Tại sao Bitcoin và tiền điện tử lại dễ biến động như vậy?

Google News

Đầu tư vào tiền điện tử là một chuyện không hề dễ dàng bởi tính chất dễ biến động của chúng. Nhưng tại sao chúng lại dễ biến động như vậy?

Theo tạp chí Forbes, chỉ cách đây chưa đầy 2 tháng, giá trị của Bitcoin đã vượt mức 20.000 USD một đồng, phá vỡ mọi kỉ lục trong lịch sử hình thành và phát triển. Nay, Bitcoin đã giảm hơn một nửa giá trị, loanh quanh ở mức 6.000 tới 9.000 USD tùy thời điểm, và chúng có thể tăng hoặc giảm 10% giá trị chỉ trong khoảng thời gian vài giờ đồng hồ. Các đồng tiền điện tử khác cũng phải chịu chung số phận trong suốt thời gian qua.
Vậy, tại sao Bitcoin và tiền điện tử nói chung lại trở nên "mong manh dễ vỡ" đến như vậy, nhất là khi trong năm 2017 đà tăng trưởng của chúng tưởng như không gì ngăn cản được? Câu trả lời không chỉ có một.
Nhìn vào chặng đường mà tiền điện tử đã đi qua trong thời gian hơn một tháng qua, có một sự thật không thể phủ nhận là việc đầu tư vào tiền điện tử đã tạo nên một bong bóng khổng lồ. Trên thực tế, nhà kinh tế học Nouriel Roubini đã gọi nó là "Mother of all Bubbles" (mẹ của mọi bong bóng), hay bong bóng lớn nhất trong lịch sử từng được ghi nhận.
 
