Liên quan sự việc này, ông Trần Thế Tùng - Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Thế - cho biết thêm, sau khi có sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, huyện đã thành lập tổ rà soát, giao Công an huyện lập hồ sơ vụ án.
“Công an huyện đang mời chuyên gia gỗ về giám định. Trong quá trình điều tra, nếu đủ điều kiện, cơ quan công an sẽ xem xét khởi tố vụ án”, ông Tùng thông tin.
Công ty Trường Lộc nói gì?
Làm việc với PV, ông Ngô Xuân Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Trường Lộc - thừa nhận, đầu năm 2023, khu vực rừng tự nhiên ở xã Canh Nậu, do công ty quản lý, xảy ra 3 vụ phá rừng. Trong đó, một vụ bị Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế xử phạt hành chính 20 triệu đồng. Đối với hai vụ còn lại, ông Trường khẳng định, Công ty Trường Lộc không phá rừng, cũng không cắt cây gỗ tự nhiên.
Theo ông Trường, công ty có sai sót trong quá trình quản lý khi để xảy ra việc rừng tự nhiên bị phá và đã nghiêm túc kiểm điểm đội ngũ lãnh đạo, cán bộ. Tuy nhiên, ông không đồng tình với nguyên nhân để xảy ra những vụ phá rừng tự nhiên mà Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế nêu trong văn bản số 132, cho rằng: “Công ty Trường Lộc yếu kém về năng lực quản lý, năng lực tài chính, năng lực sản xuất...".
Ông Trường lý giải, khi được UBND tỉnh Bắc Giang giao cho thuê 1.394,9 ha đất trên địa bàn huyện Yên Thế, theo quyết định 254/QĐ-UBND ngày 13/7/2011, Công ty Trường Lộc rất vất vả cùng các cơ quan chức năng vận động, thu hồi đất rừng từ phía người dân, cử lực lượng bảo vệ khu vực được bàn giao.
Giai đoạn đầu năm 2015, công ty mở một con đường để người dân đi lại. Cũng từ thời điểm này, những vụ cháy rừng liên tục xảy ra, vì nhiều người lấy cớ vào rừng bắt ong, hái măng... để phát, phá rừng tự nhiên.
Sau đó, công ty báo cáo chính quyền để xây dựng trạm barie trên đường vào khu Nhoan, cử người trông coi 24/24, với mục đích kiểm soát, hạn chế người vào rừng, đồng thời kiểm soát ô tô, công nông vào rừng chở keo, bạch đàn. Tuy nhiên, đến ngày 2/3, người dân kéo đến phản đối, đòi phá barie để tự do ra, vào rừng.
Ông Ngô Xuân Trường cho rằng, trong công tác bảo vệ rừng tự nhiên, Công ty Trường Lộc có phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, luôn đi cùng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế và có báo cáo tất cả sự việc xảy ra với Hạt Kiểm lâm. Công ty Trường Lộc không buông lỏng quản lý rừng…
Những vi phạm của Công ty Trường Lộc được nêu trong báo cáo của UBND huyện Yên Thế.
Báo cáo số 182/BC-UBND ngày 18/4 của UBND huyện Yên Thế cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, địa bàn xã Canh Nậu xảy ra 3 vụ phá rừng (ngày 8/2, 6/3, 17/3).
Vụ vi phạm thứ nhất: Công ty Trường Lộc ký hợp đồng khoán cho hộ ông N.V.T. phát dọn để trồng rừng. Tổng diện tích Công ty Trường Lộc tổ chức phát dọn để trồng rừng là 4,69 ha. Diện tích công ty phát vào rừng tự nhiên là 0,89 ha tại các lô 12a, 13a, 16, 16c, 25, 27 khoảnh 1, khu rừng Nhoan, bản Chay (xã Canh Nậu) (hiện trạng rừng bị chặt phá là rừng tự nhiên khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng, thuộc loại rừng sản xuất).
Hành vi này ngay lập tức được người dân thông báo tới chính quyền địa phương. Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế sau đó lập hồ sơ, xử lý vi phạm hành chính số tiền 20 triệu đồng đối với ông T.
Vụ vi phạm thứ hai: Tại lô 14, khoảnh 2, bản Chay (xã Canh Nậu), rừng tự nhiên do Công ty Trường Lộc quản lý bị phát hiện chặt phá với diện tích 1,28 ha (hiện trạng rừng tự nhiên khoanh nuôi tái sinh, thuộc loại rừng sản xuất).
Vụ vi phạm thứ 3: Diện tích rừng bị chặt phá 0,58 ha, thuộc lô 15, khoảnh 5, khu rừng Nhoan, bản Chay (xã Canh Nậu), do Công ty Trường Lộc quản lý (hiện trạng rừng bị chặt phá là rừng tự nhiên khoanh nuôi tái sinh, thuộc rừng sản xuất).
Riêng vụ vi phạm thứ 2, 3 đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội “hủy hoại rừng”, đã được Công an huyện, Hạt Kiểm lâm, Viện KSND huyện tiến hành khám nghiệm hiện trường. Công an huyện Yên Thế đang điều tra, xác minh, hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.