Rau, củ quả sấy khô loạn giá bán

Google News

Bên cạnh sản phẩm rau củ quả sấy của các thương hiệu uy tín, thị trường cũng xuất hiện nhiều sản phẩm rau, củ quả sấy không rõ nguồn gốc, thành phần, hạn sử dụng, cũng như không được công bố chất lượng.

Bày bán la liệt, nhiều mức giá khác nhau
Chỉ cần quan sát ở các chợ, siêu thị hoặc trên mạng xã hội, người tiêu dùng không khó nhận thấy mặt hàng rau, củ quả sấy được bày bán la liệt, đủ loại với nhiều mức giá khác nhau. Đơn cử,khoai tây sấy được bày bán rất nhiều, không chỉ có trên các quầy hàng bánh mứt trong chợ, mà còn ở chợ cóc, góc đường tại TP HCM.
Đặc điểm nhận diện của loại khoai tây sấy này là có màu vàng nhạt hoặc kem, hình dáng, kích cỡ gần bằng ngón tay của người lớn; nhai giòn tan, đậm đà và rất “bắt” vị. Hàng được bán theo nhiều trọng lượng khác nhau: 100 gram, 500 gram, 1kg. Đặc biệt, dù bán ở đâu, loại sản phẩm này không có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, thành phần.
Tại chợ Rạch Ông (Quận 8, TP HCM), khoai tây sấy được trưng bày ở vị trí dễ thấy nhất trên các quầy hàng bánh mứt. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn thoáng qua, rất khó biết đó là hàng gì, bởi trên bao bì không có thông tin về sản phẩm.
Rau, cu qua say kho loan gia ban
 Nhiều loại rau, củ quả sấy không nguồn gốc bán tràn lan.
Một người bán mời gọi phóng viên “thử khoai tây sấy Đà Lạt đi em, hàng mới đó, ăn là ghiền luôn”. Nói rồi, người này nhanh chóng đưa ngay một miếng cho khách ăn thử.
Khoai tây sấy có độ giòn, hương vị giống dạng bánh snack (bim bim). Điểm khác là đậm vị chất tạo ngọt (kiểu bột ngọt, bột nêm) nên ngay khi nếm đã thấy ngọt lợ nơi đầu lưỡi.
Điều lạ là cũng hình thức, mùi vị giống vậy nhưng giá bán khoai tây sấy ở quầy này 80.000 đồng/kg, chỗ khác lại 60.000 đồng/kg. Tại một khu chợ cóc trên đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh, TP HCM), người bán còn giới thiệu thêm loại khoai tây sấy tẩm phô mai, giá 60.000 đồng/kg.
Tương tự khoai tây sấy, các loại rau, củ quả sấy hiện cũng được bán phổ biến trên thị trường. Không chỉ mít, chuối, số lượng rau, củ quả được sấy hiện rất đa dạng như khoai lang, bí đỏ, khổ qua, củ dền, cà rốt, đậu bắp, đậu cô ve, đậu que…
Hiện, thị trường có hai dạng: Loại đóng gói trong các bao bì niêm kín, có tráng bạc để cản ánh sáng và không khí (của công ty có thương hiệu) và loại đóng rời trong các bao ni lông. Giá hàng đóng rời dao động 100.000 -150.000 đồng/kg (thập cẩm). Tuy được đóng xá, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết rau, củ quả sấy đều có màu sắc tươi sáng, bắt mắt. Đặc biệt, cà rốt, đậu que, khổ qua, đậu bắp vẫn có sắc cam, xanh tươi rói.
Cẩn trọng sản phẩm không rõ nguồn gốc
Nói tới các sản phẩm rau, củ quả sấy không nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Trong đó, một thành phần không thể thiếu trong sản phẩm rau, củ quả sấy nhưng gây hại cho con người, là chất tạo ngọt. Hầu hết loại rau củ quả sấy đều sử dụng chất này, tùy liều lượng. Nếu vượt quá mức quy định cho phép, nó không chỉ gây bệnh tim mạch, tiểu đường, mà còn tạo ra rất nhiều nguy cơ khác cho sức khỏe con người.
Theo TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP HCM, nếu chỉ sấy thuần túy, rau củ quả sẽ có độ dẻo, chẳng hạn khoai lang sấy dẻo, hồng dẻo của Đà Lạt. Nếu rau, củ quả sấy có độ giòn, xốp, sản phẩm chắc chắn đã qua công đoạn chiên. Quy trình của các sản phẩm dạng này sẽ là cắt theo kích cỡ tùy thích, chần (luộc) sơ, chiên trong hệ thống chân không ở nhiệt độ gần 2.000 độ C để sản phẩm giòn, xốp, cuối cùng là cho vào máy quay ly tâm loại hết dầu (có thể hết gần đến 100%).
Rau, cu qua say kho loan gia ban-Hinh-2
 Các sản phẩm rau, củ quả sấy không nhãn mác, nguồn gốc không rõ ràng luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Sau khi chiên, những loại rau củ có màu xanh bị đổi màu (sậm đi nhiều). Loại có màu đỏ, cam như cà rốt, bí đỏ, củ dền thường giữ được màu gần như tự nhiên nếu được chiên trong hệ thống máy chiên chân không công nghệ cao.
Thiết bị càng kém chất lượng, màu sắc sản phẩm càng không tự nhiên. Hơn nữa, màu sản phẩm sẽ nhanh chóng bị phai nếu không được bảo quản tốt. Vì vậy, để giữ màu, người ta phải chứa sản phẩm trong những bao ni lông có tráng bạc được niêm kín.
“Trường hợp nếu không được bảo quản tốt mà sau khoảng nửa tháng, sản phẩm vẫn có màu tươi đẹp nghĩa là người ta đã tẩm thêm màu”, TS Phan Thế Đồng cho hay.
Mặc dù không còn chứa nhiều dầu, do đã được chiên, rau, củ quả sấy cũng nằm trong nhóm sản phẩm chiên, không hoàn toàn vô hại cho sức khỏe như nhiều người nhầm tưởng. Mặt khác, hầu hết vitamin nhóm B, C trong rau củ quả sẽ bị mất đi sau khi chiên, còn lại là vitamin nhóm A và carotene. Do đó, khi sử dụng rau củ quả sấy, người tiêu dùng nên thận trọng, mua ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, tránh gặp rủi ro.
Ngoài ra, để tạo niềm tin cho khách hàng, cũng như khẳng định chất lượng sản phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định việc công bố chất lượng rau, củ quả sấy khô là thủ tục bắt buộc các tổ chức, cá nhân phải thực hiện trước khi lưu thông ra thị trường.
Việc công bố tiêu chuẩn chất lượng trái cây sấy là cần thiết, không thể bỏ qua. Đồng thời, đây chính là điều kiện pháp lý bắt buộc để sản phẩm của doanh nghiệp được lưu thông hợp pháp trên thị trường Việt Nam nói chung, xuất khẩu nói riêng.
 
Thiên Bảo