Sông Hồng City và loạt dự án “treo” gây bức xúc ở Hà Nội

Google News

(Kiến Thức) - Giữa trung tâm Hà Nội có không ít dự án lớn được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng chưa được triển khai hoặc bị bỏ hoang sau nhiều năm xây dựng.

Dự án Sông Hồng City sau 25 năm vẫn chỉ trên giấy gây bức xúc
Mới đây, cử tri đề nghị Hà Nội làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm về việc Dự án Sông Hồng City đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 từ năm 1995 với quy mô khoảng 6ha tại hồ Nghĩa Dũng, phường Yên Phụ dự tính sẽ là một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu văn phòng thương mại, khách sạn... nhưng đến nay sau 25 năm vẫn chỉ "nằm" trên giấy.
Song Hong City va loat du an “treo” gay buc xuc o Ha Noi
 Phối cảnh dự án Sông Hồng City.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN-MT) Hà Nội, dự án Sông Hồng City được ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp Giấy phép đầu tư năm 1994 cho phép Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội và Công ty Antara Koh Development (V) Pte, Ltd (Singapore) thành lập Công ty liên doanh có tên là Công ty Phát triển đô thị để thực hiện dự án. Tiến độ thực hiện trong vòng 8 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư phải hoàn thành việc xây dựng và đưa các công trình xây dựng vào vận hành.
Tháng 3/1995, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thu hồi 60.000m2 đất tại khu vực hồ Nghĩa Dũng cho Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội thuê để liên doanh với nước ngoài xây dựng dự án. Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội đã được nhận bàn giao đất tại thực địa ngày vào tháng 7/1995.
Đến tháng 9/1995, UBND TP quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Phát triển đô thị (thời hạn sử dụng đất là 45 năm kể từ ngày 29/11/1994 đến 29/11/2039) và phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 dự án Sông Hồng City.
Tuy nhiên, sau 25 năm đến nay dự án Sông Hồng City vẫn chỉ nằm trên giấy gây bức xúc cho người dân.
Ngày 8/7/2019, Sở TN-MT có Kết luận thanh tra số 1953 về việc chấp hành pháp luật đất đai đối với dự án Sông Hồng City. Theo đó, đến thời điểm thanh tra là 24 năm, dự án chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chưa đưa đất vào sử dụng để thực hiện dự án, vi phạm Luật Đất đai năm 2013… Tuy nhiên, theo ý kiến của UBND phường Yên Phụ, việc chậm triển khai của dự án đã được cử tri địa phương nhiều lần có ý kiến đề nghị UBND phường báo cáo các cấp có thẩm quyền có biện pháp tháo gỡ. Nhiều hộ gia đình có nhà thuộc phạm vi thực hiện của dự án hiện đang bị xuống cấp, nguy hiểm.
Lý giải về nguyên nhân dự án Sông Hồng City bị dừng triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH-ĐT) Hà Nội cho rằng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về nguyên nhân chủ quan, theo Sở KH-ĐT, giai đoạn từ năm 1997-2001, do ảnh hường và tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực Châu Á, thị trường bất động sản suy thoái, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính dẫn đến dự án bị ngừng triển khai.
Về nguyên nhân khách quan, dự án bị ngừng triển khai do có sự thay đổi pháp luật Đê điều và chưa phê duyệt quy hoạch phân khu hai bên bờ Sông Hồng.
Dự án khu đô thị mới Nam Thăng Long (giai đoạn 2)
Cùng chung số phận với Sông Hồng City, dự án khu đô thị mới Nam Thăng Long (giai đoạn 2) kéo dài đã lâu (khoảng 20 năm) nhưng chưa triển khai.
Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long thuộc địa bàn phường Phú Thượng, phường Nhật Tân và phường Xuân La, quận Tây Hồ và phường Đông Ngạc, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm do Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư.
