Soi doanh nghiệp Mỹ sắp sản xuất linh kiện máy bay tại Đà Nẵng

Google News

(Kiến Thức) - Doanh nghiệp của Mỹ đầu tư 170 triệu USD sản xuất linh kiện máy bay tại Đà Nẵng - Tập đoàn UAC là nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp cho các công ty hàng không như Boeing, Airbus, Embraer...

Sáng 27/2, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng cho biết, Tập đoàn UAC (Universal Alloy Corporation) của Mỹ - nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới - đã quyết định đầu tư 170 triệu USD để sản xuất một số cấu kiện, bộ phận chi tiết của máy bay tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.
Có trụ sở tại El Segundo, California (Mỹ), Tập đoàn UAC là nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới.
Soi doanh nghiep My sap san xuat linh kien may bay tai Da Nang
 UAC là nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới. Ảnh: UAC. 
Trải qua 51 năm hình thành và phát triển, UAC thường cung cấp hợp đồng dài hạn cho: Boeing 787, 777, 767 và 737; Airbus từ A350, A330, A320, A220 và ATR; Embraer E195; và máy bay Bombardier CRJ.
UAC cũng là một trong ba tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp nhôm đặc chủng cho sản xuất máy bay.
Ngoài trụ sở tại California (Mỹ), tập đoàn còn có văn phòng tại Úc, New Zealand, Bắc Mỹ và Châu Á.
Theo Tập đoàn UAC, tại Đà Nẵng, Tập đoàn UAC sẽ sản xuất 4.000 chi tiết/5 triệu chi tiết máy bay các loại để xuất khẩu.
Soi doanh nghiep My sap san xuat linh kien may bay tai Da Nang-Hinh-2
 Bên trong nhà máy sản xuất của UAC. Ảnh: UAC. 
Ban đầu, UAC Việt Nam sẽ sản xuất và cung cấp các bộ phận thân máy bay cho các máy bay Boeing Boeing 787, 777 và 737; và động cơ cho Rolls Royce tại Đà Nẵng.
Theo lãnh đạo BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, UAC sẽ xuất khẩu 100% sản phẩm được sản xuất tại Đà Nẵng sang thị trường hàng không vũ trụ trên thế giới. UAC đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 25 triệu USD vào năm 2021, 82 triệu USD vào năm 2022 và tạo ra hơn 180 triệu USD xuất khẩu hàng năm vào năm 2026.
Để thực hiện dự án, UAC sẽ tuyển dụng từ 650 đến 1.200 nhân sự tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Trong đó sẽ cần số lượng lớn các kỹ sư để hỗ trợ sản xuất của UAC, đặc biệt là các nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực cơ khí, điện, tự động hóa...
Ngoài ra, UAC cũng phát triển chuỗi sản xuất về ngành công nghiệp hỗ trợ với việc thu hút trên 2.000 lao động khác.
Hoàng Minh (tổng hợp)