Quản lý rừng và bảo tồn voọc đen gáy trắng ở rừng đặc dụng Tuyên Hóa, Quảng Bình

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi được phát hiện ở xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), đàn voọc đen gáy trắng quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới đã không ngừng sinh sôi, phát triển.

Quá trình hình thành và phát triển
Năm 2012, tôi phát hiện đàn voọc trên đỉnh núi Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Biết đây là loài quý hiếm được quy định trong sách đỏ Việt Nam, tôi đã âm thầm bảo vệ trong lúc mọi người dân trong vùng chua một ai biết về loài động vật hoang dã quý hiếm này. Tôi vận động được một số người tham gia với tinh thần tự nguyện…các thành viên đã tích cực, nhiệt tình không quản ngại khó khăn gian khổ mặc dầu gặp nhiều thiếu thốn cả vật lẫn tinh thần.
Cuối năm 2014 do tính chất phức tạp đó là việc săn bắt của thợ săn, mặt khác do bảo vệ tự phát, độc lập, thiếu chuyên môn cũng như tính pháp lý nên tôi đã báo cáo sự việc cho ngành Kiểm Lâm.
Tháng 1 năm 2015 chi cục Kiểm Lâm tỉnh do ông Phạm Hồng Thái dẫn đầu trực tiếp đến hiện trường xác minh; Tiếp đó Kiểm lâm tỉnh đã mời ông Lê Trọng Trải- Giám đốc trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt tại Hà Nội phối hợp với vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng tiến hành kiểm đếm làm cơ sở cho việc nghiên cứu tiếp theo.
Quan ly rung va bao ton vooc den gay trang o rung dac dung Tuyen Hoa, Quang Binh
Ảnh minh họa. 
Từ khi Chi cục Kiểm lâm vào cuộc chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng và Chính quyền các cấp; đặc biệt có đồng chí Trần Công Thuật lúc đó là phó bí thư trực tỉnh ủy ( nay là chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình) trực tiếp ra đến hiện trường chỉ đạo. Từ đó, các cơ quan thông tấn báo chí như đài truyền hình trung ương, đài truyền hình Quảng Bình, đài truyền hình Tuyên Hóa và các nhà bào của các tờ báo viết và đưa tin; các đoàn làm phim như Bộ chỉ huy quân sự Quảng Bình, đài truyền hình VTC 14, xưởng phim Bộ Tư lệnh Biên phòng; Các nghiên cứu sinh của trường đại học Lâm Nghiệp làm đề tài nhiên cứu. Đặc biệt có một nghiên cứu sinh đang bảo vệ luận án tiến sĩ ở cộng hòa Liên bang Đức, đề tài về nguồn gen của loài voọc quý này.
Qua các phương tiện truyền thông, đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và khách du lịch trong và ngoài nước đến địa bàn nghiên cứu, tham quan, nhiếp ảnh…
Số người tự nguyện đã tăng từ 01 người (năm 2012) lên 10 người (năm 2019).
Hành trình của nhóm tự nguyện
Trong 8 năm, chúng tôi vừa làm, vừa vận động nhân dân tham gia bảo vệ bằng cách cảm hóa, giác ngộ họ từ chỗ chưa biết đến biết; từ phản đối đến ủng hộ. Có những người đã bỏ hẳn nghề săn bắn tự nguyện làm việc cùng tôi.
Phương thức hoạt động của nhóm là kết hợp giữa công việc đồng áng và bảo vệ, không kể thời gian, không gian hoặc thời tiết…
Phương châm: Mỗi thành viên là một hạt nhân nồng cốt để vận động nhân dân cùng tham gia trên tinh thần yêu quý thiên nhiên mà giúp đỡ nhóm một cách thiết thực và vô tư.
Chi cục Kiểm lâm đã cử cán bộ về địa bàn tư vấn pháp luật cho nhóm để vận dụng vào công việc hàng ngày.
Với hành trình trên, chúng tôi đã chứng minh cho mọi người thấy tính hiệu quả của cộng đồng trong bảo tồn thiên nhiên, thực tế đã bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Voọc sinh sống và đang phát triển tốt.
Khó khăn
Ban đầu lòng dân chưa thuận còn có nhiều ý kiến phản đối chúng tôi, có người nói chúng tôi là “ những thằng điên; ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng với tinh thần kiên trì, nhẫn nại, tích cực giải thích cho họ thấy giá trị của chúng vì sao được nhà nước bảo vệ, và cái lợi, cái hại khi chúng còn hay mất đi…từ đó họ hiểu được việc làm của nhóm là vì quê hương, đất nước chứ không vì lợi ích riêng tư.
Thuận lợi
Nhóm nhận được sự quan tâm và vào cuộc kịp thời của lãnh đạo từ tỉnh đến huyên, xã; Lãnh đạo tỉnh đã ra nhiều chỉ thị chỉ đạo chính quyền các cấp tuyên truyền pháp luật, thu hồi vũ khí trong dân; đặc biệt đã có quyết định thành lập rừng đặc dụng.
Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát và hội thảo ở các cấp tỉnh, huyện, xã để xây dựng đề án bảo tồn.
