Giá cua Hoàng đế ở Việt Nam: Vẫn rẻ vì bán... cả con!
Nhắc đến Cua Hoàng đế Alaska, người ta thường nghĩ ngay đến các bàn tiệc tại nhà hàng sang trọng, hoặc bàn ăn của giới nhà giàu chịu chi. Bởi lẽ, giá cả của loại cua này rất đắt đỏ, không chỉ trên thị trường quốc tế mà còn ngay tại chính quê hương của nó: Alaska.
Dạo qua 10 cửa hàng hải sản tươi được đánh giá cao nhất tại quận Anchorage, bang Alaska, Mỹ, không khó để tìm thấy mặt hàng Cua Hoàng đế Alaska.
Tại đây, một pound Cua Hoàng đế Alaska được rao bán với giá từ 24 USD (khoảng 550.000 đồng/nửa kg) trở lên (1 pound tương đương khoảng 0,45kg).
|
Tại các cửa hàng hải sản ở bang Alaska, Mỹ, cua Hoàng đế được bán theo chân, bởi vì thân cua chẳng có thịt, vậy nên chúng thường bị bỏ đi trong lúc chế biến (Ảnh: Internet) |
Điều đặc biệt là ở chỗ, cua bán ra theo đơn vị chân và càng. Tùy theo kích thước của chân cua và càng cua mà giá cả có sự chênh lệch khác nhau: chân cua, càng cua càng lớn, thì giá cua càng đắt, và ngược lại.
Không chỉ các cửa hàng hải sản tại Alaska, mà ngay cả trên trang Amazon – kênh thương mại điện tử hàng đầu nước Mỹ, cua hoàng đế Alaska cũng được bán theo hình thức và giá cả như vậy.
Điều này, theo tờ The New York Times lý giải, là bởi thịt cua Hoàng đế Alaska ngon nhất nằm ở chân của chúng. Không giống như những loại cua khác, cua Hoàng đế chỉ có 6 cái chân, và hai càng – mà thịt càng cua có chất lượng kém hơn thịt ở chân cua. Phần thân cua trái lại có rất ít thịt, chỉ có một phần nhỏ nằm ở các khớp nối giữa chân và thân.
Cũng theo tờ báo này, những con cua cần phải qua sơ chế và để đông lạnh bởi điều kiện sinh sống của chúng rất khắc nghiệt. Vì vậy, hiện nay, chỉ có một số ít các cửa hàng cung cấp nguồn loại cua này còn tươi sống. Và bởi vì những con Cua Hoàng đế có kích thước và trọng lượng lớn nên người dân hiếm khi mua cả một con Cua Hoàng đế về nhà để chế biến.
Tại Việt Nam, Cua Hoàng đế Alaska được xếp vào những món ăn có giá đắt đỏ bậc nhất. Một số đại gia sẵn sàng chi trả tới hàng chục triệu cho một con cua hoàng đế Alaska.
Tuy nhiên, loài cua đắt đỏ này lại được rao bán khá nhiều trên các trang mạng, với mức giá chỉ tương đương cua hoàng đế được bán tại thị trường Mỹ, chưa tính thêm các chi phí khác như bao gói, vận chuyển, thuế xuất, nhập khẩu,...
Đặc biệt, một số cửa hàng còn đưa ra đảm bảo, Cua Hoàng Đế tại cửa hàng vẫn sống nguyên và đang bơi, giá cả chỉ từ 1.940.000đ/kg.
Nhân viên của cửa hàng hải sản Hùng Cường (Hà Nội) cho biết, cửa hàng chào bán Cua Hoàng đế với mức giá còn rẻ hơn: Chỉ từ 1.700.000 đồng /kg. Theo lời cam kết của các nhân viên bán hàng, tất cả đều là những con cua còn tươi nguyên, đảm bảo cua được nhập khẩu "chính hãng" từ Alaska, Canada, Nga,...
Cũng theo các nhân viên bán hàng, người mua được lựa chọn mua cua đông lạnh hoặc cua vẫn còn tươi nguyên, nhưng chỉ có thể mua theo đơn vị con với giá cả từ 4 đến 8 triệu đồng. Cửa hàng không cung cấp lựa chọn bán lẻ theo chân cua, hay các tùy chọn khác phải xé lẻ con cua thành nhiều phần.
Chưa chắc đã là cua Hoàng đế Alaska
Theo các chuyên gia về hải dương học, trên thế giới có hơn 40 loài Cua Hoàng đế, phân bố rải rác từ Nga đến Nhật, cho tới cả Nam Mỹ.
“Cua Hoàng đế chỉ mang thương hiệu Alaska khi chúng đến từ khu vực Alaska mà thôi” – ông Jim Donahue đến từ UniSea – một trong những công ty chế biến và xuất khẩu cua lớn nhất Alaska cho biết khi trả lời Fox News.
“Những loài cua tương tự được tìm thấy ở Nga hay là Thụy Điển, và chúng cũng được gọi là Cua Hoàng đế. Và tương tự, chỉ có loài cua Hoàng đế đánh bắt tại Nga mới được gọi là Cua Hoàng đế Nga” - ông Jim Donahue cũng cho hay.
Nhưng, bởi vì nhu cầu về Cua Hoàng đế gia tăng một cách chóng mặt trong những năm gần đây tại các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, do đó, Cua Hoàng đế bị khai thác gần như cạn kiệt.
|
Cua Hoàng đế được bán với giá đắt đỏ, nhưng có thể chúng chẳng phải xuất xứ từ Alaska (Ảnh: Internet) |
Điều này dẫn tới việc Chính quyền Alaska áp dụng những đạo luật khắt khe trong hoạt động đánh bắt loại cua này. Ngư dân phải tuân thủ các giới hạn nghiêm ngặt, ví dụ như phải phóng thích những con cua không đạt tiêu chuẩn hoặc bị đánh bắt quá sớm, không được đánh bắt cua cái, v.v…
Vì vậy, giá Cua Hoàng đế Alaska đã tăng lên chóng mặt. Hiện nay, cua Alaska chỉ dành cho giới nhà giàu và những người muốn thưởng thức mỹ vị một lần trong đời.
Tương tự đối với loài cua Hoàng đế tại Nga. Vì sự lỏng lẻo trong quản lý khai thác hải sản của nước này, mà loài cua hoàng đế tại Nga cũng đang đứng trên bờ vực cạn kiệt.
Viện Nghiên cứu khoa học Thái Bình Dương về Thủy sản và Hải dương học (Hoa Kỳ) cho biết do săn bắt, đàn cua cái ở Nga đã giảm tới 84%.
Bởi vì những số liệu này và những quy định trong việc xuất khẩu những con cua Hoàng đế, các chuyên gia tại đây cho rằng, con cua được bày bán trong các siêu thị của người dân Mỹ và một số thị trường trên thế giới có thể không phải là cua Hoàng đế Alaska.
Do đó, các chuyên gia cho hay, người dân cần chắc chắn về nhãn, thương hiệu khi mua cua Hoàng đế. Đó có thể không phải là cua Alaska, cũng chẳng phải cua Hoàng đế Nga. “Và nếu nhãn hàng ghi rằng đó là cua Hoàng đế Alaska, hãy hỏi thật kĩ người bán hàng để chắc chắn về con cua của mình”, một chuyên gia nói.
Theo Lệ Chi/VTC