợp đồng mà Tâm Lộc Phát đưa ra thì chỉ ghi số tiền đầu tư của nhà đầu tư mà không ghi rõ trách nhiệm của bên A và lĩnh vực đầu tư cụ thể cũng như không ghi rõ những tài sản đang có của bên A. Chưa kể, hợp đồng đưa ra không thể hiện được rõ ràng các loại tài sản mà Công ty này đang giới thiệu sở hữu có chắc chắn đem lại lợi nhuận hay không, thậm chí cũng không đưa ra được một đảm bảo nào đối với nhà đầu tư rằng số tiền góp vốn sẽ không bị mất trắng.
Điều 5.1 của Hợp đồng góp vốn kinh doanh này quy định về cam kết của Tâm Lộc Phát và nhà đầu tư, trong đó Tâm Lộc Phát có "toàn quyền quản lý, điều hành, quyết định công việc kinh doanh và sử dụng vốn đầu tư theo quyền quyết định riêng của bên A dùng mục đích hợp tác trong hợp đồng này trong thời hạn hợp đồng".
Như vậy, những người tham gia ký kết hợp đồng này sẽ không được nắm giữ tài sản đảm bảo, sẽ không được quản lý việc sử dụng tiền, thậm chí phạm vi đầu tư kinh doanh rất rộng, không biết đồng tiền của mình sẽ được Tâm Lộc Phát sử dụng như thế nào.
Mặt khác, hình thức hợp tác này mang tính chất "ủy thác đầu tư" hơn cả. Bởi tiền đầu tư của nhà đầu tư này được gộp chung với sự đóng góp của nhiều nhà đầu tư khác và được Tâm Lộc Phát nhận và trả với lợi tức cố định để tiến hành đầu tư vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cũng trong hợp đồng của Tâm Lộc Phát, trong trường hợp nhà đầu tư vi phạm hợp đồng, doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp tác và dừng chi trả lợi nhuận và vốn đầu tư với nhà đầu tư nếu phát hiện nhà đầu tư vi phạm chính sách, vi phạm các hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể là: Nói xấu, phát ngôn tiêu cực, lôi kéo nhà đầu tư và nhân viên công ty qua công ty đối thủ đang hoạt động cùng lĩnh vực.
Có thể thấy, khi đặt bút ký vào hợp đồng này, nhà đầu tư đã giao toàn bộ quyền sử dụng tiền của mình cho doanh nghiệp mà không nắm bắt được số tiền của mình đang đi đâu, về đâu, có thực sự là để hoạt động kinh doanh sinh lợi nhuận hay không, thậm chí có bị sử dụng vào mục đích xấu, vi phạm pháp luật?
Trong trường hợp Tâm Lộc Phát tuyên bố phá sản, lúc này nhà đầu tư hoàn toàn không có khả năng đề đòi lại số tiền đã bỏ ra để tham gia vào các gói đầu tư của doanh nghiệp này.
Liên quan đến vấn đề hoạt động theo hình thức “đầu tư tư nhỏ lợi tức lớn” của Tâm Lộc Phát, phóng viên đã nhiều lần liên hệ để được trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan. Thế nhưng, cho đến nay doanh nghiệp này vẫn im lặng, không có bất kỳ phản hồi nào.
Minh Châu