Như Kiến Thức đã phản ánh ở loạt bài trước, hàng trăm người dân xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) vẫn đang phải sống khốn khổ vì mùi phân gà hôi thối, ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước do Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát - Tập đoàn Hòa Phát gây ra.
Đáng nói, trước đó tháng 11/2018, Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát từng bị Công an tỉnh Phú Thọ xử phạt số tiền 70 triệu đồng vì thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Mới đây nhất, ngày 5/11/2019, UBND tỉnh Phú Thọ tiếp tục đã ban hành Quyết định số 2856/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát số tiền 442,5 triệu đồng.
UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát Phú Thọ đã thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; thải chất thải rắn công nghiệp thông thường (phân gà) trái quy định về bảo vệ môi trường từ 60.000kg đến dưới 80.00kg…
|
Dù mới vào hoạt động từ năm 2018, nhưng khu trang trại của Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát Phú Thọ tại xã Đồng Lương liên tục gây nên sự bức xúc cho người dân địa phương vì xả thải "bức tử" môi trường. |
Việc Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát sai phạm, bị phạt, vẫn tái phạm khiến dư luận đặt dấu hỏi: Phải chăng doanh nghiệp này đang hoạt động theo kiểu bất chấp, coi thường pháp luật để trục lợi?.
Không phải cứ xử phạt là xong?
Liên quan đến sự việc Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát liên tục xả thải gây ô nhiễm môi trường, trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, vấn đề xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
Luật sư Cường cho biết: Theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ngoài việc bị áp dụng các hình thức xử phạt hành chính thì có thể bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt bổ sung là: Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; Giấy phép xả thải khí thải công nghiệp; Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm; Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam;
Tước giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường;… hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
|
Trước đó, những hình ảnh về các hố chứa chất thải bên trong khu trại gà của Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát Phú Thọ "lộ thiên" như thế này rất dễ bắt gặp. |
|
Hình ảnh nước hồ Ngả 2 bị biến đổi màu, cá chết nổi trắng do chất thải của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ xả gây ô nhiễm trước đó. |
Ngoài các hình thức xử phạt quy định nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra; buộc trồng lại, chăm sóc và bảo vệ diện tích khu bảo tồn đã bị phá hủy, phục hồi sinh cảnh ban đầu cho các loài sinh vật…
Buộc tháo dỡ hoặc di dời cây trồng, công trình, phần công trình xây dựng trái quy định về bảo vệ môi trường; Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định;…
Như vậy, căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên và các quy định khác trong Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ mà chính quyền địa phương có thể áp dụng hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
|
Biên bản kiểm tra hiện trường cá ở hồ Ngả 2 bị chết vào ngày 15/10/2019. Nguyên nhân xác định là do Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát vỡ bể sinh học chảy tràn ra phạm vi hồ Ngả 2. |
Mời độc giả cùng xem video: Người dân ở xã Đồng Lương phải mắc màn ăn cơm vì ruồi bâu quanh nhà quá nhiều do ảnh hưởng từ phân gà của Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát.
Có thể xử lý hình sự?
Theo luật sư Đặng Văn Cường: Trong trường hợp tổ chức cố tình không thực hiện thì có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thực hiện theo quy định pháp luật.
|
Trước đó, người dân quá bức xúc nên đã tập trung nhau đến trước cửa Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát yêu cầu doanh nghiệp đối thoại, khắc phục việc gây ô nhiễm môi trường. |
|
Sự bức xúc của người dân địa phương đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát đã lên đỉnh điểm. |
Trường hợp, hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì có thể xử lý hình sự đối với cá nhân có liên quan và đối với pháp nhân này theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 235 của Tội gây ô nhiễm môi trường, như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam;
b) Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;
c) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 lần đến dưới 04 lần;
d) Xả ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;
đ) Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;
e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000 kilôgam đến dưới 500.000 kilogam;
g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
h) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 02 lần đến dưới 04 lần.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật 5.000 kilogam trở lên;
b) Xả thải ra môi trường 10.000 mét khối (m3)/ngày trở lên nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;
c) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật 04 lần trở lên;
d) Xả ra môi trường 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải trở lên có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;
đ) Thải ra môi trường 500.000 mét khối (m3)/giờ trở lên bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;
e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật 500.000 kilogam trở lên;
g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trên trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
h) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định 04 lần trở lên.
3. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam;
b) Chuyển giao, cho, mua, bán chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy thuộc danh mục cấm sử dụng trái quy định của pháp luật từ 2.000 kilôgam trở lên;
c) Xả thải ra môi trường từ 1.000 mét khối (m3)/ngày đến 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 05 lần đến dưới 10 lần;
d) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 01 lần đến dưới 02 lần;
đ) Xả ra môi trường từ 1.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày trở nước thải lên thuộc một trong các trường hợp nước có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;
e) Thải ra môi trường từ 150.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 300.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;
g) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 100.000 kilogam đến 200.000 kilogam;
h) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về antoàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
i) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 01 lần đến dưới 02 lần.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đến 10.000.0000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
*Kiến Thức tiếp tục thông tin liên quan đến vụ việc
Bảo Ngân