Song Hong City va loat du an “treo” gay buc xuc o Ha Noi-Hinh-2
 Nhiều khu đất trống chưa được triển khai xây dựng đang làm xấu đi hình ảnh Khu đô thị đáng sống nhất Hà Nội. Ảnh: Lao động
Dự án được Thủ tướng Chính phủ cho thuê đất để thực hiện dự án tại Quyết định số 1106 năm 1997 với tổng diện tích đất khoảng 3.231.367m2 được chia thành 03 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 2 của dự án có diện tích khoảng 144,26ha. Tuy nhiên đến tháng 7/2019 có khoảng 51ha thuộc địa bàn quận Tây Hồ đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB, chỉ còn lại khoảng 03ha chưa giải phóng mặt bằng (GPMB).
KĐT mới Nam Thăng Long (Ciputra Hanoi International City) là dự án BĐS đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam từ trước tới năm 2007, với số vốn đầu tư đăng ký lên tới 2,11 tỉ USD, do tập đoàn Ciputra (Indonesia) làm chủ đầu tư. Dự án do có tổng diện tích hơn 300 ha, với tổ hợp nhà ở, trường học, khuôn viên xanh, câu lạc bộ thể thao giải trí, khu thương mại khách sạn cao cấp, tòa tháp văn phòng…
Dự án LOD Building bỏ hoang nhiều năm trên "đất vàng" Hà Nội
Song Hong City va loat du an “treo” gay buc xuc o Ha Noi-Hinh-3
 Dự án LOD Building bỏ hoang nhiều năm trên đất 'vàng' Hà Nội. Ảnh: Vietnamfinance.
Dự án LOD Building (tại địa chỉ 38 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội)) ban đầu do Công ty Cổ phần Hợp tác lao động Nước ngoài (LOD) làm chủ đầu tư nhưng sau đó lại được chuyển nhượng cho Tập đoàn Phúc Lộc.
Toà nhà LOD Building được thiết kế với 10 tầng nổi và một tầng hầm trên diện tích 1.100m2, trong đó diện tích xây dựng 900m2. Tòa nhà có tổng diện tích cho thuê 5.600m2, với mặt bằng một sàn 600m2.
Đáng chú ý, LOD Building từng được đưa vào sử dụng tuy nhiên do có quá nhiều sai phạm về thay đổi kết cấu công trình nên ngày 1/10/2015, UBND phường Dịch Vọng Hậu đã yêu cầu chủ đầu tư dừng tuyệt đối việc thi công công trình.
Kể từ lúc bị đình chỉ đến nay, dự án này gần như "nằm yên" tại khu đất "vàng" của Hà Nội. Bên cạnh đó, việc dự án bị bỏ hoang và có nhiều hạng mục xuống cấp đang gây mất mỹ quan khu phố, cũng như sự lãng phí của nhà đầu tư.
Song Hong City va loat du an “treo” gay buc xuc o Ha Noi-Hinh-4
 Các tầng của dự án cũng chỉ là những mảng bê tông nham nhở, sắt thép trơ trụi, hoen gỉ. Ảnh: Vietnamfinance.
Dự án Apex Tower
Được khởi công từ năm 2008, nhưng hiện nay Dự án Apex Tower (địa chỉ tại lô HH3, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới chỉ xây xong phần thô, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng và đang có dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích.
Apex Tower do Cty CP Tòa nhà Cavico Việt Nam và Cty CP Tu tạo và phát triển nhà (CTP) làm chủ đầu tư, được xây dựng trên khu đất có diện tích 2.780 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD.
Song Hong City va loat du an “treo” gay buc xuc o Ha Noi-Hinh-5
Dự án Apex Tower nằm tại vị trí đắc địa trên đường Phạm Hùng. Ảnh: Tintucvietnam 
Dự án có diện tích 2.780m2, trong đó diện tích sàn xây dựng là 44.000m2, chiều cao tòa nhà khoảng 100m, gồm 27 tầng và 3 tầng hầm. Khi đi vào hoạt động, Apex Tower được kỳ vọng sẽ cung cấp khoảng trên 24.300m2 văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại tiện nghi, hiện đại và đạt tiêu chuẩn cao tạo ra một điểm nhấn kiến trúc ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội, góp phần làm đẹp cảnh quan khu đô thị mới năng động nói riêng và quy hoạch tổng thể của Thủ đô Hà Nội nói chung trong tương lai.
Thế nhưng, dù khởi công từ năm 2008, nhưng đến nay Apex Tower mới chỉ xây xong phần thô và nằm "đắp chiếu" nhiều năm chưa thể hoàn thiện đưa vào sử dụng.
Hoàng Minh