Còn nhớ, hồi giữa tháng 8.2015, thời điểm ông Trầm Bê là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, ông đã tự nguyện cam kết “ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn” cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) toàn bộ số cổ phiếu mà ông và người có liên quan nắm giữ của Ngân hàng Phương Nam, Sacocombank và số cổ phiếu Sacombank sau khi NH này hoàn tất sáp nhập Ngân hàng Phương Nam.
|
Dinh thự "khủng" của ông Trầm Bê tại Trà Vinh (ảnh: IT) |
Đặc biệt, đại gia Trầm Bê cũng cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của Sacombank, nếu giá trị tài sản bảo đảm cho các nghĩa vụ nợ không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông...
“Soi” khối tàn sản khủng của đại gia Trầm Bê và gia đình
Vậy khối tài sản của gia đình ông Trầm Bê hiện nay gồm những gì?
Trước hết, về khối tài sản tính theo cổ phiếu Sacombank, tính đến thời điểm 31.12.2016 (khi đó, ông Trầm Bê vẫn đang là Thành viên HĐQT Sacombank) nắm giữ 27,65 triệu cổ phiếu STB, chiếm tỷ lệ 1,478% vốn điều lệ.
Cùng thời điểm, 3 người con của ông Trầm Bê cũng nắm trong tay lượng cổ phiếu khá lớn gồm: ông Trầm Trọng Ngân sở hữu 89,18 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,731%; bà Trầm Thuyết Kiều sở hữu 27,05 triệu cổ phiếu, tương đương 1,435% vốn điều lệ và ông Trầm Khải Hòa sở hữu 33,35 triệu cổ phiếu, tương đương 1,769% vốn điều lệ ngân hàng.
Ngoài ra, ông Lê Trọng Trí (con rể ông Trầm Bê) cũng sở hữu 2,07 triệu cổ phiếu tương ứng 0,11% vốn điều lệ Sacombank.
Như vậy, tổng cộng gia đình ông Trầm Bê đang sở hữu 9,523% vốn điều lệ ngân hàng Sacombank với 179,3 triệu cổ phiếu STB. Tính theo giá trị giao dịch cổ phiếu STB phiên gần nhất (ngày 4.8), với giá trị 12.700 đồng/CP, tài sản của ông Bê và những người có liên quan tại Sacombank có giá trị vào khoảng 2.277 tỷ đồng (trong đó, riêng ông Bê đứng tên sở hữu khoảng 352 tỷ đồng giá trị cổ phiếu STB).
Về cổ phiếu BCI (Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh), ông Trầm Bê hiện sở hữu 2.657.343 cổ phiếu, tương ứng với 3,06% vốn điều lệ. Giá đóng cửa của BCI ngày 4.8 là 29.000 đồng/CP, tương ứng tài sản cổ phiếu của ông Trầm Bê tại BCI là 77 tỷ đồng.
Tại BCI, con trai ông Bê là ông Trầm Trọng Ngân cũng sở hữu 9,3 triệu cổ phiếu tại BCI với giá trị thị trường 272 tỷ đồng.
|
Bệnh viện Triều An (Ảnh: IT) |
Ngoài 2 đơn vị đã lên sàn chứng khoán như trên, ông Trầm Bê cũng có 15,2% cổ phần trong tổng vốn điều lệ 590 tỷ đồng của Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An (chủ sở hữu Bệnh viện Triều An tại Q.Bình Tân, TP.HCM) với doanh thu đạt trên 300 tỷ đồng, lợi nhuận từ 30 đến 40 tỷ đồng mỗi năm.
Đồng thời, ông Trầm Bê hiện đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đá Marble Như Ý (xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Tại đây, ông nắm tới 82% cổ phần. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty này là khai thác các loại đá (đá quý, đá granite, đá marble...) và vận tải đường bộ, đường thủy.
Riêng con gái ông Bê là bà Trầm Thuyết Kiều cũng đang nắm 11% vốn của Công ty Thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam với vốn điều lệ 450 tỷ đồng.
