Thăng trầm nghề nuôi rắn độc
Ông Bạch Đình Chuân năm nay đã 62 tuổi, gắn bó với nghề nuôi rắn hổ mang ngót ngét 20 năm trời. Theo quan sát của Danviet, trại nuôi mãng xà cực độc của ông Chuân rộng 500m2, được thiết kế như một ngôi nhà cấp bốn với nhiều phòng đặt đủ các loại chuồng tầng, chuồng bệt. Ai yếu bóng vía đến trang trại rắn độc của gia đình ông sẽ không tránh khỏi cảm giác rùng mình, sởn gai gốc, khiếp đảm bởi loài rắn hổ mang luôn phát ra những tiếng thở phì phì đáng sợ...
|
Ông Bạch Đình Chuân dẫn khách tham quan, trong đó có PV Danviet vào khu chuồng nuôi rắn hổ mang. Vào chuồng rắn, tiếng động ghê rợn mà khách nghe được là tiếng thở phì phì sởn gai ốc phát ra từ loài mãng xà cực độc này. |
Ông Chuân cho hay: “Năm 2000 tôi đã bắt đầu gây nuôi rắn hổ mang. Lúc đầu chỉ nuôi thử vài con, nhưng sau nhiều người tìm đến nhà mua rắn hổ mang thịt và trứng rắn hổ mang nên tôi tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi. Đỉnh điểm cao nhất là năm 2013, gia đình tôi đã nuôi tới 1.500 con rắn hổ mang. Giá rắn hổ mang lúc đó lên tới 1,4 triệu đồng/kg, còn trứng cũnglên tới 70.000 đồng/quả. Trừ mọi chi phí mỗi năm gia đình tôi cũng thu khoảng 150 triệu đồng. Nhưng hơn 1 năm sau đó, giá rắn hổ mang bắt đầu giảm mạnh do số lượng người mua ít dần...”
|
Ông Chuân cho PV Danviet hay, rắn hổ mang bành có nọc độc rất mạnh, nếu bị rắn hổ mang cắn mà không cấp cứu kịp thời thì chỉ 20 phút là thiệt mạng. Chính vì vậy, biết nhà ông nuôi rắn độc mấy chục năm nay nhưng nhiều người cũng chẳng dám "bén mảng" đến chuồng nuôi rắn. |
Đó là thời điểm năm 2014, giá rắn hổ mang bắt đầu giảm mạnh từ 600.000 đồng/kg xuống còn 400.000 đồng/kg. Nếu bán giá 400.000 đồng/kg thì mỗi kg rắn hổ mang gia đình ông Chuân lỗ khoảng 100.000 đồng. Nếu bán 800 con rắn hổ mang (trung bình 3kg/con) thì 2,4 tấn rắn hổ mang thịt ở thời điểm đó sẽ lỗ tầm 240 triệu đồng.
Khi ấy, tiền mua thức ăn cho rắn hổ mang của gia đình ông Chuân đều trông vào nguồn thu từ việc bán trứng, đồng thời cố gắng duy trì đàn rắn hổ mang trong khi phân nửa số hộ nuôi rắn quanh vùng đều đã bán tống bán tháo và lần lượt dẹp bỏ chuồng trại.
Đến giữa năm 2016, giá rắn hổ mang mới bắt đầu phục hồi, gia đình ông Chuân là một trong số ít những hộ còn trụ lại được với nghề nuôi rắn độc sau gần 2 năm nuôi báo cô kiểu “lấy công làm lãi”.
Bí quyết nuôi loài bò sát “tử thần”
Chia sẻ về bí quyết nuôi loài bò sát “tử thần” với Danviet, ông Chuân kể: “Nuôi rắn hổ mang theo hướng hàng hóa thì chỉ nên tập trung vào một loại để đồng bộ về mặt kỹ thuật, thức ăn cũng như vấn đề đầu tư chuồng trại. Từng nuôi kết hợp một vài loại rắn khác nhau, nhưng sau này tôi nhận thấy loài rắn hổ mang bành dễ nuôi, thị trường có nhu cầu nấu cao, lấy mật, sử dụng thịt... nên tôi quyết định lựa chọn”.
Lão nông U60 có 20 năm "làm bạn" với loài mãng xà cực độc này cho hay, khi nuôi rắn hổ mang chủ trại cần lưu ý đến các vấn đề như bệnh dịch, chế độ ăn, ghép đôi, chuẩn bị ổ đẻ, cách chăm sóc rắn hổ mang mới sinh...
Tuy nhiên, theo ông vấn đề đầu tiên phải lưu ý đó là xây dựng chuồng rắn hổ mang theo đúng quy cách. Ông cũng dựa vào kinh nghiệm bản thân và tham quan các mô hình nuôi rắn hổ mang ở nơi khác mà đúc kết, cải tiến chuồng trại 3 - 4 lần để rắn có môi trường phát triển phù hợp.
Rắn hổ mang không kén thức ăn, có thể sử dụng một số loại dễ kiếm ở địa phương như: cóc, gà, vịt mới nở... cũng không cần cho ăn thường xuyên, khoảng 5 - 6 ngày mới phải cho ăn một bữa. Trung bình 1.800 con rắn hổ mang của gia đình ông Chuân mỗi bữa sử dụng hết khoảng 1,5 - 1,8 tạ thức ăn.
Hiện ông đang phải sử dụng tới hàng chục tủ đông cấp lạnh để nguồn thức ăn luôn được chủ động. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật và được cho ăn đều đặn, rắn hổ mang sẽ lớn dần sinh sản tốt.
Rắn hổ mang cái mỗi năm có thể đẻ 1 lần, mỗi lần từ 25 - 30 quả, trứng, tỷ lệ ấp nở thành công đạt 90%. Đối với rắn hổ mang sinh sản, ông Chuân chăm sóc đặc biệt hơn bằng chế độ ăn dày hơn và thường xuyên dọn vệ sinh chuồng trại.
Hiện nay, ông Chuân đang tự nhân giống rắn hổ mang cho trại của gia đình mình, đồng thời ông cũng là nhà cung cấp 5.000-7.000 con rắn hổ mang giống mỗi năm cho thị trường các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hải Dương... Để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, ông tham gia Hội nuôi rắn liên xã huyện Phú Lương – nơi quy tụ các hộ nuôi rắn hổ mang trong và ngoài huyện.
Trao đổi với PV Danviet, ông Chuân cho biết, giá rắn hổ mang thịt hiện nay khoảng 600.000 đồng, giá rắn hổ mang giống loại 1 ở mức 900.000 – 1,1 triệu đồng/kg, nếu được mùa – được giá mỗi năm gia đình ông có thể thu lợi nhuận 200 - 300 triệu đồng.
Dù vậy, với tình hình biến động giá cả của thị trường rắn hổ mang thì không chỉ ông mà các hộ nuôi rắn hổ mang khác vẫn không tránh khỏi cảm giác... vừa nuôi vừa thấp thỏm. Chính vì vậy, thời gian tới ông sẽ không mở rộng quy mô mà tập trung củng cố chuồng trại, xây dựng phòng lạnh có công suất khoảng chục m3 để phục vụ việc dự trữ thức ăn cho đàn rắn hổ mang hiện tại.
Theo Quỳnh Nguyễn/Dân Việt