Sửa giá điện bán lẻ có lợi cho sinh viên và người thuê nhà

Google News

Sinh viên, người lao động thuê nhà trọ sẽ được áp dụng cách tính tiền điện mới theo quy định tại Thông tư số 9/2023/TT-BCT. Cách tính giá điện căn cứ vào thông tin cư trú tại điểm cho thuê nhà.

Sinh viên, người thuê nhà hưởng lợi
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-BCT ngày 21/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT quy định về thực hiện giá bán điện và Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi Thông tư 16/2014/TT-BCT.
Tại khoản 2 điều 2 của thông tư 09/2023/TT-BCT, Bộ Công thương sửa đổi quy định bán điện cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình). Cách tính giá bán điện cho nhóm này được chia thành 3 trường hợp cụ thể.
Thứ nhất, đối với trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, thường trú (xác định theo thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện) thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
Thứ hai, trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101-200 kWh) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
Thứ ba, trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Cụ thể, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức.
Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.
Sua gia dien ban le co loi cho sinh vien va nguoi thue nha
 Theo thông tư mới, sinh viên và người thuê nhà có thể chỉ phải trả 1/4 số tiền điện mỗi tháng (Ảnh minh họa)
Bên bán điện được phép yêu cầu bên mua điện cung cấp thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện để làm căn cứ xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện.
Trên thực tế, phần lớn các nhà trọ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh đều không kê khai được đầy đủ số lượng người sử dụng điện, cũng như ký hợp đồng thuê trên 12 tháng. Do đó, mức giá điện mà sinh viên, người lao động thuê trọ thường phải trả tính theo bậc 3 (từ 101 - 200 kWh).
Trường hợp ký hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, bên thuê trọ có thể trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện để được tính giá điện từ bậc thấp nhất.
Chủ trọ thu tiền điện đắt hơn, gọi ngay đường dây nóng
Đến nay, đã có hơn 18.000 chủ nhà trọ tại Hà Nội và 67.000 chủ nhà trọ tại thành phố Hồ Chí Minh đã ký cam kết sẽ thu tiền điện đúng quy định. Nếu phát hiện chủ nhà trọ thu tiền điện sai quy định, sinh viên, người lao động có thể liên hệ đến:
Hà Nội: Tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNHANOI qua số điện thoại 19001288 hoặc Sở Công Thương qua số 024.22155571 và 024.22155527
Thành phố Hồ Chí Minh: Tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNHCM 1900 545454
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng lập biên bản kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm của chủ nhà trọ để làm cơ sở xử phạt.
Về mức phạt: Chủ trọ thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp đã chiếm đoạt (căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Minh Châu