Mổ phanh, xát muối... treo ngược gà trong giá lạnh
Món ăn nổi tiếng của vùng cao nguyên lạnh giá Tây Tạng với cái tên khá lãng mạn - gà hong gió. Về cơ bản, món thịt gà hong gió cũng giống như các loại thịt xông khói của người phương Tây. Thế nhưng, riêng với thịt gà, cách chế biến được nâng lên một tầm khác, đến mức chỉ nghe kể thôi cũng thấy rợn người.
Cụ thể, để làm món phục vụ giới nhà giàu này, nguyên liệu cần có gà sống, dao sắc nhọn, gia vị thảo mộc, một đầu bếp tay nghề cao nhưng phải có cái đầu lạnh và trái tim tàn nhẫn. Bởi, con gà sẽ không được làm lông khi đã chết. Thay vào đó, nó bị mổ phanh khi còn sống, lôi toàn bộ nội tạng ra trong tích tắc. Tiếp theo, người đầu bếp ngay lập tức xát muối, thảo mộc vào trong bụng gà, chà xát sao cho bụng gà thấm đẫm gia vị.
|
Gà hong gió nổi tiếng ở Tây Tạng. |
Kết thúc quá trình tẩm ướp, con gà sẽ bị vặt lông rồi treo ngược trước gió. Lúc này, gà vẫn còn sống lại tiếp tục phơi mình trước gió lạnh và phải chịu sự đau đớn đến tận cùng, liên tục phát ra những tiếng rên rỉ than khóc cho đến khi từ biệt cõi đời, để lại thân xác khô quắt chờ lên bàn ăn phục vụ thượng khách.
Món gà hong gió đã bị lên án vì quá tàn nhẫn. Vì thế, cách chế biến kiểu truyền thống giờ chỉ còn ở Tây Tạng, còn tại thành phố lớn khác, những con gà sẽ được cắt tiết để giảm bớt quá trình đau đớn của chúng.
Thúc béo rồi dìm chết họa mi trong rượu
Chim họa mi nướng là món ăn nổi tiếng để phục vụ cho giới nhà giàu lắm tiền nhiều của ở Pháp. Món ăn này được chế biến cầu kỳ nhằm giữ được nguyên vẹn độ căng bóng, béo ngậy của thịt, đồng thời đượm hương vị của hạt dẻ hòa quyện hoàn hảo với vị ngọt đậm đà của thịt và nội tạng. Tuy nhiên, quá trình nuôi vỗ béo và giết thịt cũng tàn nhẫn chẳng kém gì so với món gà hong gió.
Theo đó, những con chim được đánh bẫy về bị nhốt vào một chiếc lồng chất ních để hạn chế tối đa vận động. Người ta bắt đầu vỗ béo, nhồi nhét cho chúng ăn để đến khi giết thịt, chim sẽ béo gấp 2-4 lần so với kích cỡ thường.
|
Những con chim họa mi bị thúc béo và dìm chết trong rượu trước khi giết thịt. |
Sau quá trình thúc béo, chim họa mi bị dìm trong rượu armagnac hoặc nhỏ từng giọt rượu qua họng để chúng chết từ từ. Phần lông còn lại được rút cẩn thận để đảm bảo những chất béo tốt nhất không thể thoát ra ngoài. Cuối cùng, đầu bếp chỉ cần thêm chút gia vị và tiến hành nướng chim họa mi trong vòng 6 -8 phút là món ăn đã được hoàn thành.
Việc thưởng thức chim họa mi cũng phải tiến hành như một nghi lễ. Mỗi người sẽ phải dùng một chiếc khăn màu trắng trùm kín đầu để giúp thực khách không cảm thấy xấu hổ với những người xung quanh. Nhiều người tin rằng việc làm này giúp họ lẩn trốn khỏi ánh mắt của Chúa.
Cũng may, món ăn thượng hạng này ngày nay không còn nữa. Từ năm 2007, việc săn bắt để làm thịt chim họa mi bị cấm trên toàn EU. Chính phủ Pháp tuyên bố mức phạt nặng nhất cho hành động này lên tới 6.000 euro.
Gan ngỗng béo và cuộc sống “địa ngục” của đám ngỗng
Gan ngỗng béo cũng là một món ăn đẳng cấp của nền ẩm thực Pháp, nằm trong danh sách những món ăn đắt đỏ nhất thế giới. Song, đằng sau sự hấp dẫn của món ăn này lại chính là “địa ngục” của những con ngỗng bị vỗ béo.
Để có miếng gan béo, những con ngỗng bị ép ăn một cách tàn nhẫn. Ba lần một ngày, người nuôi banh miệng, cắm ống thức ăn vào cổ họng ngỗng đực để đổ hơn 2 kg hạt ngũ cốc/lần ăn. Việc ép ăn này sẽ khiến gan ngỗng sinh mỡ, to hơn gấp 10 lần gan một con ngỗng bình thường. Lá gan béo phì khiến chúng thở, đi lại rất khó khăn.
|
Những chú ngỗng phải sống cảnh "địa ngục" trước kia bị giết thịt lấy gan (Ảnh: woodstocksanctuary) |
Theo phóng viên tờ Newsweek, đàn ngỗng trông rất "bơ phờ" và "thường bị què bởi nhiễm trùng bàn chân do phải đứng trên lưới kim loại trong quá trình ép ăn bằng ống". Ngoài ra, chúng thường bị tổn thương thực quản do lượng thức ăn quá tải đổ xuống họng, gãy xương ức, nhiễm nấm, tiêu chảy, suy giảm chức năng gan và rất căng thẳng.
Đến năm 2012, bang California (Mỹ) chính thức ban hành luật cấm bán và tiêu thụ gan ngỗng béo. Việc vỗ béo tàn nhẫn cũng bị coi là phạm pháp tại các nước như Áo, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Australia, Ấn Độ, Isarel, Italy,...
Giết trâu bằng búa tạ
Không chỉ trên thế giới, ở Việt Nam cũng có kiểu giết mổ khiến người chứng kiến không khỏi rùng mình.
Cụ thể, một số lò mổ trâu bò nhỏ lẽ vẫn dùng những chiếc búa tạ đập vào đầu trâu, bò liên tục cho tới khi chết rồi mới đem lột da làm thịt khiến trâu, bò phải trải qua một quá trình vô cùng đau đớn.
|
Kiểu dùng búa đập đầu trâu bò cho tới chết để giết thịt không đảm bảo tính nhân đạo |
Kiểu giết mổ này đã bị một tổ chức bảo vệ động vật của Úc bí mật ghi lại khi thấy hình ảnh một người dùng búa đập 5 lần vào đầu con bò sắp bị giết thịt trong một lò mổ tại Việt Nam. Sau khi thông tin này được công bố, Chính phủ Úc đã tạm ngừng xuất khẩu gia súc sống sang Việt Nam. Đây được cho là hành động tàn bạo, bị lên án tại nhiều quốc gia.
Ngay sau đó, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT Việt Nam) đã yêu cầu các cơ sở giết mổ tuyệt đối không được dùng búa đập vào sọ não trâu, bò. Quy định giết mổ nhân đạo sau đó đã được Việt Nam đưa vào Luật Thú y năm 2015, có hiệu lực từ 1/7/2016.
Theo B.Dương/Vietnamnet