Cụ thể, tại báo cáo soát xét, các chỉ tiêu từ doanh thu đến chi phí tài chính đều không thay đổi so báo cáo tự lập. Trong đó doanh thu thuần 6 tháng ở mức 4.098 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 1.946 tỷ đồng.
Tuy nhiên, biến động từ khoản mục lỗ liên doanh liên kết, nếu như báo cáo tự lập chỉ âm gần 50 tỷ thì sau soát xét con số lỗ tăng vọt lên 233 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 681 tỷ của báo cáo tự lập lên 751 tỷ đồng, tức tăng 10%.
Do đó, VNG lỗ thuần 185 tỷ đồng ở báo cáo soát xét, trong khi báo cáo tự lập vẫn có lãi thuần 68 tỷ đồng.
Sau khi trừ thuế và các chi phí khác, VNG lỗ ròng gần 194 tỷ đồng sau soát xét, trong khi ở báo cáo tự lập vẫn có lãi ròng gần 60 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của VNG tăng nhẹ 4,6% so đầu năm, lên mức 9.316 tỷ đồng. Trong đó, khoản mục đầu tư tài chính dài hạn giảm xuống mức 1.274 tỷ đồng (phải dự phòng hơn 49 tỷ đồng). VNG lỗ từ liên doanh liên kết 233 tỷ đồng, trong đó nặng nhất từ Telio với gần 202 tỷ đồng.
Được biết, Telio được thành lập năm 2019 tại Singapore với hoạt động chính là đầu tư. Hiện VNG đang nắm 16,67% vốn tại Telio tại thời điểm cuối tháng 6/2023. Đáng nói, Telio vừa hoàn tất phát hành thêm công cụ tài chính nhằm tăng vốn tuy nhiên VNG không tham gia quá trình này. Theo thỏa thuận cổ đông, VNG có quyền chỉ định 1/6 thành viên HĐQT của Telio kèm các quyền khác, nên có ảnh hưởng đáng kể mặc dù có tỷ lệ sở hữu ít hơn 20%.
Kỳ này, VNG cũng tăng mạnh vay nợ tài chính gần 1.200 tỷ.
Cổ phiếu VNZ cũng vừa bị Sở GDCK Hà Nội đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/10 do công ty chậm nộp báo cáo tài chính bán niên soát xét quá 45 ngày quy định.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/10, cổ phiếu VNZ đỏ điểm tại mức 802.000 đồng/cp, ghi nhận mức giảm hơn 7% trong vòng 1 tháng qua.
Minh An