|
Sabeco không đồng tình với việc Cục Thuế ra văn bản cưỡng chế hơn 3.000 tỷ đống tiền thuế |
Văn bản nêu rõ quan điểm Sabeco không đồng ý với việc cưỡng chế thi hành của Cục Thuế TPHCM.
Trước đó, vào ngày 28/12/2018, Sabeco nhận được 5 quyết định của Cục Thuế TPHCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco để thi hành Thông báo số 20080/TB-CT ngày 24/12/2018 của Cục Thuế TPHCM.
Theo Cục Thuế TPHCM, đây là việc cưỡng chế liên quan đến số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền chậm nộp của Sabeco.
Cục Thuế TPHCM đã ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích từ tài khoản ngân hàng của Sabeco số tiền thuế và phạt nộp thuế chậm trả là hơn 3.140 tỉ đồng.
Cụ thể, số tiền cưỡng chế gồm tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trong quá trình thanh tra từ năm 2010 đến 2014 và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế của Sabeco; trong đó, số chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007- 2015 là hơn 2.645 tỉ đồng, còn tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 494 tỉ đồng.
Về vấn đề này, ông Neo Gim Siong Bennett - Tổng giám đốc Sabeco - cho rằng Sabeco luôn rõ ràng và nhất quán kể từ năm 2015 khi Kiểm toán Nhà nước ban hành hai kết luận. Thứ nhất, Sabeco không có bất kỳ hành vi sai phạm nào trong việc kê khai, tính và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Thứ hai, Sabeco đã luôn thực hiện đúng hướng dẫn bằng văn bản của Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế và Cục Thuế TPHCM trong những năm qua về vấn đề này.
Đặc biệt, sau khi Kiểm toán Nhà nước ban hành kết luận kiểm toán khác với các hướng dẫn trước đây (của Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế và Cục Thuế TPHCM), Sabeco đã gửi nhiều văn bản giải trình, kiến nghị đến Kiểm toán Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ về việc tuân thủ pháp luật thuế theo đúng hướng dẫn và các căn cứ pháp luật mà Sabeco thấy chưa được cân nhắc thỏa đáng khi kết luận kiểm toán.
Theo Sabeco, trong khi chưa có kết luận của Thủ tướng Chính phủ và chưa có bất kỳ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Sabeco, Sabeco không đồng ý với việc cưỡng chế thi hành của Cục Thuế TPHCM.
Phản hồi về việc Sabeco phản ứng bị cưỡng chế thuế, ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế TP.HCM), cho biết Cục Thuế áp dụng biện pháp thu hồi nợ thuế theo Quyết định 1914 của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). Đối với trường hợp Sabeco, Cục Thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp các doanh nghiệp nợ thuế từ 91 ngày trở lên. Cơ quan thuế sẽ cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với toàn bộ doanh nghiệp có tiền nợ thuộc diện này. Trường hợp nếu doanh nghiệp nợ thuế quá 121 ngày, cơ quan thuế cũng sẽ ban hành quyết định cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Sau khi hết thời hạn của quyết định cưỡng chế hóa đơn (một năm), nếu doanh nghiệp chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ, cơ quan thuế sẽ tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế. Bên cạnh đó, biện pháp “bêu tên”, công khai thông tin người nợ thuế sẽ tiếp tục được áp dụng với các trường hợp đã thực hiện cưỡng chế định kỳ hằng tháng.
Một lãnh đạo của Cục thuế TPHCM cho biết thêm, quyết định của Cục Thuế TP HCM tuân thủ đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Tổng cục Thuế… giai đoạn 2015 trở về trước đối với Sabeco. Đã có các biên bản thanh tra, kết luận của các cơ quan nhà nước xác định hành vi vi phạm của Sabeco. Trong đó, cũng đã chỉ rõ số tiền chậm nộp, ngày tháng phải nộp.
Do vậy, Cục Thuế TP chỉ ra văn bản thông báo yêu cầu nộp căn cứ theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Về số tiền chậm nộp thuế và tiền nộp vi phạm hành chính của Sabeco theo kết luận của Thanh tra Chính phủ là hơn 3.140 tỉ đồng. Số tiền này là tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trong quá trình thanh tra từ năm 2010 đến 2014 và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế của doanh nghiệp này.
Theo Bảo Chương/Lao Động