Ngày 13/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Vissai Ninh Bình số tiền 85 triệu đồng.
Vissai Ninh Bình bị phạt do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Cụ thể, Công ty không gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đối với Báo cáo tài chính bán niên năm 2022; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên năm 2022; báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên năm 2022.
Vissai Ninh Bình tiền thân là Công ty TNHH Xi măng Vinakanssai trực thuộc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Thương mại Sản xuất Hoàng Phát, được thành lập năm 2004. Công ty có trụ sở chính tại Lô C7, Khu công nghiệp Gián Khẩu, xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Năm 2009, công ty đổi tên thành Tập đoàn Xi măng Vissai với ngành kinh doanh chính là sản xuất xi măng và clinker. Năm 2017, công ty được đổi tên thành CTCP Vissai Ninh Bình.
Thời điểm tháng 5/2018, Vissai Ninh Bình có số vốn điều lệ 1.504 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch HĐTV Hoàng Mạnh Trường nắm chi phối với 77,85%, bà Đỗ Thị Phượng sở hữu 22,14%.
Còn theo công bố trên website của Vissai Ninh Bình, hiện công ty có vốn điều lệ 6.289 tỷ đồng, tổng sản lượng đạt 18,6 triệu tấn.
Cho đến thời điểm hiện tại, các đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực xi măng của Vissai gồm: CTCP Vissai Ninh Bình (Vissai Ninh Bình), CTCP Vissai Hà Nam (vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng), CTCP Xi măng Đồng Bành, CTCP Xi măng Sông Lam 2 và CTCP Xi măng Sông Lam.
Vissai Ninh Bình đã xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất xi măng nghìn tỷ gồm: Nhà máy Xi măng The Vissai Ninh Bình (5.000 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất xi măng tại Hà Nam (2.000 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất Xi măng tại Lạng Sơn (2.000 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất Xi măng tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (1.200 tỷ đồng), Nhà máy xi măng Sông Lam tại Huyện Đô Lương (12.500 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Vissai còn đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, kinh doanh khách sạn, thủy điện và cả vận tải. Trong đó, Vissai sở hữu khách sạn 5 sao The Vissai Hotel với tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng tại Ninh Bình. Đồng thời còn mua 97% cổ phần CTCP Sài Gòn Givral – công ty con của OCH vào năm 2012. Qua đó, sở hữu dự án khách sạn Starcity Sài Gòn, nay có tên mới là Vissai Saigon Hotel.
Đặc biệt, Vissai Ninh Bình còn có Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Suối nóng Kênh Gà (Ninh Bình) với tổng vốn đầu tư lên tới 30.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vissai còn có các đơn vị như CTCP Dịch vụ và Vận tải Vissai, CTCP Cảng Việt Nhật, CTCP Dịch vụ Cảng Bích Đào; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu The Vissai; CTCP Tài chính và Phát triển năng lượng với các dự án như Nhà máy dệt sợi Sài gòn (Việt – Ý) 300 tỷ đồng; Nhà máy Thủy Điện Quảng Nam 30 MW với 1.000 tỷ đồng....
Về tình hình kinh doanh, công ty mẹ Vissai Ninh Bình ghi nhận doanh thu giai đoạn 2016-2019 luôn duy trì trên mức 4.000 tỷ đồng, riêng năm 2019 là 5.303 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2019 của Vissai Ninh Bình chỉ vỏn vẹn 10 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận chưa tới 1%.
Minh An