Rủ nhau bùng nợ app vay tiền

Google News

Vay tiền tín dụng đen mua điện thoại, nhưng vận xui khiến Quân vật lộn vẫn không trả đủ do lãi tăng cả chục lần. Nắm được chiêu trò, Quân quyết định bùng nợ, thậm chí cố vay thêm trước khi "mất tích".

Vay 8 triệu đồng, lòng vòng một hồi thành nợ hơn 160 triệu đồng
Hơn 5 tháng trước, Minh Quân bắt đầu cuộc sống ở Hà Nội, nhưng 2 tháng rưỡi xui rủi dẫn cậu đến những trải nghiệm không bao giờ quên.
Một lần từ quê ra Hà Nội, Quân bị móc điện thoại ở bến xe. Không dám xin tiền bố mẹ. Điện thoại vốn là vật bất ly thân nhưng vì Quân mới ra thủ đô nên bạn bè không nhiều, nếu có cũng không đủ thân thiết, Quân quyết định tìm đến các app vay tiền để mượn tạm 8 triệu đồng. "Dự định của tôi là sẽ vay trước, sau đó sẽ xin việc rồi trả dần nợ", Quân nói.
Vay 8 triệu nhưng chỉ được giải ngân 6 triệu đồng, không đủ tiền cho Quân mua chiếc máy cần dùng. Anh tiếp tục phải vay thêm một gói mới 2,5 triệu đồng để được giải ngân thêm 2 triệu đồng. Vay cũ chưa xong đã vay mới, lãi liên tục cộng dồn. Ban đầu, Quân vay với lãi suất 33%/năm, nhưng không hiểu sao phần tiền app báo mỗi lần vào lại "phình to". Quân tiếp tục vay một app khác để trả tiền app này. Vòng tròn luẩn quẩn nợ gối đầu đến khi Quân vay tới 5 app tín dụng đen khác nhau. "Số tiền vay ban đầu là 8 triệu, không hiểu sao thành nợ hơn 160 triệu đồng tất cả", Quân kể.
"Cứ sáng ngủ dậy là thấy phải kiếm thêm tiền triệu trả cho các app. Bên cho vay cũng liên tục gọi và dọa sẽ báo cho gia đình và đồng nghiệp đòi nợ. Tôi ăn không ngon, ngủ không dám ngủ, lương chỉ ngót 10 triệu đồng, biết bao giờ mới trả nổi", Quân nói.
Ru nhau bung no app vay tien
 Nhiều người bị "khủng bố" tin nhắn song vẫn rủ nhau bùng nợ app tín dụng (Ảnh minh họa: Thảo Thu).
Sự hoảng sợ và lo lắng khiến Quân liên tiếp đưa ra các quyết định sai lầm. Dò la trên mạng xã hội, Quân tìm được các nhóm dạy cách "xù" nợ app tín dụng đen và thấy nhiều người đã thành công.
"Tôi quyết định nghỉ việc chỗ hiện tại, chịu nhục và bùng nợ bất chấp mang tiếng quỵt tiền bằng cách đổi số điện thoại", Quân chua chát nói. "Nghe nói các app tín dụng đen cho vay cũng cao quá quy định pháp luật, họ sẽ không dám báo công an vì bản thân họ còn sai luật nên tôi không sợ", Quân cho hay.
Những "tiền bối" đi trước thậm chí còn dạy đằng nào cũng quỵt, tốt nhất nên vay thêm rồi "bùng một lần luôn, ít nhất gỡ được phần nào vốn, gỡ được bao nhiêu hay bấy nhiêu". Túng quẫn vì phải chịu khoản lãi vay lớn, Quân quyết định cố vay thêm 20 triệu đồng, bù lại những gì đã mất trước khi "mất tích".
Theo khảo sát của Dân trí, trên mạng xã hội, các hội nhóm dạy cách bùng nợ tín dụng đen mọc lên ngày càng nhiều. Tại một số app, số thành viên lên tới cả trăm nghìn người. Mỗi ngày, trên các hội nhóm như vậy, hàng chục bài chia sẻ về trải nghiệm quỵt nợ được đăng tải.
Ru nhau bung no app vay tien-Hinh-2
 Nhờ cách thức vay đơn giản, tín dụng đen là nơi nhiều lao động tìm đến để vay khi không đủ điều kiện vay chính thống (Ảnh chụp màn hình).
Cần vay vốn nhanh chóng để đầu tư tiền ảo, Xuân Bách cũng tìm tới app vay tiền. Dự định vay rồi đợi đầu tư đủ vốn lẫn lãi sẽ xoay vòng trả nợ dần, nhưng thị trường tiền số lao dốc khiến anh mất khả năng trả nợ.
"Vay 60 triệu đồng, app báo phải trả lãi là 30 triệu đồng. Thực tế lãi suất như vậy là cao, nhưng tôi tính 60 triệu này đầu tư sẽ lãi 4,5 lần. Nếu may mắn lãi vài trăm triệu thì việc phải trả 30 triệu đồng cũng bình thường. Tôi không ngờ thị trường sập", Bách nhớ lại.
"Không biết kiếm tiền bằng cách nào, tiền số, chứng khoán đều lao đao, tôi cũng không có khả năng kinh doanh. Giờ cả tháng kiếm 8-9 triệu đồng, biết bao giờ mới trả nổi", Bách nói.
Ban đầu, Bách trả được hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, người vay liên tục gọi điện "khủng bố" khi cậu chưa xoay kịp tiền. Đỉnh điểm, những người này gọi cho cả vợ và họ hàng để đe dọa.
Tín dụng đen có hình thức phổ biến là vay qua app điện thoại hoặc qua website. Nếu vay qua app, người dùng phải mở các quyền truy cập trên điện thoại cá nhân như danh bạ, tin nhắn, đồng bộ google và lịch sử cuộc gọi. Còn vay qua website sẽ phải để lại đường link dẫn tới các trang mạng xã hội của bản thân, zalo... Đến hạn mà không thanh toán, nhóm đòi nợ sẽ truy cập theo danh bạ có được để "khủng bố" người thân người vay đòi tiền.