Trái với những gì mà mọi người thường nghĩ, bong bóng kinh tế không sụp đổ hoàn toàn chỉ trong một ngày giống như quả bong bóng bị nổ, mà thông thường phải mất khoảng vài tháng để "xì hơi" hoàn toàn. Ví dụ, bong bóng chứng khoán năm 1929 bắt đầu xì hơi vào đầu tháng 9, hứng chịu đợt bán tháo vào tháng 10, nhưng phải đến tháng 2/1930 thì mới hoàn toàn chạm đáy. Rồi bong bóng dot-com bắt đầu từ mùa xuân năm 2000 phải mất gần một năm mới hoàn toàn sụp đổ. Ngay cả bong bóng củ hoa Tulip nổi tiếng của Hà Lan năm 1637 cũng "ngắc ngoải" được vài tháng.
Tất cả những bong bóng này đều có rất nhiều "đáy ảo" – khi các nhà đầu tư cho rằng chúng đã giảm xuống mức tối thiểu và sẽ tăng trưởng trở lại. Nếu như lịch sử được lặp lại, bong bóng tiền điện tử mới chỉ bắt đầu xì hơi, và giá trị của chúng sẽ còn rơi xuống nữa cho đến khi thực sự chạm đáy. Người Mỹ có một câu chuyện đùa về một người đàn ông nhảy khỏi nóc của tòa nhà Empire State Building, và khi rơi qua tầng 80 của tòa nhà thì nói "Well, so far, so good" (cho đến lúc này thì vẫn ổn).
Các thị trường chứng khoán không bao giờ sụp đổ xuống mức đáy là 0, khi các cổ phiếu luôn có một thứ được gọi là "giá trị nội tại" – giá trị thực của cổ phiếu mà không chịu sự chi phối của thị trường, nên các nhà đầu tư vẫn có thể thu về được một khoản nhất định của số tiền mình đã bỏ ra. Ví dụ, cổ phiếu của Microsoft, sau khi chịu ảnh hưởng của khủng hoảng dot-com đã giảm từ mức 39,264 tháng 12/1999 xuống 14,589 tháng 12/2000, không xuống mức 0 như nhiều cổ phiếu công nghệ khác tại thời điểm đó là vì cổ phiếu của Microsoft có giá trị nội tại. Công ty vẫn tiếp tục bán hệ điều hành và các sản phẩm Office của mình, và các nhà đầu tư thấy được Microsoft không những vẫn sống tốt mà còn có thể trả cổ tức, khiến họ vừa thu hồi được vốn, vừa có lợi nhuận đáng kể. Ngược lại là Lehman Brothers năm 2008, khi các tài sản thế chấp của tập đoàn này không còn có thể bù đắp đủ cho các nhà đầu tư và khiến rất nhiều người rơi vào cảnh trắng tay.
Vấn đề của việc mua tiền điện tử là bản thân nó không tự sinh ra lợi nhuận, mà nó chỉ là một dạng cổ phiếu điện tử được dùng để chuyển tiền giữa các người dùng (và mỗi lượt giao dịch này đều mất phí). Nói cách khác, tiền điện tử không có giá trị nội tại, và sẽ không bao giờ có. Cách duy nhất để kiếm lời là bạn hy vọng, cầu nguyện rằng lượng "cầu" vượt "cung" và giá trị của tiền điện tử trở nên cao hơn so với số tiền ban đầu mà bạn bỏ ra. Tuy nhiên, hiện nay có hơn 1500 đồng tiền điện tử khác nhau có chung một tác dụng, và việc tạo ra một đồng tiền mới cũng không phải là quá khó. Như vậy, tiền điện tử trên thực tế là một thứ có nguồn cung vô hạn.
Nói chung, nếu như bạn không biết giá trị thực của Bitcoin hay bất kì đồng tiền điện tử nào, bạn cũng sẽ không biết được liệu mình đang trả giá quá cao hay quá thấp, và điều này đã khiến tiền điện tử trở nên rất dễ biến động.
Thao túng giá trị chỉ đơn giản là mặt tối của thứ được gọi là "lợi ích của tiền điện tử" khi chúng không phải tuân theo quy định của các chính phủ. Nếu không có các quy định, "cá mập" có thể thao túng giá trị của tiền điện tử, đẩy chúng lên cao hơn so với giá trị thực tế, sau đó rút tiền và "cao chạy xa bay" trước khi các nhà đầu tư kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Bitconnect là một trong những ví dụ mới đây nhất về nạn lừa đảo trong thị trường tiền ảo
Bất kì tài sản nào không có giá trị nội tại đều là miếng mồi ngon cho những kẻ lừa đảo khi chúng thổi phồng giá trị thực của tài sản đó. "Hãy mua tiền điện tử của tôi hôm nay, và tôi hứa ngay ngày mai bạn sẽ có một chiếc ô tô mới". Bitconnect là một trong những ví dụ điển hình nhất, và các nhà đầu tư sẽ phải tự hỏi: "Tiền điện tử nào là thật, tiền điện tử nào là lừa đảo? Thực sự có đồng tiền nào là thật không?"
Do tiền điện tử không có giá trị nội tại và cũng không thể định giá, phần lớn các nhà đầu tư có tổ chức đều không "mặn mà" với hình thức đầu tư này. Vì vậy, tiền điện tử không thể tiếp cận tới khối tài sản khổng lồ đó, và phải dựa dẫm vào các nhà đầu tư cá nhân trên toàn thế giới. Vấn đề ở chỗ các nhà đầu tư cá nhân hiếm khi "mua và giữ" và tầm nhìn đầu tư thường ngắn hạn, không như các nhà đầu tư có tổ chức có thể giữ tài sản của mình trong hàng năm trời trước khi tung ra. Việc thiếu các nhà đầu tư có tổ chức là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự bất ổn của tiền điện tử.
Một trong những ưu điểm lớn nhất của tiền điện tử là nó có khả năng "giữ giá" trước sự lạm phát. Venezuela là ví dụ thường được nhắc đến nhiều nhất. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, tiền điện tử là một tài sản rất dễ biến động, và không ai muốn "giữ giá" bằng một thứ có thể tăng giảm giá trị 10% chỉ trong vài giờ đồng hồ. Nếu như bạn biết được tiền điện tử có thể hoặc không thể bảo vệ bạn khỏi lạm phát trong vòng 10 năm nếu như bạn chấp nhận hi sinh một vài phần tài sản của mình ở thời điểm hiện tại, bạn có cảm thấy nhẹ nhõm hơn không?
Mua Bitcoin có nghĩa bạn là người dùng, chứ không phải chủ sở hữu của công nghệ đứng sau Bitcoin
Có một quan điểm khá nực cười được lan truyền trong thị trường tiền điện tử là nếu ai đó, chẳng hạn, mua Bitcoin, thì người đó sẽ "mua cả công nghệ đứng sau nó". Đây cũng là lý do khiến nhiều người quyết định nhảy vào đầu tư tiền điện tử, vì cho rằng blockchain chính là công nghệ của tương lai. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng.
Một người sở hữu Bitcoin không phải là chủ sở hữu của công nghệ, mà chỉ là người dùng của công nghệ đó. Hai điều hoàn toàn khác nhau. Nếu bạn là chủ, tại sao khi thực hiện mỗi giao dịch bạn lại phải thanh toán phí?
Ở một mức độ nào đó, giá trị của tiền điện tử đang được thúc đẩy bởi những người thực sự tin tưởng vào tiềm năng của chúng, những người tin rằng chúng sẽ trở thành đồng tiền của tương lai và họ sẽ trở nên giàu có, hay còn được gọi là "hodlers".
 
