Giống bầu lạ nặng từ 9-12kg, phơi khô bán 1 triệu đồng/kg
Báo Khánh Hòa thông tin, sau hơn 1 năm xuất hiện ở Khánh Hòa, cây bầu Nhật Bản tỏ ra rất thích hợp và là một lựa chọn tốt trong quá trình chuyển đổi cây trồng của nông dân.
Ông Paul Edward, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Capsi - doanh nghiệp đã trồng 340 dây bầu Nhật Bản, cho biết: Chỉ sau gần 2 tháng gieo trồng, cây đã bắt đầu cho trái. Mỗi dây có thể cho trái liên tục trong vòng 6 tháng. Tổng cộng một vòng đời, một dây bầu cho từ 8-12 trái, mỗi trái nặng từ 9-12kg. Không những đạt về năng suất, trong điều kiện chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng trái bầu to, tròn đều.
|
Trái bầu nặng 9kg. (Ảnh: Báo Khánh Hòa) |
Sau khi thu hoạch, doanh nghiệp sẽ chế biến bầu bằng cách thái thành sợi dày 3mm, bản rộng 3cm, sau đó phơi khô rồi đóng gói, một phần bán ra thị trường trong nước, còn phần lớn xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc. Sợi bầu khô được dùng trong chế biến món ăn. Dự kiến, giá sợi bầu khô trong nước có thể tới 1 triệu đồng/kg.
Độc đáo kiểu buôn bán 'bỏ tiền vào xô, lấy đồ ở chậu' thời Covid-19
Báo Người Lao Động thông tin, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tiểu thương kinh doanh tại nhà ở khu chợ tạm 7,2 ha Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội) đã nghĩ ra cách để đồ ăn vào chậu sau đó người mua bỏ tiền vào chiếc xô bên cạnh nhằm hạn chế tiếp xúc và tập trung đông người.
Người đến đây mua hàng đều phải đứng sau hàng rào chắn, không được tiếp xúc quá gần và phải giữ đúng khoảng cách tối thiểu là 2m. Nước sát khuẩn được nhiều tiểu thương kinh doanh tại nhà đặt trước cửa cho khách đến sử dụng.
Lạ lùng món 'tôm bò trên cây' của người xứ Lạng
Nói đến ẩm thực Lạng Sơn, ngoài khâu nhục, vịt quay, thịt lợn quay còn có một món ăn dân dã mang hương vị núi rừng của người Tày, Nùng nhưng không phải ai cũng biết, đó là "tôm rừng". Theo Báo Dân Trí, món ăn lạ này tuy ngon nhưng giá thành khá cao, khoảng hơn 300.000 đồng/kg và không phải lúc nào cũng có.
|
"Tôm rừng" bám trên cây. |
Gọi là "tôm rừng" là bởi loài này có hình dáng khá giống với loài tôm nhưng lại thuộc dòng côn trùng. "Tôm rừng" có kích thước nhỏ, con nào to chỉ bằng ngón tay út của người lớn. Loài này có đôi chân tựa như con cào cào, toàn thân có màu xám trong, hơi nhàn nhạt. Chính từ hình dáng kỳ dị cùng thói quen ưa sống ở những nơi có khí hậu ẩm ướt, cây cối rậm rạp, hay trú trong hốc cây to mà chỉ trong rừng sâu mới có, người ta mới gắn cho chúng cái tên khá lạ "tôm rừng".
Tiệm xôi có cái tên kinh dị nhưng ăn thì ngon vô đối
Tiệm xôi này có tên thực là Xôi Mặn nhưng đa phần khách đều gọi là quán "xôi nhà xác". Giải thích về cái tên kỳ lạ, ông Lưu Bảo Minh, chủ tiệm xôi chia sẻ trên GiadinhNet: "Ngày trước quán nằm ở góc đường Nguyễn Tri Phương và Trần Phú nhưng từ khi dời về đây, nằm gần nhà tang lễ, các tiệm bán hòm, dịch vụ mai táng, bệnh viện nên quán được khách đặt tên như vậy".