Về tài sản là bất động sản, ông Trầm Bê và gia đình hiện đang sở hữu những dự án bất động sản “vàng” ở những khu trung tâm thuộc khu vực Q.1, Q.3, Q.5 và những dự án có quỹ đất rất lớn ở khu cửa ngõ như: Q.8, Q.9, Thủ Đức (TP.HCM), Long An, Cần Thơ...
Đặc biệt, dinh thự “5 chóp” của ông Trầm Bê tại Trà Vinh (xã Hàm Giang, huyện Trà Cú) tọa lạc trên khu đất rộng 30ha, trong khuôn viên có rất nhiều cây cảnh quý trị giá hàng tỷ đồng. Dinh thự này có thiết kế quý phái như một cung điện nguy nga cũng như trang trí xung quanh bởi những vật dụng trị giá hàng tỷ đồng như chiếc đén chùm bán kính 10m được đặt hàng từ châu Âu với các thanh giằng được dát vàng; bộ xương voi ma mút thời tiền sử...
|
Có gì “lạ” với khoản vay của ông Trầm Bê tại Sacombank? |
Mới đây, sau khi đại gia Trầm Bê bị bắt, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank đã bất ngờ lên tiếng về khoản nợ của đại gia Trầm Bê tại nhà băng này (thực chất là các khoản nợ do ông Trầm Bê nhận trách nhiệm giải quyết). Theo ông Minh, với nợ gốc là 35.400 tỷ đồng, đã được thế chấp bằng tài sản đảm bảo trị giá 43.000 tỷ đồng (gồm tài sản thế chấp là bất động sản trị giá 33.000 tỷ đồng và khoảng 10.000 tỷ đồng được đảm bảo bằng cổ phiếu) nên khoản nợ này hoàn toàn có thể được Sacombank xử lý “dứt điểm” trong vòng 3 năm.
Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng thì có nhiều “điểm lạ” xoay quanh khoản nợ của Trầm Bê tại Sacombank.
Trước hết, với vai trò là Phó Chủ tịch HĐQT của Sacombank thì theo Luật tổ chức tín dụng, ông Trầm Bê không được phép vay tiền của Sacombank. Thế nên, việc ông “nhận trách nhiệm giải quyết” các khoản vay này phải chăng là do ông “nhờ người đứng tên” để có thể vay được tiền của Sacombank? Những khoản vay này được thực hiện từ bao giờ và hồ sơ bảm đảm có lỗ hổng trong xét duyệt hay không?
Về vấn đề này, ông Dương Công Minh khẳng định, hầu hết các khoản cho vay này đều phát sinh tại NH Phương Nam và ông Trầm Bê trước đó quyết định NH Phương Nam cho vay nên đã nhận trách nhiệm giải quyết các khoản nợ này. Các hồ sơ cho vay cũng đều đầy đủ pháp lý, đúng quy trình và quy định.
Thứ 2, theo quy định của Luật, việc xét duyệt hồ sơ vay vốn các khoản nợ của ông Trầm Bê cũng có vấn đề. Cụ thể, khi thẩm định hồ sơ vay vốn thì tài sản thế chấp sẽ chỉ được định giá khoảng 70% giá trị thị trường. Sau đó ngân hàng sẽ cho vay khoảng 70% giá trị thẩm định. Tức là ngân hàng chỉ cho vay khoảng 50% giá trị thị trường của khoản tài sản mà khách hàng mang chế chấp. Chính vì vậy, với khoản vay 35.400 tỷ đồng thì khối tài sản đảm bảo này phải có giá trị lên tới hơn 70 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho biết việc “lấy” tài sản khác của ông Trầm Bê để bổ sung nếu giá trị tài sản bảo đảm cho các nghĩa vụ nợ không đủ tại Sacombank cũng không phải là vấn đề dễ dàng...
Ông Trầm Bê còn nổi tiếng với việc đã chi hàng trăm tỷ đồng xây 9 ngôi chùa, trong đó có 7 ngôi chùa được xây tại tỉnh Trà Vinh. Trong các ngôi chùa này, nổi bật là chùa Vàm Ray được ông chi 50 tỷ để xây dựng; chùa Cà Hom được ông bỏ 10 tỷ để xây dựng hoặc chùa Phno-đung được ông bỏ 7,5 tỷ để trùng tu...
Theo Quốc Hải/Zing News