Dưới mác họa mi rừng bẫy được, không ít dân chơi chim bị lái chim ở đây móc hầu bao…
Chim họa mi Tàu… “đội lốt” chim ta
7h sáng, khi quang cảnh núi rừng còn chìm trong sương mù, chúng tôi đã có mặt tại chợ chim Bắc Hà, phiên chợ độc nhất vô nhị họp vào Chủ nhật hàng tuần, với khách hàng hầu hết chỉ là cánh mày râu.
Mới sáng sớm, nhưng khung cảnh của phiên chợ rất nhộn nhịp, người ra vào cười nói rôm rả. Hành trang của họ cũng rất gọn nhẹ, trên tay mỗi người xách một vài lồng chim với những chú chim họa mi thánh thót.
Người tham gia phiên chợ đủ lứa tuổi, thành phần. Có những cụ già người Mông từ Dìn Chin, Mường Khương xuống, cũng có những người từ Si Ma Cai, rồi Hà Nội lên… tất cả hòa quyện làm nên phiên chợ chim đặc sắc ở Việt Nam.
Đến với chợ chim Bắc Hà, ngoài việc thưởng thức, bình phẩm tiếng hót của những chú chim họa mi thì người chơi chim đều muốn sở hữu một chú họa mi rừng ưng ý.
Tuy nhiên, trái ngược với lời quảng cáo, mời chào của người bán, rằng đây đều là họa mi rừng bẫy được, trên thực tế, không ít họa mi ở đây đều là được nuôi, sinh đẻ theo hình thức công nghiệp ở Trung Quốc được một số lái chim nhập về bán.
|
Nhiều chim họa mi Trung Quốc ở chợ Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) được gắn mác họa mi rừng. |
Trong vai một tiểu thương mới vào nghề cần mối để nhập chim họa mi xuống Hà Nội bán, chúng tôi được lái chim Vàng Văn Tuấn, người có thâm niên hơn 20 năm bán chim họa mi ở Bắc Hà cho biết, thực chất họa mi ở chợ Bắc Hà đều là họa mi Trung Quốc được nuôi theo hình thức công nghiệp và được gán mác họa mi rừng cho dễ bán.
Theo Tuấn, mùa sinh sản, đẻ trứng của họa mi là tháng 4, tháng 5 Âm lịch, mỗi lứa họa mi chỉ đẻ 3 - 4 trứng, do đó nếu nói hàng trăm con chim họa mi tham gia giao dịch ở chợ Bắc Hà vào chủ nhật hàng tuần là mi rừng bẫy được là không có cơ sở.
Bởi hiện nay, số lượng chim họa mi rừng bẫy được cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, để bẫy được một chú họa mi rừng, người bẫy chim có khi phải lăn lội cả tháng trời trong rừng sâu, khe hẻo lánh…
“Chợ chim Bắc Hà chỉ họp từ 7h sáng đến 3h chiều ngày Chủ nhật hàng tuần, trước đó, để có chim bán trong phiên chợ, hàng tuần các lái chim đều qua cửa khẩu mốc 5 ở Hà Giang để nhập chim về.
Tại đây, họa mi chủ yếu là 2 – 3 tháng tuổi, vì là chim ấp nở theo hình thức công nghiệp nên giá chim cũng khá rẻ, chúng chỉ khoảng từ 300.000 đến dưới 1.000.000 đồng/1 con.
Tuy nhiên, về đến chợ chim Bắc Hà, những chú chim này được hét giá lên đến hàng triệu đồng, đặc biệt gặp những khách sộp là người thành phố, lại ít hiểu về chim, lái chim có thể hét giá trên trời…”, Tuấn cho biết thêm.
Thực tế, họa mi rừng thường có giọng hót hay và thiện chiến hơn họa mi nuôi. Họa mi Việt sức chiến đấu rất dẻo dai, tính trung bình, một chú họa mi Việt có thể chọi 3 – 4 trận, thế nhưng họa mi Trung Quốc chỉ chọi được 1 – 2 trận.
Để chọn được một chú họa mi Việt hót hay, thiện chiến, người mua nên dựa vào màu lông và ria mép. Nếu là chim họa mi Việt thì lông sẽ có màu vàng xanh, ria mép có màu trắng, còn họa mi Trung Quốc lông sẽ có màu vàng đen, ria mép sẽ có màu đen.
Khó nhất đối với người chơi chim họa mi là làm thế nào để phân biệt giữa họa mi trống và họa mi cái, bởi chúng giống nhau như hai giọt nước.
Tuy nhiên, người mua có thể quan sát những sợi râu đen như râu mèo của chúng, nếu là trống thì những sợi râu này mọc xuôi theo chiều mỏ, còn chim mái thì mọc ngang…
Và nhiều khách chơi chim bị lừa
Trực tiếp đưa chúng tôi “mục sở thị” chợ chim độc nhất vô nhị ở Bắc Hà, Tuấn chỉ cho chúng tôi thấy cảnh không ít người dân móc hầu bao mua họa mi Trung Quốc mà cứ ngỡ là mình mua được họa mi tự nhiên, bẫy được ở rừng với giá hàng triệu đồng.
Cầm trên tay chiếc lồng chim với chú họa mi nhỏ vừa mua, anh Sùng A Củi, người dân huyện Bắc Hà, cho hay: Tuần trước anh vừa mua một chú họa mi 2 tháng tuổi với giá 1.000.000 đồng, cứ ngỡ là mua được họa mi rừng, thế nhưng khi về đến nhà, anh được bạn bè – những người sành chơi họa mi cho biết đó là họa mi Trung Quốc, được sinh đẻ theo hình thức ấp trứng công nghiệp.
Đã cảnh giác hơn, nhưng mua chim lần này, Củi vẫn không chắc chắn được đó là họa mi rừng hay họa mi Trung Quốc.
Là một trong những người đam mê nuôi chim họa mi, nhưng Giang, một trong những tay chơi họa mi có tiếng ở Hà Nội cho hay, dù đã có kinh nghiệm nuôi rất nhiều chim họa mi, nhưng tháng trước anh vẫn “săn” nhầm phải họa mi Trung Quốc, bỏ ra hàng đống tiền nhưng khi mang về nuôi, họa mi Trung Quốc không quen thức ăn nên chỉ sau 10 ngày, chú chim này đã bị chết.
Lần này, anh quyết định dành 2 tháng “ăn trực, nằm chờ” ở Lào Cai, quyết “săn” bằng được hoa mi rừng mang về nuôi…
Cùng đam mê nuôi chim họa mi như anh Giang, anh Nguyễn Văn Nam, một du khách ở Phú Thọ, cho biết, đây là lần thứ 5 anh lên chợ Bắc Hà để “săn” họa mi rừng, thế nhưng vẫn phải tay không đi về, bởi chưa gặp hoa mi rừng và anh biết chợ chim Bắc Hà pha trộn rất nhiều họa mi Trung Quốc…
Theo Báo Đầu tư