Ngày 20/11/2019 UBND huyện Tuyên Hóa phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Trung tâm nghiên cứu kiến tức bản địa và phát triển (CIRD) đã tổ chức hội thảo tham vấn phương án quản lý, bảo tồn loài Voọc đen gáy trắng tại xã Thạch Hóa- nơi có Voọc sinh sống với sự tham gia của các bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học và các chuyên gia đầu ngành...
Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển ( CIRD) đã hỗ trợ tài chính xây dựng đề án bảo tồn. Sự cần cù, chăm chỉ nhiệt huyết của các thành viên nhóm tự nguyện, nhờ vậy đã thuyết phục được lòng dân, người dân đã có chuyển biến về nhận thức không vào rừng chặt cây làm củi hoặc lấy gỗ, sẵn sàng báo tin cho nhóm khi có người vào khu vực hoạt động trái phép.
Qua khảo sát thực tế của trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển vừa qua về lấy ý kiến của người dân bản địa có 412 hộ/ 13 thôn của 4 xã có rừng đặc dụng thì có 95% người dân ghi nhận sự đóng góp công sức của nhóm tự nguyện” nhóm này đang làm rất tốt kể cả bảo vệ môi trường và các loài động vật hoang dã”.
Ngành giáo dục đã đưa chủ đề Voọc đen gáy trắng vào sách giáo khoa bậc tiểu học. Đáng chú ý trong tháng 12/ 2019, một học sinh lớp 8 nghiên cứu đề tài về loài Voọc này đã đạt giải 3 trong cuộc thi sáng tạo khoa học do huyện Tuyên Hóa tổ chức.
Kết quả đạt được
Quản lý rừng: Không để xẩy ra cháy rừng, tham mưu cho hạt Kiểm lâm thu hồi giấy phép một mỏ khai thác đá ở xã Đồng Hóa, đưa ra khỏi quy hoạch 102 ha mỏ đá ở xã Thạch Hóa.
Năm 2012 có 01 đến 02 đàn với vài chục cá thể , đến nay đã có 11 đàn gần 150 cá thể. Tất cả các đàn đều có Voọc sinh sản và phát triển tốt.
Từ kết quả này, khẳng định rằng: Chúng tôi đã làm rất tốt và trong tương lai chúng tôi sẽ làm tốt hơn.
Sự lan tỏa trong cộng đồng: Qua mạng xã hội, tôi đã nhận được 05 cá thể linh trưởng từ các địa phương trong tỉnh ( TP Đồng Hới 01 con voọc, xã Thượng Trạch, Bố Trạch 02 cá thể Cu Li, tại Tuyên Hóa 02 cá thể Khỉ Vàng). Chúng tôi đã bàn giao cho đội cứu hộ động vật hoang dã của vườn Phong Nha.
Với tinh thần kiên quyết bảo tồn, giữ gìn di sản quý báu của quốc gia,chúng tôi sẽ tiếp tục vận động toàn dân cùng chung tay và có ý thức trong bảo vệ không để mất động vật hoang dã nói chung và loài voọc đen gáy trắng nói riêng.
Niềm tin và động lực
Cộng đồng tự nguyện đã và đang làm rất tốt đó là: từ rừng núi cạn kiệt toàn đá loang lỗ đến nay đã có cây xanh tốt, độ che phủ 100%; số lượng đàn và cá thể Voọc tăng từ 01 đàn trên chục cá thể, đến nay đã có 11 đàn, gần 150 cá thể.
Việc làm của chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất cao của nhân dân với tỷ lệ 95% , các đài truyền hình, báo chí đưa tin. Đặc biệt, được chi cục Kiểm lâm, chính quyền huyện, chính quyền tỉnh Quảng Bình ủng hộ và đã giao nhiệm vụ bảo vệ lâm thời cho chúng tôi.
Tôi còn nhớ ông Trần Công Thuật- chủ tịch UBND tỉnh nhắn tin chúc tết năm 2019 như sau “ Năm mới, thay mặt chính quyền tỉnh tôi chúc anh, gia đình và nhóm tự nguyện mạnh khỏe, hạnh phúc. Tôi nhờ anh giúp tỉnh bảo vệ an toàn cho đàn Voọc quý hiếm…than ái” như vậy tinh thần chúng tôi càng được nhân lên.
Trung tâm CI RD đã đồng hành giúp đỡ chúng tôi, chúng tôi nhất trí cao về mô hình bảo tồn cộng đồng đã được ghi trong nội dung phương án hội thảo ngày 29/11/2019 tại xã Thạch Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Ghi nhận sự cống hiến của chúng tôi nên đã được UBND tỉnh tặng 03 bằng khen, Thủ tướng chính phủ tặng 01 bằng khen.
Điều băn khoăn lo lắng nhất đó là vệc làm của chúng tôi, kết quả mang lại là một thực tế khách quan như phần trên tôi đã trình bày, nhưng luật chưa có để áp dụng việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ cho nên một khi cộng đồng không có quyền gì thì công việc bảo tồn chắc chắn sẽ chểnh mảng, đàn Voọc sẽ bị đe dọa như trước đây.
Kiến nghị
Chúng tôi được nhà nước công nhận quyền trong quản lý rừng và bảo tồn loài Voọc đen gáy trắng tại khu rừng đặc dụng của tại 4 xã, (Thạch Hóa, Sơn Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa) huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Nguyễn Thanh Tú