Theo Forbes, Gen Z và Millennials thường xuyên bị thế hệ trước coi là lười biếng và thờ ơ, đặc biệt là trong chuyện kiểm soát tài chính.
"Con tôi vẫn đang tiêu xài quá hoang phí", "Thằng bé vừa đốt sạch một tháng lương vào những chuyến du lịch", "Ra trường vài năm nhưng tiền tiết kiệm của nó gần như bằng không"... là một trong những lời phê bình người trẻ "nghe chán tai" từ các bậc cha mẹ.
Thực tế, theo nghiên cứu mới đây được đăng tải trên Bussiness Insider, nhiều Gen Z và Millennials đang lười tiết kiệm, trì hoãn kiểm soát tài chính vì thấy chúng "tốn thời gian và phức tạp". Ngoài ra, có 1/2 người tham gia khảo sát nói rằng họ không có một kế hoạch tài chính cho tương lai. 1/3 người lại nhận định họ không lập kế hoạch tài chính vì thấy bản thân không dư dả tiền bạc để cần có một tài khoản tiết kiệm hay ghi chép cẩn thận nguồn thu chi mỗi ngày.
Gen Z và Millennials bị đánh giá thờ ơ với việc kiểm soát tài chính so với thế hệ cha mẹ. (Ảnh minh hoạ)
Theo ông Jared Weitz - Người sáng lập và điều hành công ty United Capital Source, sự thờ ơ của người trẻ về quản lý tài chính đến từ 3 nhân tố sau.
1. Tìm kiếm việc làm ổn định, được trả lương cao ngày càng khó khăn
Nếu lướt các nền tảng mạng xã hội, bạn sẽ thấy có rất nhiều công ty tài chính khuyên người trẻ nên có một khoản tiết kiệm hoặc quỹ lương hưu. Cụ thể hơn, các nội dung đều khuyên Gen Z và Millennials hãy để dành tiền và đầu tư càng sớm càng tốt, đồng thời có sự chuẩn bị kinh tế khi về già.
"Quan điểm tài chính này tốt, nhưng người trẻ cho rằng họ không có 'nguồn lực' để kiếm được nhiều tiền", Jared Weitz nói.
Ngày nay người trẻ khó tìm thấy công việc ổn định, hay được trả mức lương cao. Nhiều người thường bắt đầu sự nghiệp tại các công ty khởi nghiệp mà không có kế hoạch nghỉ hưu, hoặc đang làm freenlancer. Những người tìm được công việc ổn định tại doanh nghiệp lớn - cơ hội được nhận định sẽ có khoản thu nhập cao hơn thì thường không duy trì được vị trí đến năm 30 tuổi.
2. Khởi đầu khó khăn = kỳ vọng thấp
Ông Jared Weitz nhận định, người trẻ ngày nay đối diện khó khăn trong sự nghiệp sớm khi vừa trải qua 3 năm đại dịch, sau đó lại chứng kiến làn sóng sa thải và suy thoái kinh tế đến cùng lúc. Điều này đã giảm kỳ vọng của họ về tương lai. Đây cũng là nguyên nhân tại sao nhiều Gen Z và Millennials không có mong muốn kết hôn, tạo danh mục đầu tư hoặc mua bảo hiểm khi so sánh cùng độ tuổi với thế hệ trước.
Một người nhân viên lâu năm của ông Jared Weitz từng nói ở tuổi 20, anh ta cho rằng"nghỉ hưu" là viễn cảnh gần như viển vông. Bởi lẽ, anh đã gặp nhiều khó khăn trong sự nghiệp đến mức nghĩ bản thân không kiếm đủ tiền nếu ngừng làm việc khi mới 65 tuổi.
Ảnh minh họa.
3. Internet khiến người trẻ gặp khó khăn với quản lý tài chính
Gen Z và Millennials là thế hệ lớn lên cùng Internet. Về cơ bản, nhiều người trong số họ còn vào mạng hàng ngày. Một mặt Internet có thể đưa ra nhiều nội dung mang tính giáo dục hấp dẫn, song chúng có thể khiến họ bị "ngợp" trong hàng đống thông tin được sản xuất mỗi ngày. Bên cạnh đó, các ứng dụng quản lý tài chính có giao diện đa dạng khiến không chỉ người lớn tuổi, mà cả thế hệ trẻ cũng khó tiếp cận và học cách sử dụng thành thạo chúng.
"Làm sao tôi có thể biết chuyên gia quản lý tài chính này đưa ra nhận định đúng đắn hay không?", "Tại sao chuyên gia này này đưa ra lời khuyên A, trong khi chuyên gia kia đưa ra gợi ý B?", "Ứng dụng này có phù hợp với túi tiền của tôi?", "Ứng dụng này quá khó dùng với tôi"... là một trong nhiều phàn nàn của người trẻ khi tiếp cận với các phương pháp quản lý tài chính trên không gian mạng.
Theo Vân Anh/ Phụ nữ Việt Nam