Những ngày đầu tháng 3 cũng là thời gian bước vào đỉnh điểm của vụ mùa ra biển cào ốc gạo của hàng trăm hộ ngư dân vùng biển bãi ngang xã Đức Minh và khu vực lân cận. Theo đó cứ vào tầm 4-5 giờ sáng, người dân lại mang dụng cụ, chạy ghe thuyền máy ra cách bờ biển 3-5 km để cào ốc ruốc, đến tầm 11-12 giờ cùng ngày là trở về bến.
|
Ngư dân vùng biển xã Đức Minh chuẩn bị phương tiện đi cào ốc gạo. |
Ngư dân Bùi Thanh Hải (39 tuổi), ở xã Đức Minh hồ hởi: "Vụ ốc ruốc năm nay không chỉ được mùa, mà giá mua hiện tăng đến mức khó tin từ 2-2,5 triệu đồng/bao, cao nhất từ trước đến nay. Bình quân mỗi ghe thuyền 3-4 người/chiếc, cào được 3-7 bao (tương đương 3-7 tạ). Cá biệt có ghe cào đến 9 bao, sau khi trừ chi phí ngư dân chia được 3-5 triệu đồng/người/ngày".
|
Dụng cụ để cào ốc gạo. |
Tuy không to như các loại ốc biển khác, ốc gạo có hình tròn và bé như cúc áo. Phần thịt bên trong chỉ nhỉnh hơn que tăm và dài cỡ nửa đốt tay người lớn. Bù lại thịt ốc sau khi chế biến có vị ngọt thanh, béo nhưng không ngậy nên được người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ ưa chuộng.
|
Vị trí cào ốc gạo cách bờ từ 3-5km. |
Từ nhiều năm qua, ốc gạo được xem là "lộc" biển của hàng trăm ngư dân ở vùng biển ở xã Đức Minh. Vụ cào bắt ốc gạo hàng năm ở vùng biển này bắt đầu từ tháng Giêng và kéo dài đến khoảng tháng 3 Âm lịch thì chấm dứt. Phương tiện ra khơi để cào bắt là thuyền thúng gắn máy nhỏ.
|
Ốc gạo sau khi cào được đổ vào từng bao có trọng lượng khoảng 100kg/bao. |
|
Một thương lái đang kiểm tra kích thước ốc to, nhỏ để đưa ra giá mua. |
Để bắt ốc gạo, ngư dân dùng thanh sắt dài khoảng 5-7m làm vợt cào, với một đầu là những thanh sắt ngắn và được hàn lại thành hình tam giác, rồi bao lưới xung quanh. Sau khi cào bắt lên, ốc gạo được ngư dân đổ vào bao tải (khoảng 100 kg/bao) và cột miệng lại, đưa vào bờ bán cho thương lái chở đi các nơi trong tỉnh và vùng lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng tiêu thụ.
Công Xuân/ Dân Việt