Năm 2012, anh Trần Thuận Khanh (43 tuổi, ngụ xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, Bến Tre) tình cờ phát hiện giống tắc mới được lai từ cây chanh không hạt và tắc thường.
Loại tắc này có ngoại hình tương đồng tắc có hạt được nông dân trồng từ trước tới nay. Trái tròn, vỏ xanh, múi màu vàng cam nhưng bên trong không có hạt.
"Có thể do tôi trồng chanh và tắc gần nhau, chúng thụ phấn chéo nên mới lai được giống tắc mới. Biết đây là giống cây 'trời ban', tìm cách chiết, ghép... để nhân giống", anh Khanh chia sẻ.
Thử nghiệm nhiều phương pháp, anh nông dân xác định chiết cành giúp tắc không hạt giữ được tính trạng trội, năng suất cao hơn ghép.
"Trồng tắc không hạt trồng 6 tháng đến một năm có thu hoạch, trái ra đều quanh năm. Năng suất đạt 50kg/cây/năm", anh Khanh giới thiệu.
Từ năm 2019, anh Khanh phát triển vườn cây đầu dòng 5.000m2 sản xuất cây giống. Hiện, với 1.200 gốc, anh cung cấp 50.000 cây tắc không hạt giống, giá khoảng 150.000 đồng/cây. Riêng về tắc không hạt trái có giá 120.000 đồng/kg, cao gấp chục lần loại tắc có hạt.
Hiện tại, anh Khanh có thu nhập trên 200 triệu đồng/ năm nhờ bán cây giống. Còn trái thương phẩm số lượng còn ít, chưa đủ cung ứng ra thị trường mà chủ yếu cung cấp cho khách hàng mua cây dùng thử.
Theo tác giả tắc không hạt, giống tắc này sẽ giúp cho người tiêu dùng, cơ sở chế biến tắc muối, mứt tắc tiết kiệm thời gian vì không cần tách bỏ hạt. Ngoài ra, sản phẩm này có thể bán được ở siêu thị, đây cũng là định hướng phát triển của anh Khanh trong thời gian tới.
Vừa qua, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đã công nhận, cây tắc không hạt của anh Khanh là cây đầu dòng.
Hiện anh cung cấp cho hơn 50 xã viên HTX nông nghiệp Long Thới với số lượng mỗi nhà vườn trên 1.000 cây. Khi cây có trái, anh Khanh sẽ bao tiêu trái thương phẩm cho hộ canh tác.