Những ngày này, bà con nông dân các huyện đều đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Đây cũng là dịp để những người chuyên đi săn bắt châu chấu - người dân địa phương còn gọi là "tôm bay" kiếm thêm thu nhập.
|
Một số người dân ra đồng săn châu chấu ở Quỳnh Lưu. Ảnh: Việt Hùng |
Có mặt tại cánh đồng lúa xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu), nhiều nhóm người đang tìm cách “bày trận” giăng bẫy tôm bay. Anh Nguyễn Văn Hưng ở xã Quỳnh Tam cho biết, để săn được nhiều "tôm bay" đòi hỏi phải am hiểu địa hình. Khi giăng bẫy phải tìm những đồng lúa chưa gặt, khi đó "tôm bay" mới nhiều. Công việc này đòi hỏi phải có 3 - 4 người cùng tham gia.
Theo quan sát của chúng tôi, khác với cách gắn 2 chiếc vợt chao trên xe máy rồi đi trên bờ ruộng để săn "tôm bay" thì hiện nay, nhiều người đã chuyển đổi sang cách đánh mới có hiệu quả hơn. Đó là mỗi người đều sắm cho mình một bộ lưới rồi giăng thành khung trên đồng để đánh bắt với chi phí khoảng 2 triệu đồng. Bộ đồ nghề này có thể dùng được khoảng 5 năm mới hỏng.
Theo chia sẻ của người dân, bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10 dương lịch là lúc "tôm bay" sinh trưởng mạnh, chúng thường bay về trú ẩn trên cây lúa để tìm thức ăn.
Để săn bắt chúng, một tốp nhỏ khoảng 3 - 4 người sẽ dùng lưới giăng thành khung giống khung “cầu môn” dài hàng chục mét trên ruộng. Sau đó, có 2 người dùng dây thừng đứng ở 2 bên bờ lúa xua đuổi tôm bay vào vị trí đã giăng bẫy. Khoảng 30 phút sau, khi "tôm bay" chui vào bẫy, người dân nhanh chóng gập tấm lưới lại, không cho chúng bay ra ngoài. Với cách đánh này, mỗi lần thu gom, người dân thu được khoảng 15 - 20 kg.
Được biết, sau khi săn được "tôm bay", người dân nhập cho các thương lái và các đầu mối với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có khoảng 50 người chuyên đi săn bắt tôm bay. Vào vụ lúa, "tôm bay" thường xuyên phá hoại, do đó, việc săn bắt "tôm bay" sẽ góp phần bảo vệ mùa màng, đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân.
|
"Tôm bay" là đặc sản đối với nhiều quán ăn hiện nay. Ảnh: Việt Hùng |
Những năm trở lại đây, loài côn trùng này trở thành đặc sản của đồng quê xứ Việt. Món ăn hấp dẫn này hiện đã có mặt trong nhà hàng, khách sạn nhằm phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách hàng, vì thế giá thu mua "tôm bay" ngày càng cao.
Theo Việt Hùng /Báo Nghệ An