Chợ Nhà Xanh nằm trên đường Phan Văn Trường (Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong những “siêu chợ” sinh viên lớn nhất Hà Nội. Khu chợ này nằm gần các trường đại học như Đại học Thương Mại; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền… phục vụ chủ yếu cho đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên nên giá cả hàng hoá tương đối phù hợp với túi tiền.
Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phúc tạp, chợ Nhà Xanh chịu ảnh hưởng nặng nề: có thời gian bị đóng cửa hoàn toàn; có giai đoạn dù mở cửa cũng không một bóng khách. Một số tiểu thương thậm chí đã phải “bỏ xới” về quê kinh doanh mặt hàng khác.
Tuy nhiên, khoảng 2 tuần trở lại đây, từ sau khi Hà Nội cho phép học sinh, sinh viên trở lại trường học, chợ Nhà Xanh đã bắt đầu đông đúc trở lại.
Chợ Nhà Xanh vào giờ tan tầm liên tục tắc đường trong nhiều giờ.
Dòng người chen chân mua sắm ở “siêu chợ" sinh viên lớn nhất Hà Nội.
Ghi nhận của phóng viên tại khu chợ này vào chiều tối một ngày cuối tuần, dọc đoạn đường khoảng 700 – 800m ken đặc người mua sắm, trong đó chủ yếu là các bạn trẻ.
Vẫn như trước đây, chợ Nhà Xanh với “đặc sản” hàng đồng giá, giá rẻ được bày tràn ra hai bên đường. Mẫu mã đa dạng từ quần áo, giày dép, phụ kiện đến đồ ăn vặt… các mặt hàng với mức giá trung bình từ 50.000 – 250.000 đồng, tuy nhiên, tiểu thương ở đây cũng nổi tiếng chuyên “hét giá” cao gấp 2 – 3 lần và thường ép khách phải mua hàng.
Chợ Nhà Xanh mở cửa từ 9 giờ sáng đến 22 giờ tối, trong đó, thời điểm đông đúc nhất thời vào giờ tan tầm và hai ngày cuối tuần.
Chị Thương, một tiểu thương bán quần áo ở đây cho biết: “Hai năm rồi bây giờ mới thấy chợ đông lại như ngày trước dịch. Dù chưa hồi lại như trước nhưng gần đây việc buôn bán cũng đã đắt hàng hơn. Hy vọng từ nay về sau vẫn duy trì được như hiện tại”.
Hàng hoá đa dạng bày tràn lan xuống đường.
Đặc sản “hàng đồng giá 50k”; “không mặc cả” ở chợ Nhà Xanh.
Cũng theo chị Thương, từ sau dịch, thói quen mua sắm của người dân đã có nhiều thay đổi, việc mua sắm online trở nên phổ biến hơn khiến những tiểu thương bán hàng truyền thống như chị bị mất khách.
Trong 2 năm dịch, nhiều tiểu thương ở chợ Xanh đã phải tìm mọi cách để xoay sở. Một số người đã chuyển sang bán online để duy trì việc kinh doanh, nhưng cũng có người đã “bỏ xới” dù bán hàng ở đây hơn 10 năm. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại các ki-ot bán hàng thuộc khu chợ Xanh đều kín chỗ.
Trước đó, vào tháng 7/2021 nhiều người không nhận ra được diện mạo khác lạ của chợ Xanh: toàn bộ ki-ot bán hàng ở chợ đóng cửa im lìm, đường phố vắng bóng người qua lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bạn Thanh Huyền (20 tuổi, sinh viên) chia sẻ: “Việc mua sắm online giờ khá phổ biến và tiện lợi, nhưng thời gian gần đây hàng hoá liên tục bị tắc biên, để mua một món đồ có khi phải chờ đợi cả tháng nên khi vừa xuống Hà Nội để đi học em qua đây để mua sắm luôn. Hàng hoá đa dạng, giá rẻ nhưng không được thử đồ và cũng phải biết mặc cả”.
Theo Châu Dương (Dân Việt)