Theo báo cáo cập nhật mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), tính đến cuối tháng 3, tổng số tài khoản nhà đầu tư giao dịch chứng khoán trên thị trường Việt Nam đạt hơn 3,029 triệu, tăng 113.875 tài khoản so với tháng liền trước.
Đây là mức tăng cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt về số lượng tài khoản mở mới trong một tháng.
Đáng chú ý, có trên 99,4% số tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới trong tháng 3 được nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đứng tên, tương đương 113.191 tài khoản mới.
Đây cũng là lần đầu tiên số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước vượt mốc 100.000 tài khoản/tháng. Kỷ lục trước đó thuộc về tháng 1/2021 với 86.107 tài khoản mở mới.
Đến cuối tháng 3, tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã đạt trên 2,981 triệu. So với cùng kỳ, số này cũng đã tăng tới 518.465 tài khoản sau một năm.
Ngoài số tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân trong nước tăng mạnh trong tháng, số tài khoản do nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đứng tên mới cũng tăng kỷ lục với 502 tài khoản mới, cao nhất kể từ tháng 5/2018.
Hiện tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở tại thị trường Việt Nam đã đạt 32.391 tài khoản.
Về phía nhà đầu tư tổ chức, trong tháng 3, nhóm nhà đầu tư trong nước mở mới 149 tài khoản, nâng tổng số đến cuối tháng 3 đạt 11.630 tài khoản. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng mở mới 33 tài khoản, số đến cuối quý I/2021 là 3.983 tài khoản.
Việc số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới trong tháng 3 tăng kỷ lục (đa số là của nhà đầu tư cá nhân) cùng việc thanh khoản thị trường tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ cho thấy lượng lớn tiền từ các nhà đầu tư cá nhân này đã được đổ vào thị trường trong quý I.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong khi tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ đạt 0,5% trong quý I/2021, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán tăng tới 42%, ước đạt 55.562 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các chỉ số giao dịch cũng ghi nhận dòng tiền chảy mạnh vào thị trường. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm 2020.
Bên cạnh đó, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu cũng đạt 12.433 tỷ đồng/phiên, tăng gần 20%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 174.324 hợp đồng/phiên, tăng 11%.
Ghi nhận trong báo cáo phân tích thị trường tiền tệ mới đây, các chuyên gia của SSI Research cho rằng nguyên nhân tỷ lệ huy động vốn của các ngân hàng sụt giảm mạnh trong quý I có thể đến từ việc các nhà băng này tự chủ động giảm huy động để thu hẹp chênh lệch với dư nợ cho vay để đảm bảo mức sinh lời.
Tuy nhiên, một phần trong đó cũng đến từ việc dịch chuyển của dòng tiền sang các kênh đầu tư khác, đặc biệt là chứng khoán.
Trong khi đó, các chuyên gia tại Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng cùng với lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới tăng mạnh trong những tháng gần đây, dòng tiền mới từ các nhà đầu tư cá nhân cũng gia nhập thị trường chứng khoán là nguyên nhân chính giúp chỉ số chứng khoán thị trường Việt Nam vẫn giao dịch tích cực dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh.
Theo Quang Thắng/Zing