Kêu gọi các thành phần kinh tế khác đầu tư sân bay
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 7/6/2023), tới năm 2030 cả nước có 30 cảng hàng không sân bay.
Tuy nhiên, cách nào để huy động được 420.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng hàng không đang là bài toán lớn, cần huy động nguồn lực tổng thể từ vốn ngân sách, doanh nghiệp và nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân để triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không quốc tế quan trọng, đóng vai trò đầu mối như: Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc. Đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo; các cảng hàng không có hoạt động quân sự thường xuyên; và các cảng hàng không khác trong hệ thống đáp ứng nhu cầu khai thác, phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là yêu cầu đầu tư phát triển, nên cần sự nỗ lực tập trung của toàn ngành GTVT và các cơ quan, đơn vị chức năng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Phân tích từ góc độ vĩ mô về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Đại biểu QH khóa XIV cho rằng: “Khi chúng ta xác định phát triển hạ tầng hàng không là động lực phát triển, như tại khu vực Đông Nam Bộ, thì sân bay Long Thành cần được bố trí vốn đầu tư. Ví dụ, nâng cấp sân bay Nội Bài cần chú trọng phát triển phần dịch vụ, trong đó có dịch vụ du lịch cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vì khi đến Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ tìm hướng đầu tư trong đó dịch vụ hàng không rất đáng chú ý”.
Trong đồ án quy hoạch, đến 2030, cả nước có thêm 8 sân bay mới. Theo TS. Nguyễn Bách Tùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT nhìn nhận, với hệ thống 22 cảng hàng không đang khai thác hiện nay bảo đảm cho 86% dân số có thể tiếp cận trong bán kính 100km.
“Con số này cao hơn mức trung bình của thế giới là 75%. Mong muốn là vậy, nhưng để thực hiện được mục tiêu này, việc tìm kiếm nguồn vốn cần phải đặt trong tổng thể nhu cầu đầu tư hệ thống mạng cảng hàng không của nước ta, rất cần được bố trí, phân bổ hợp lý”, ông Tùng nói.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), ACV có sự cân đối, điều chỉnh kế hoạch đầu tư. Ủng hộ chủ trương Chính phủ kêu gọi các thành phần kinh tế khác đầu tư hệ thống cảng.
“Với sự điều tiết vĩ mô này và theo quy hoạch các cảng hàng không được Chính phủ phê duyệt mới nhất, chúng tôi sẽ tập trung cân đối để bố trí nguồn vốn cho hệ thống mạng cảng. Ngoài vốn ngân sách của nhà nước, vốn của doanh nghiệp hàng không, thì việc có cơ chế để thu hút nhiều nhà đầu tư theo các hình thức PPP tiếp tục được đẩy mạnh”, ông Thanh cho hay.
Điểm mới trong quy hoạch hàng không lần này, với tầm nhìn đến 2050, hình thành 02 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP. Hồ Chí Minh.
Quy hoạch rõ ràng sân bay ở các vùng, miền
Đánh giá về vị trí và vai trò của bản quy hoạch, với việc kết nối phát triển kinh tế - xã hội vùng Thủ đô, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thừa nhận: Chuẩn bị các nguồn lực để bổ trợ cho sân bay quốc tế cửa ngõ tại 3 khu vực: Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.
“Trong đó, điều kiện để đầu tư phát triển mang tính chất vùng thì có vùng TP HCM và Vùng Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, quy hoạch hàng không sân bay sẽ phục vụ phát triển vùng Thủ đô Hà Nội, trong đó có tính tới các tỉnh vùng Thủ đô như Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên...”, ông Tuấn nói.
Đánh giá về 30 cảng hàng không nằm trong quy hoạch giai đoạn đến năm 2030, một số chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, việc phân bổ khá hài hòa, hợp lý. Số lượng các cảng hàng không theo quy hoạch cơ bản đã đáp ứng đủ cho các địa phương, kể cả các địa phương vùng sâu, vùng xa như Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai.
Đặc biệt, việc phân bổ khá phù hợp với đặc điểm, vị trí địa lý ở đất nước với 2 đầu mối trọng tâm là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Trong đó, ở khu vực phía Nam, Long Thành sẽ trở thành cảng trung chuyển lớn của khu vực.
Với quy hoạch như vậy, sẽ khai thác được lợi thế các vùng, miền trong khu vực và kết nối đồng bộ với 4 phương thức vận tải khác. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng đề xuất sớm đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng/cấp khu vực kết hợp xây dựng thêm cảng Logistics phục vụ hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, phù hợp Quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia:
“Thành phố Cần Thơ đề xuất xây dựng Dự án “Kết nối đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ và đầu tư xây dựng Đường cao tốc trên cao”. Vì hiện tại, ĐBSCL chỉ có trục chính Quốc lộ đường bộ, các địa phương trong vùng đang trên đà phát triển, lượng xe lưu thông trên đường ngày càng nhiều, đặc biệt ĐBSCL là vùng sông nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Nên việc xây dựng đường cao tốc trên cao là rất phù hợp và mang tính cấp thiết”, ông Trường nói.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổng số tiền dự kiến cần để đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 lên tới 420 nghìn tỷ đồng. Trong số này, ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch lớn nhất là Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 109 nghìn tỷ đồng, đảm bảo công suất thiết kế 25 triệu khách. Tiếp theo là Nội Bài với hơn 96,5 nghìn tỷ đồng, giúp nâng công suất cảng này lên 60 triệu khách. Còn lại số tiền đầu tư một số cảng hàng không mới cũng được dự kiến rõ trong quy hoạch.
Công bố mới nhất về quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc
Điều lưu ý, đây là quy mô dự kiến, được tính toán dựa trên dự báo nhu cầu. Trong quá trình triển khai, tùy theo nhu cầu vận tải thực tế, khả năng nguồn lực đầu tư để nghiên cứu, phân kỳ đầu tư đảm bảo hiệu quả dự án. Quan trong là việc có quy hoạch này sẽ giúp chúng ta xác định được vị trí các cảng hàng không, từ đó định hình ra không gian phát triển.
Với hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Hà Nội và TP.HCM. Đây là hướng đi đúng đắn và phù hợp với nhu cầu vận tải hàng không hiện tại và trong tương lai, giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch.
Theo Phi Long/VOV.VN