Trong nhiều năm qua, câu hỏi mà người nông dân trồng cam, bưởi, chanh leo và xoài quan tâm đó là "Cần phải làm gì để đảm bảo chất lượng và mẫu mã sản phẩm cây ăn quả để để bán cho nhà máy lớn, đảm bảo đầu ra ổn định".
Và câu hỏi đó đã được giải đáp kể từ khi Tập đoàn TH triển khai xây dựng Nhà máy chế biến hoa quả tươi ở bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ. Cũng kể từ thời điểm đó bà con nông dân nơi đây đã phấp phỏng mừng thầm. Mùa nối mùa trôi qua, trên những triền đồi, khô cằn sỏi đá cộng với sự cần cù của bà con nông dân, nơi đó đã biến thành vườn cây ăn quả sum suê trái.
|
Những vựa hoa quả sum suê của người dân Sơn La nay đã tìm thấy một “đầu ra” chắc chắn: Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH. |
Từ Vân Hồ, Mộc Châu, cho đến những huyện xa xôi như Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu… nơi đâu cũng rợp bóng cây ăn quả. Những vườn chanh leo, vườn cam, xoài xanh mướt kéo dài đến tận chân trời. Ông Tráng A Cao, Bí thư chi bộ bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ là một trong những hộ mạnh dạn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cách đây chục năm, ông Cao trồng ngô, trồng sắn trên diện tích 5ha của mình.
Bao năm vợ chồng ông làm việc từ lúc mặt trời lặn, cho đến khi mặt trời khuất núi mới ngưng nghỉ, vậy mà cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cây ngô, cây lúa trên nương không mang lại hiệu quả, ông đã mạnh dạn trồng 5ha chanh leo, cam, quýt, bưởi. Trồng cây ăn quả suốt mấy năm trời, ông chỉ nhìn thấy cây, thấy đất. Khi cây cam, cây chanh leo đến lúc được thu hoạch, giá bán lại tương đối thấp.
Bao công của ông đổ ra mà khi thu hoạch cam, chanh leo, giá xuống thấp mà lòng ông như có ai xát muối.
"Mình cũng cố gắng chăm sóc cây để mong có ngày thu hoạch. Nhưng giá cả bấp bênh, có lúc còn rất khó bán sản phẩm khiến mình buồn lắm. Nay nghe tin, nhà máy chế biến hoa quả Vân Hồ sắp thu mua sản phẩm cho bà con, tôi mừng lắm. Khi đầu ra cho nông sản được đảm bảo, nông dân chúng tôi cũng yên tâm sản xuất", ông Cao chia sẻ.
|
Nhà máy chế biến hoa quả tươi vào thảo dược Vân Hồ khánh thành ngày 20/9 là tin vui với hàng vạn hộ nông dân Sơn La. (Ảnh: Bà Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cùng ông Phan Đình Trạc - Trưởng ban Nội chính Trung đi thăm dây chuyền sản xuất của Nhà máy tại sự kiện khánh thành. |
Không riêng gì ông Cao, cả vạn hộ nông dân Sơn La trồng cây ăn quả trên đất dốc luôn canh cánh nỗi lo tìm đầu ra cho nông sản. Quả cam ngọt mọng, quả xoài thơm ngon và những vườn chanh leo sai trĩu quả là bao công sức của nông dân đổ ra mới có được. Ước mơ làm giàu từ trồng cây ăn quả vẫn xa tầm tay của bà con. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cái khó nhất là khi bà con thu hoạch, giá trái cây luôn xuống thấp. Có những năm, người trồng không có lãi. Nhiều bà con ở vùng sâu, vùng xa, nhiều khi chán không buồn thu hoạch hoa quả, vì giá quá rẻ.
