Rằm tháng 8 cận kề, bánh trung thu vẫn vắng khách

Google News

Chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Trung thu (rằm tháng 8 âm lịch), thế nhưng tại các sạp bày bán bánh trung thu tại Hà Nội, lượng người mua giảm đi đáng kể so với năm trước.

 Ế ẩm so với cùng kỳ năm 2022

Hàng năm, bắt đầu từ giữa tháng 7 âm lịch, từ các thương hiệu bánh kẹo lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị, cho đến các thương hiệu với quy mô nhỏ hơn như Đông Phương, Mai Sơn, Madam Hương, Thu Hương… đều đã dựng lên các quầy trưng bày loạt sản phẩm bánh Trung thu đa dạng cả về hình dánh, màu sắc và hương vị.

Cũng tại thời điểm này trong năm, người dân đã bắt đầu đi tìm mua bánh Trung thu. Có người mua về để tặng người thân, cũng có người mua về để “ăn thử” hương vị mới lạ của năm nay. Tất cả để chuẩn bị cho đêm Trung thu đủ đầy, được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch.

Ram thang 8 can ke, banh trung thu van vang khach
 Các quầy hàng bán bánh Trung thu vắng khách đến lạ kỳ

Thế nhưng, năm 2023, các quầy bày bán bánh Trung thu lại vắng khách đến lạ thường. Ghi nhận thực tế tại các con phố Đào Tấn, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, ... tại Hà Nội, dù có không ít quầy hàng được dựng lên nhưng lại có rất ít khách hàng.

Theo khảo sát của phóng viên, tới sáng ngày 20/9, các quầy hàng khá là vắng khách so với mọi năm. Nhân viên một quầy hàng bánh Trung thu của Mai Sơn tại Tố Hữu (Hà Đông) cho biết, năm nay lượng khách hàng sụt giảm hơn nhiều so với năm ngoái (2022). Dù lượng khách mua sẽ tăng mạnh vào những ngày sát trung thu, tuy nhiên tình hình kinh doanh khó mà khả quan bằng năm 2022.

Nhân viên một quầy hàng bánh Trung thu Thu Hương cho biết, năm nay một số mẫu bánh có giá tầm trung như: Thịnh Vượng (giá 480.000 đồng/hộp), Cát Tường (giá 560.000 đồng/hộp)… được người mua tìm kiếm nhiều, bán nhanh hết hàng. Tuy nhiên, mẫu bánh dòng cao cấp như Phú Quý (giá 1,8 triệu đồng/hộp) thì lượng tiêu thụ thấp hơn hẳn.

Ram thang 8 can ke, banh trung thu van vang khach-Hinh-2
 Các quầy bán bánh Trung thu vắng cả khách lẫn người trông coi

Chị Nguyễn Thị Vân, chủ một cửa hàng bánh tại Hà Đông (TP Hà Nội) chia sẻ: "Năm nay gia đình tôi không dám nhập nhiều bánh, vì lo ngại từ đầu năm là kinh tế khó khăn thì người mua giảm. Đúng như dự đoán, thời điểm này cửa hàng của nhà tôi bán chưa được một nửa năm ngoái.”

Anh Sỹ Nguyễn, chủ một xưởng bánh tại quận Tây Hồ (TP Hà Nội), chuyên cung cấp bánh trung thu độc quyền cho một số nhà hàng, khách sạn tại Hà Nội cho hay: “Đến giờ xưởng tôi cũng làm hết hơn nửa tấn nhân bánh trung thu để gửi đi các nơi rồi, nhưng so với năm ngoái thì mới chỉ bằng hai phần ba, bởi nhiều đối tác đã đặt bánh với số lượng ít hơn so với trước.”

Ram thang 8 can ke, banh trung thu van vang khach-Hinh-3
 Không có khách đến mua bánh, nhân viên trông quầy cũng phải "sang hàng nước" để ngồi chơi cho đỡ chán

Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn

Không ít người cho rằng, do tình hình kinh tế chưa có nhiều khởi sắc, các mặt hàng bánh cao cấp giờ đã có giá quá cao so với khả năng chi trả của nhiều người. Việc bánh Trung thu có thể được mua tại mọi thời điểm trong năm cũng khiến ý nghĩa của bánh Trung thu phần nào bị “giảm”.

Chị Nguyễn Thị Thảo ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng: "Nhiều năm gần đây, bánh Trung thu được sản xuất quanh năm, nên không còn như ngày xưa là phải đúng dịp mới có thể mua được, chưa kể mua bánh trong dịp này giá lại quá cao so với ngày thường nên gia đình tôi chỉ mua một chiếc bánh dẻo và một chiếc bánh nướng để thắp hương. Giờ cũng nhiều loại bánh quá, hơn nữa bánh được sản xuất theo kiểu công nghiệp, rồi bánh được làm handmade (tự làm) đua nhau bán nên là cũng có nhiều sự lựa chọn. Nếu không phải đi biếu thì tôi cũng không mua những hộp to đẹp làm gì, vì chỉ đắt ở tiền hộp".

Một số người khác đưa ra nhận định, xu hướng bánh Trung thu “hand made” nổi lên đem đến nhiều sự lựa chọn hơn về mức giá cả, lại có tiếng là “bánh tự làm”, mang theo nhiều ý nghĩa, thể hiện tấm lòng tốt hơn so với các loại bánh được sản xuất đại trà, công nghiệp.

Ram thang 8 can ke, banh trung thu van vang khach-Hinh-4
 Bánh Trung thu Bảo Phương năm nay cũng ít cảnh chen lấn, xô đẩy hơn năm ngoái. (Ảnh fb Banh trung thu Bao Phương).

Chị Thuỷ Tiên, chủ một shop bán bánh online cho biết: “Từ giữa tháng 7 âm lịch số lượng người mua bánh của nhà tôi đã rất nhiều rồi, chỉ sợ làm không đủ mà trả cho khách. Đa phần khách mua đều là khách quen đã mua từ năm ngoái và thậm chí còn giới thiệu thêm khách mới. So với bánh của các ông lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị được sản xuất đại trà thì bánh “hand made” có thể còn đắt hơn, nhưng vẫn được nhiều khách hàng tìm đến, với yêu cầu về nhân bánh ít ngọt hơn, lành mạnh hơn hay các hình dáng độc đáo, lạ mắt hơn.”

Anh Tuấn, thường trú tại Hà Đông cho hay, các con anh thích những mẫu bánh tự làm với hình ảnh động vật dễ thương, điều mà bánh Trung thu của thương hiệu lớn thường không có. Bản thân anh, bạn bè và đồng nghiệp đều khá trẻ và chú trọng đến vấn đề sức khoẻ, nên cũng không chọn mua bánh tại các quầy hàng như trước. Với việc có thể dễ dàng đặt mua nguyên liệu và xem công thức làm bánh trên mạng, anh quyết định sẽ cùng vợ con làm bánh trung thu biếu để ông bà, hàng xóm.

 

 

Minh Châu (t/h)