"Đằng nào cũng mang tiếng nhục, tôi quyết định đổi số và bùng nợ", Bách nói. Bách dặn người thân không nghe máy số lạ, mạng xã hội thông tin chỉ để chế độ bạn bè xem được.
"Trước đây bên cho vay vứt giấy in rêu rao nợ của tôi đầy đường gần nhà, tôi không trả, bùng 3 tháng rồi vứt sim. Phía cho vay chán quá nên cũng thôi", chủ tài khoản Ngoc Minh Phan trên một hội nhóm dạy cách bùng nợ có 70.000 thành viên chia sẻ.
Nở rộ cung cấp dịch vụ trốn nợ
Bên cạnh đó, nhờ cách thức vay đơn giản, tín dụng đen là nơi nhiều lao động tìm đến để vay khi không đủ điều kiện vay chính thống. Nhưng cũng vì điểm này, nhiều người rủ nhau vay để bùng nợ, dạy nhau cách "xù" tiền. Trên các nhóm về tín dụng, những con nợ rủ nhau dùng sim ảo vay tiền để trót lọt…
Hoàng Mạnh, lao động tại Thái Nguyên, được một người bạn cho biết từng bùng app tín dụng gần 13 triệu đồng. Viện cớ tín dụng đen vốn đã phạm pháp, chưa kể "đã khốn khổ mới đi vay rồi còn lấy lãi cao như vậy" nên Mạnh còn thử dùng sim ảo vay thêm 9 triệu đồng và thoát trót lọt.
Không chỉ nở rộ việc quỵt tiền vay, nhiều cá nhân thậm chí cung cấp dịch vụ trốn nợ. Hoàng Duy, một người có kinh nghiệm "xù" tiền mở dịch vụ hỗ trợ các con nợ, phí 500.000 đồng/tháng. Cụ thể, Duy nhận các cuộc gọi từ khủng bố hộ người vay, đồng thời trấn an người nhà con nợ bằng cách mạo danh tổng đài.
Ru nhau bung no app vay tien-Hinh-3
 Tin nhắn quảng cáo dịch vụ bùng nợ (Ảnh chụp màn hình).
Không chỉ Duy, trên các nhóm dạy bùng nợ tín dụng cũng có nhiều người khác mở dịch vụ tương tự, với mức phí từ 300.000-500.000 đồng/người. Những bài đăng này thường nhận được nhiều hưởng ứng và hỏi thăm từ các con nợ đã chán việc bị "nã" cả chục cuộc điện thoại mỗi ngày.
Cho vay lãi cao, bùng nợ có phạm luật?
Trao đổi với Dân trí, luật sư Phạm Ngọc Hải, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Thăng Long, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, cho biết cả 2 hành vi cho vay lãi cao của các app tín dụng đen và bùng tiền nợ nếu bị phát hiện đều có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định pháp luật dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm. Phần lãi suất vượt quá giới hạn sẽ không có hiệu lực.
Việc cho vay với lãi suất cao như vậy, người cho vay đã vi phạm khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021 với hành vi: "Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự". Người cho vay có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Ngoài ra, người cho vay còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" nếu cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự mà vi phạm một trong các yếu tố như thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính dưới 30 triệu đồng mà đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích.
Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ru nhau bung no app vay tien-Hinh-4
 Hành vi cho vay lãi cao của các app tín dụng đen và bùng tiền nợ nếu bị phát hiện đều có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Về việc người cố tình vay bùng tiền, theo luật sư Phạm Ngọc Hải, cũng vi phạm pháp luật.
Cụ thể, khi một người cố tình vay để chủ động bùng tiền của người cho vay thì đây là dấu hiệu của tội phạm "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Điều 175 Bộ luật Hình sự: "Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả".
Ông cho biết số tiền chiếm đoạt chỉ từ 4 triệu đồng là đã phạm tội hoặc dưới 4 triệu đồng mà đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã vi phạm một số tội về chiếm đoạt tài sản mà chưa được xóa án tích thì cũng đủ điều kiện phạm tội.
"Đây là tội còn nghiêm trọng hơn tội phạm cho vay lãi nặng", luật sư nói. Theo đó, khung hình phạt của tội này tối thiểu là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tối đa có thể bị phạt tù lên tới 20 năm.
"Nếu vay tiền lãi suất quá cao thì có thể yêu cầu tòa án tuyên bố vô hiệu với lãi suất vượt giới hạn mà luật cho phép thì gánh nặng về lãi sẽ hạn chế hơn", luật sư đưa ra lời khuyên.
Theo Thảo Thu/ Dân trí