"Chơi Bitcoin" - đầu tư hay đánh bạc?
Sát cánh bên các "hodlers" bảo vệ giá trị của tiền điện tử còn có những nhà đầu tư tuyệt vọng, những người mua Bitcoin ở mức giá "đỉnh" và giờ đây đã mất hơn một nửa số tiền bỏ ra. Giống như một con bạc bị thua sạch tiền, họ mang nhiều tiền hơn để đổ vào tiền điện tử với hy vọng sẽ "gỡ gạc" được số tiền đã mất, nhưng trên thực tế lại thua nhanh gấp đôi. Nhiều người thậm chí còn sử dụng thẻ tín dụng và thế chấp tài sản để mua tiền điện tử. Ít nhất có một nghiên cứu đã cho thấy có khoảng 20% lượng mua của Bitcoin là từ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, những người này hiện đang…hết tiền, hoặc là đã vượt hạn mức cho vay của ngân hàng, hoặc là ngân hàng từ chối mua Bitcoin bằng thẻ.
Cả hai nhóm người này đều có một điểm chung, là họ đều "nhìn thấy tiềm năng của tiền điện tử" và khẳng định tiền điện tử sẽ trở lại một cách mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, những người này thường không thực sự có khả năng đánh giá, chỉ là những người đang cầu nguyện mà thôi. Những người tiếp tục mua vào tiền điện tử bất chấp sự thiếu nền tảng của chúng cũng là nguyên nhân dẫn tới sự bất ổn của thị trường.
Do bản thân tiền điện tử không tự sinh ra giá trị (không giống như cổ phiếu có trả cổ tức hay trái phiếu có trả lãi cho nhà đầu tư), sự tồn tại của tiền điện tử đơn thuần chỉ là sự đầu cơ của các nhà đầu tư. Nói cách khác, tiền điện tử không khác gì "ước mơ" của các nhà đầu cơ, vì không có sự kiện bên ngoài nào có thể ảnh hưởng đến mức giá của chúng, ngoại trừ việc các nhà đầu tư tin rằng mức giá sẽ tăng hay giảm. Đây cũng là lí do tại sao việc mua bán bằng tiền điện tử vừa lố bịch, vừa hoàn toàn hợp lý.
Tiền điện tử, bao gồm Bitcoin, sẽ luôn luôn biến động (có lẽ trừ khi mức giá của nó ở rất rất thấp) vì nó luôn bị chi phối bởi sự đầu cơ và sự xâu xé giữa các nhà đầu tư với nhau. Đầu tư vào tiền điện tử cũng giống như chơi trò tàu lượn siêu tốc – hãy tận hưởng cảm giác phấn khích khi còn có thể, trước khi cơn buồn nôn ập đến.
Theo VnReview