Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất Sibutramine có khả năng ức chế cảm giác thèm ăn, hạn chế hấp thu chất béo, giúp cơ thể giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, Sibutramine lại gây nhiều tác dụng phụ nguy hại cho người dùng như: Đau đầu (30,3%), đau lưng (8,2%), dị ứng (3,8%), cảm cúm (8,2%), suy nhược (5,9%), đau bụng (4,5%), đau ngực (1,8%), đau nhức cổ vai gáy (1,6%).
Sibutramine còn tác động lên hệ thần kinh, dẫn đến các triệu chứng mất ngủ (10,7%), chóng mặt (7,0%), lo lắng (4,5%), trầm cảm (4,3%), kích thích thần kinh trung ương (1,5%), mất khả năng cảm xúc (1,3%),…
|
Các nghiên cứu cho thấy Sibutramine chứa nhiều tác dụng phụ nguy hại, nhất là những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp. (Ảnh minh họa). |
Sibutramine đặc biệt nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp. Nghiên cứu Tác động Tim mạch của Sibutramine cho thấy chất này làm gia tăng trung bình huyết áp tâm thu và tâm trương khoảng 1-3 mmHg. Tăng nhịp tim khoảng 4-5 nhịp mỗi phút, có thể gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và ngừng tim, đột quỵ.
Tại Việt Nam, từ năm 2018 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã “tuýt còi” nhiều sản phẩm giảm cân chứa chất Sibutramine của một số doanh nghiệp. Điển hình như: Trà Slim Cường Anh của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Cường Anh Authentic; trà thảo mộc Hoa Sâm Đất của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng ZN; trà thảo mộc Vy&Tea của Công ty TNHH một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy; Viên giảm cân Giáng ngọc Eva của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Quốc tế BML…
|
Trà thảo mộc giảm cân Vy&Tea nhập vào Hàn Quốc bị phát hiện chứa chất cấm. |
Bên cạnh đó, không ít sản phẩm giảm cân nhập ngoại cũng bị cảnh báo, thu giữ vì có chứa chất cấm như: TPCN giảm cân hiệu Lishou (cùng thương hiệu nhưng có nhiều xuất xứ như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam…). Ngoài ra, Bộ Y tế từng đình chỉ lưu hành một số TPCN vì có chứa hoạt chất Sibutramine nguy hại như: 2Day Diet, 3X Slimming Power, OxyElite Pro, Super Fat Burner…
Được biết, Sibutramine được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép từ tháng 11/1997. Tháng 11/2009, kết quả một nghiên cứu đã chỉ ra có sự gia tăng nguy cơ của các biến cố tim mạch đối với bệnh nhân có tiền sử về bệnh này khi sử dụng thuốc chứa sibutramine liên tục trong thời gian dài. Tháng 10/2010, vì lý do an toàn Sibutramine đã bị loại bỏ khỏi thị trường.
Tại Việt Nam, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và tiến hành thu hồi các sản phẩm chứa chất này từ tháng 4/2011.
Mạnh Hưng