“Ngu gì” mà không làm thép!
Một doanh nghiệp đã tự tin tuyên bố khi nói về sản xuất thép ở Việt Nam “ngu gì mà không làm thép” khi giá điện đang rẻ như hiện nay.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện giá điện của Việt Nam đang rất rẻ, dùng ở mức trung bình thì chưa tới 2.000 đồng/kWh. Tuy nhiên, nếu giá bán điện cho thép lên 14 -15 cent/kWh thì “đố dám” ồ ạt làm thép.
|
Giá điện chưa bằng một cốc trà đá “ngu gì” không làm thép (ảnh IT) |
Trước đó, sau những phản ứng của các chuyên gia về dự thảo Quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2035, Bộ Công Thương đã quyết định thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài để xây dựng lại Quy hoạch từ đầu.
Theo dự thảo của bộ này công bố, nhà máy xây dựng riêng trong giai đoạn 2015-2020 tại khu vực miền núi phía Bắc sẽ có 7 dự án nhà máy. Vùng Đồng bằng sông Hồng có 4 nhà máy; Vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung có 8 nhà máy và Vùng Đông Nam Bộ sẽ có 3 nhà máy. Các dự án cũng sẽ bao gồm việc đầu tư phát triển giai đoạn 2, 3 của các Liên hợp thép Vũng Áng Formosa, thép Quảng Ngãi…Tổng công suất thiết kế của các nhà máy mới và đầu tư mở rộng đạt 56,1 triệu tấn gang xốp, 30,5 triệu tấn phôi thép vuông và 30,5 triệu tấn phôi thép dẹt.
Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), ngành điện phải bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm. Sản lượng điện toàn hệ thống cũng được xác định vào khoảng 265-278 tỷ kWh vào năm 2020; năm 2025 khoảng 400-431 tỷ kWh và năm 2030 khoảng 572-632 tỷ kWh…
Để đáp ứng nhu cầu này, từ nay đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện phải đạt khoảng 60.000 MW. Năm 2030 phải đạt khoảng 129.500 MW. Nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện nếu vào đúng quy hoạch cần tới 64,1 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 131,1 triệu tấn vào năm 2030.
Tuy nhiên, tính đến hết năm 2016, tổng công suất nguồn điện cả nước mới đạt trên 42.000 MW. Như vậy, từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm phải đưa vào vận hành gần 5.000 MW; giai đoạn từ 2020-2030, mỗi năm cần xây dựng mới trên 6.000 MW nguồn điện.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006 -2010 và khoảng 11% trong 5 năm gần đây dự kiến trong thời gian tới nhu cầu sẽ tăng trên dưới 10%.
“Việt Nam đang phải đổi mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng khi nhu cầu năng lượng tăng cao trong bối cảnh nhu cầu cũng như các ràng buộc môi trường ngày càng chặt chẽ đã gây áp lực rất lớn cho việc đảm bảo an ninh năng lượng. Từ một nước xuất khẩu năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng”, ông Vượng cảnh báo.
|
Thủ tướng yêu cầu tạm dừng đề xuất dự án thép Cà Ná (ảnh IT) |
Mỗi năm cần 7,9 tỷ USD phát triển điện
Nói về giá điện hiện nay ở nước ta, các chuyên gia cho rằng đang ở tình thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi nếu tăng giá điện quá cao sẽ dẫn tới cả xã hội phản ứng rất mạnh, do các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng theo, cùng với đó, nền kinh tế đất nước cũng bị ảnh hưởng vì lạm phát tăng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, không tăng giá điện thì lại không thu hút được đầu tư.
Trước đó, vào cuối tháng 3, trao đổi với Dân Việt ngày 24.3, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, do giá than đã tăng nên phương án tính giá điện trước đây đã “lạc hậu”, cần kiến nghị Bộ Công Thương “đàm phán” lại với ngành than trước khi trình kịch bản giá điện của năm 2017.
Ông Franz Genner - Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, theo dự toán, mỗi năm Việt Nam cần 7,9 tỷ USD để truyền tải và phát điện. Với giá điện hiện nay, việc thu hút được 70% nguồn vốn từ tư nhân như dự kiến cũng vô cùng khó khăn.
Phân tích về vấn đề này, ông Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, Viện hàn lâm khoa học Công nghệ Việt Nam cho rằng: Chúng ta lo sợ nếu tăng giá điện thì người dân và nền kinh tế không chịu được, nhưng thực ra đã có chiến lược rất rõ, giá điện cho người nghèo và người dân tiêu dùng bình thường vẫn có những chính sách ưu tiên riêng. Chỉ với các nhà sản xuất sẽ phải thay đổi lại tư duy để tiếp cận và đưa ngành điện về cơ chế thị trường, không thể điều tiết ngành này theo hình thức phi thị trường.
PGS. TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Tôi cho rằng, một trong những vất vả của Việt Nam là ra sức làm việc để thỏa mãn nhu cầu. Cách làm này sẽ dẫn đến năng lượng của Việt Nam luôn thiếu hụt vì cứ mải miết đuổi theo nhu cầu thì nguồn cung càng thiếu”. Theo ông Thiên, giá điện thấp kích thích tiêu thụ điện nhưng không kích thích sản xuất điện. Chính vì vậy, theo ông, giá điện phải làm sao khuyến khích được cả tiêu dùng và sản xuất, không thể cứ theo một chiều mãi như hiện nay.
Còn ông Ngô Đông Hải - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, bài học của rất nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc đầu tư phát triển các nguồn năng lượng không chỉ đến từ một nguồn ngân sách quốc gia. Nếu chúng ta triển khai các cơ chế chính sách một cách đầy đủ, đúng đắn, thị trường năng lượng phát triển một cách đồng bộ, chắc chắn chúng ta sẽ thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư không chỉ trong nước và quốc tế để cùng nhau giải quyết bài toán phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng.
“Để giải quyết nguồn đầu tư, chính là chúng ta phải phát triển thị trường năng lượng. Do đó, muốn huy động được nguồn vốn đầu tư cho ngành điện, chúng ta phải có chiến lược phát triển một cách rõ ràng, phù hợp.”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo Phi Long/Dân Việt