Toàn tỉnh Sơn La có 72.000 ha tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra, xây dựng được 90 chuỗi cung ứng quả an toàn, 161 mã số vùng trồng 4.300ha cây ăn quả xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Úc… Tuy nhiên, nguồn lực đất đai chưa được khai thác hiệu quả vẫn còn rất lớn. Mục tiêu của tỉnh tới năm 2020 đạt diện tích trồng cây ăn quả lên tới 100.000 ha. Sau mỗi năm, sản lượng trái cây lại tăng lên chóng mặt. Làm gì để giải quyết nỗi lo cho bà con nông dân, đặc biệt là những hộ trồng cây ăn quả vẫn luôn là nỗi niềm canh cánh của chính quyền địa phương.
Muốn có được đầu ra ổn định cho vựa trái cây Sơn La chỉ có cách đưa nông sản vào chế biến sâu. Bài toàn này ai cũng nhìn ra, nhưng không phải đơn vị nào cũng có đủ tiềm lực tài chính cũng như năng lực để xây dựng một nhà máy hiện đại, đủ công suất để tiêu thụ hết nông sản cho bà con. Ước mong đó đã được tập đoàn TH và chính quyền tỉnh Sơn La gấp rút triển khai bằng việc cho xây dựng Nhà máy chế biến hoa quả tươi hiện đại nhất nước ta tại bản Co Chàm, xã Vân Hồ.
Được biết Dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho gần 200 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy và hàng chục ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tập đoàn TH dự kiến triển khai liên kết với nông dân các vùng trồng hoa quả trọng điểm ở Sơn La như các huyện trồng nhãn Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; huyện Vân Hồ (nơi đặt nhà máy); vùng cam ngon nổi tiếng ở huyện Phù Yên, Yên Châu, Mộc Châu và mở rộng sang Cao Phong, Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình; Vân Hội – Yên Bái.
|
Nhà máy sẽ thu mua hoa quả nguyên liệu từ các vùng trồng hoa quả trọng điểm ở Sơn La và mở rộng sang cả Hòa Bình, Yên Bái. |
Với định hướng liên kết với nông dân thông qua các Hợp tác xã, xây dựng chuỗi sản xuất, Tập đoàn TH sẽ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, sơ chế. Trong mô hình này, hợp tác xã sẽ như một mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm do doanh nghiệp dẫn dắt, đưa ra kế hoạch sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu về chất lượng sản phẩm.
Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy, bà Thái Hương (Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH) chia sẻ về quyết tâm đồng hành cùng người nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao: “Với tấm lòng của mình, chúng tôi luôn muốn hướng đến việc làm thế nào để đưa bà con nông dân gần xa và các tỉnh nghèo khó phát triển, xóa đói giảm nghèo. Và xóa đói giảm nghèo bền vững nhất là đưa họ vào một phương thức canh tác sản xuất… Hợp tác xã kiểu mới giúp doanh nghiệp kết nối với nông dân. Doanh nghiệp sẽ phụ trách thị trường, sẽ ứng dụng khoa học kỹ thuật để hướng dẫn cho bà con. Cuối cùng, bà con, với tài sản là đồng ruộng, bà con sẽ đi cùng TH, trở thành một mắt xích của TH”.
Nhà máy vừa khánh thành có công suất chế biến 300 tấn rau quả/ngày, nằm trong tốp đầu các nhà máy trên cả nước về công suất chế biến quả. Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến nước quả cam, nhãn dạng cô đặc và cũng là nhà máy đầu tiên sẽ bao thầu hết sản phẩm nhãn của Sơn La. Đây cũng là nhà máy sử dụng các công nghệ mới và hiện đại nhất thế giới trong sản xuất nước quả: Công nghệ trích ly chuyên dụng hoàn toàn tự động, thiết bị cô đặc dạng tấm bản tiên tiến, công nghệ chế biến áp suất cao HPP.
Không chỉ là phát triển kinh tế, sự xuất hiện tiên phong của một doanh nghiệp lớn và uy tín như Tập đoàn TH ở Sơn La sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp về đầu tư, góp phần nâng tầm kinh tế vùng của một tỉnh Tây Bắc, nơi biên cương Tổ quốc.
PV