"Sặc mùi"...quảng cáo cho VPBank trong phim “Tình khúc bạch dương“

Google News

(Kiến Thức) - "Đang xem đến đoạn gay cấn thì hàng loạt hình ảnh quảng cáo cho VPbank bắt đầu "xổ" ra khiến tôi không biết đang coi phim hay quảng cáo ngân hàng nữa", một khán giản của bộ phim "Tình khúc bạch dương" bức xúc.

Không chỉ bị khán giả phản ứng vì quảng cáo "thô thiển" cho một dự án bất động sản, bộ phim “Tình khúc Bạch Dương” còn khiến người xem chán nản khi đầy rẫy hình ảnh quảng cáo cho Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được "cài cắm" lộ liễu.
Đáng nói, trong bộ phim này, không chỉ hình ảnh, tên riêng ngân hàng VPBank được xuất hiện chi tiết mà lời thoại cũng "sặc mùi" PR, quảng cáo.
Cụ thể, trong tập 16, ở đoạn 1’50 – 2’50 phim có tình huống nhân vật Quang (Lê Vũ Long thủ vai) đề nghị cậu con trai tên Linh (Bình An thủ vai) đưa ra ngân hàng để chuyển số tiền trong tài khoản mà lâu rồi ông không sử dụng sang cho cậu con trai, để cậu con trai làm giúp sổ tiết kiệm.
Thấy vậy, Linh gợi ý bố sử dụng interbanking của ngân hàng VPbank. Ngay lập tức, cậu mở điện thoại hướng dẫn bố những bước cụ thể, thành thục như một nhân viên của ngân hàng. 
Nhân vật Linh nói: “Bây giờ bố chỉ cần vào trang chủ của VPbank, sau đó đăng ký, rồi đăng nhập, vào phần tiết kiệm này, chọn số tiền gửi này, chọn thời gian gửi. Nếu như mà hết thời gian đấy thì bố có thể đáo hạn hoặc tất toán. Còn không thì bố để một thời gian sau gửi cũng không sao, như thế đỡ phải đi lại nhiều”.
Bất cứ khán giả nào khi xem đoạn phim nay cũng có thể nhận ra tình huống "mang mùi PR" rõ rệt, không liên quan gì đến nội dung của tập phim. Hơn nữa, diễn xuất của các diễn viên cũng khá "gượng", y chang học thuộc lòng.
 
 Nhân vật Linh gợi ý bố sử dụng interbanking trong bộ phim. Ảnh chụp màn hình.
Không dừng lại ở đó, trong tập 17, đoạn 39’38 - 42'00, phim tiếp tục quảng cáo lộ liễu hơn nữa cho ngân hàng VPbank bằng cách nhắc đi nhắc lại tên ngân hàng VPbank nhiều lần, trong một hoàn cảnh không ăn nhập với nội dung của bộ phim. Một số chi tiết được đưa vào khá thô, khiến mạch phim lê thê, gượng ép.
Cụ thể, nhân vật Quyên (Thanh Mai thủ vai) không thể ra sân bay từ sớm để tiễn con trai đi du học vì có một cuộc gặp đối tác quan trọng. Đối tác này chính là Chủ tịch của ngân hàng VPbank – ngân hàng được nêu tên nhiều lần trong phim do NSƯT Đức Hùng thủ vai.
Cuộc gặp quan trọng của nhân vật Quyên. Ảnh: chụp màn hình. 
Đáng nói, cuộc gặp gần như không bàn chuyện gì quan trọng mà hầu hết nội dung cuộc nói chuyện giữa hai bên chủ yếu là những lời có cánh dành cho ngân hàng VPbank - những lời thoại “đặc sệt” chất PR và mang tính định hướng khá rõ. Thậm chí, còn dùng cách "chê" những ngân hàng khác nói chung.
"Thực ra thì ai cũng hiểu như vậy, nhưng mấy ai làm được như ngân hàng bên anh đâu. Mỗi khi chúng tôi cần vay vốn, ngân hàng hết sức là tạo điều kiện rất thuận lợi. Chứ còn làm việc với những ngân hàng khác, thủ tục lằng nhằng, phiền lắm", nhân vật Quyên nói với ông Chủ tịch của ngân hàng VPbank.
Sau khi kết thúc cuộc gặp với ông Chủ tịch ngân hàng VPbank, lúc xuống dưới sảnh tòa nhà, nhân vật Quyên và sếp của mình cũng không tiếc lời ca thán:
Quyên nói: "Mấy năm nay, VPbank có rất nhiều chính sách thông toán giúp đỡ cho doanh nghiệp rất nhiều anh ạ".
Sếp Quyên đáp: "May mắn là ngay từ đầu đã chọn đối tác phù hợp và đáng tin cậy cho nên bây giờ, mọi việc cứ tuần tự mà tiến thôi".
Quyên: "Dạ em cũng đang tiến hành việc mở L/C (Thư tín dụng Letter of Credit - PV) vì đã có ngân hàng giúp đỡ và hỗ trợ".
Sếp Quyên đáp: "Có được đối tác tốt, có được trợ thủ đắc lực như em hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp".
Và cũng như tình huống trên này cũng không hề ăn nhập hay có sự liên quan đến nội dung của tập phim.
Quyên và sếp không tiếc lời vàng ngọc để quảng bá cho ngân hàng VPbank. Ảnh: chụp màn hình. 
 Kèm theo đó là hình ảnh thương hiệu của ngân hàng này được quay rõ nét. Ảnh: chụp màn hình. 
"Đang gay cấn với câu chuyện Tình khúc Bạch Dương sau gần 30 năm chứa đựng nhiều kịch tính. Các nhân vật liên tục bị rơi vào những khúc mắc khó xử. Nội dung phim đang dần bật mí lý do Quang và Quyên đến với nhau, trong khi Vân và Hùng lại thành vợ chồng tại Nga thì đùng một cái, hàng loạt hình ảnh quảng cáo cho VPbank cứ thể "nhảy xổ" vào tâm trí của khán giả.
Xem những hình ảnh đó, tôi không biết đang coi phim hay quảng cáo ngân hàng thường thấy trên tivi nữa. Quả thật, đây là một cực hình cho những ai thích xem bộ phim này. Và cũng thật tiếc cho một tác phẩm hay liên tục bị ngắt quãng, giảm hẳn sự lôi cuốn và thú vị", một khán giả đã bức xúc nói ngay sau khi tập 16, 17 bộ phim kết thúc.
"Câu chuyện về tình mới, tình cũ của một thời đầy đam mê cháy bỏng... đáng lẽ sẽ được đón nhận nồng nhiệt hơn nếu không có sự xuất hiện khiên cưỡng, vô duyên và phi lý của những phân đoạn quảng cáo về sản phẩm VPbank chẳng có tí ăn nhập nào đến nội dung phim", chị Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đánh giá.
Nhiều khán giả đặt câu hỏi: “Phải chăng ngân hàng này là đơn vị tài trợ khiến bộ phim phải quảng cáo nhiều như vậy, hết cảnh này đến cảnh khác, hết tập này đến tập khác?".
Bảo Ngọc