Quán xôi là một chiếc xe có tủ kính trông như xe bánh mì vẫn thường thấy ở nhiều tuyến phố tại Sài Gòn. Nồi xôi được bắc trên bếp gas đặt trong xe, xôi luôn nghi ngút khói. Quán chỉ bán duy nhất loại xôi mặn. Ngoài các nguyên liệu chính là xôi, lạp xưởng và chà bông còn có mỡ hành và hành phi tạo mùi thơm và tròn vị. Một điểm cộng nữa là quán rắc thêm đậu phộng giã nhỏ, tạo vị lạ miệng vì xôi mặn ít ai sử dụng nguyên liệu này. Một điều thú vị nữa là cách ăn độc đáo, xôi sẽ được gói trong lá chuối tươi thành cuộn dài như bánh tét. Khách ăn tới đâu thì xé lá chuối tới đó, tuyệt đối không sử dụng muỗng.
Lạ lùng bánh cuốn chan nước canh ở Cao Bằng
Nếu ánh cuốn tại nhiều nơi chỉ là lớp bột tráng lên, thêm vào bên trong nhân thịt, mộc nhĩ chấm cùng nước mắm, thì bánh cuốn Cao Bằng hoàn toàn khác, ăn kèm với một bát nước canh xương. Người dân Cao Bằng coi bánh cuốn ăn cùng nước canh xương là đặc sản, món quà sáng dân dã từ bao đời nay.
|
Khi ăn, bánh sẽ nhúng ngập trong bát canh được thêm chút ớt, măng chua. |
Thay vì nước chấm nước mắm pha chua ngọt, bánh cuốn Cao Bằng ăn với nước xương ống trong vắt cùng vị ớt và măng ngâm mắc mật nên món ăn này còn được gọi là "bánh cuốn canh". Đây là cách để phân biệt với các vùng miền khác như bánh cuốn Phủ Lý (Hà Nam), bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội).
Lão nông trồng giống mít lạ hái quả không đủ bán
Theo Báo Dân Trí, lão nông Nguyễn Minh Trắng (70 tuổi, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) được biết đến như "ông tổ" của cây mít ruột đỏ trong vùng. Ông Trắng là người đầu tiên đưa giống mít lạ này về địa phương trồng, cũng là người bán cây mít giống cho bà con. Loại mít này có múi màu đỏ gạch, vị ngọt thanh vừa miệng, vừa dai vừa giòn.
Trên diện tích 1,5 ha mít đang cho thu hoạch, mỗi tháng ông Trắng có thể thu đến 4 tấn quả. Do giá mít ruột đỏ được thương lái thu mua rất cao, ở mức 70.000 đồng/kg, nên mỗi năm ông Trắng có thể bỏ túi đến 3 tỷ đồng.
Cà xỉu - đặc sản độc lạ chỉ có ở Kiên Giang
Con cà xỉu là một đặc sản độc đáo ở Hà Tiên (Kiên Giang). Theo Tri thức và Cuộc sống, vẻ bề ngoài của cà xỉu khá giống những loài hải sản hai mảnh vỏ nhưng cũng giống cả loài côn trùng với cái râu thật dài và to. Thực khách khi nhìn thấy con cà xỉu đều có cảm giác sờ sợ, chẳng dám đụng đũa.
|
Con cà xỉu là một đặc sản độc đáo ở Hà Tiên (Ảnh: IT) |
Không chỉ có hình dáng lạ mắt, món ăn này còn khiến người ta tò mò về hương vị của nó. Khi bắt được cà xỉu, người ta đem muối tương tự như muối ba khía. Từ cà xỉu muối, người dân đã tạo ra nhiều món ăn thơm ngon hấp dẫn.
Lạ lùng ngôi chợ ở Yên Bái cái gì cũng đồng giá 5.000 đồng
Báo Nông Nghiệp Việt Nam cho hay, chợ "5 nghìn" nằm ven quốc lộ 32 từ Văn Chấn vào thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Nơi đây, người dân vùng cao bán các mặt hàng nông sản và sản vật của người dân địa phương với mức giá 5 nghìn đồng.
Theo những người buôn bán lâu năm, chợ được hình thành hơn chục năm nay. Do chưa có tên và chưa được quy hoạch thành chợ dân sinh nên người dân và khách đi đường gọi là chợ 5 nghìn hay chợ một giá.
Chợ 5 nghìn không chỉ có ý nghĩa về mặt thương mại mà còn là địa chỉ văn hóa thu hút khách du lịch gần xa bởi chính yếu tố con người giản dị, mộc mạc, chân chất nơi đây.
Theo Hạnh Nguyên/ Vietnamnet