Theo điều số 14, Nghị định 14/2007/NĐ-CP ban hành ngày 19/01/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, có 2 trường hợp hủy niêm yết là hủy niêm yết bắt buộc và hủy niêm yết tự nguyện.
Hủy niêm yết bắt buộc là trường hợp công ty niêm yết không còn đáp ứng được các quy định như ngừng hoặc bị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ một năm trở lên; sản xuất kinh doanh bị lỗ 3 năm liên tiếp và tổng số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất.
PVX, AGF, BT6, VCR chính thức huỷ niêm yết
Mặc dù chỉ cần những khoản lãi nhỏ là có cơ hội ở lại sàn tuy nhiên vẫn có những doanh nghiệp đã không thể làm được điều này và án hủy niêm yết sẽ là khó tránh khỏi.
Kết thúc năm 2019, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) đã báo lỗ thuộc về công ty mẹ 213 tỷ đồng trong khi hai năm liền trước, doanh nghiệp này cũng đã thua lỗ liên tiếp, lần lượt lỗ 416 tỷ đồng năm 2017 và 414 tỷ đồng năm 2018. Theo đó, PVX sẽ có ba năm liên tiếp có lợi nhuận sau thuế âm.
Lỗ lũy kế của PVX tính đến ngày 31/12/2019 khoảng 3,898 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 563 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến cho Báo cáo tài chính của PVX do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán.
Trước đây, PVX cũng từng liên tiếp thua lỗ lớn vào năm 2012 và 2013 nhưng vẫn kịp thoát cửa hủy niêm yết phút chót.
Một doanh nghiệp thuỷ sản là CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish, AGF) cũng phải rời sàn khi báo lỗ cho cả niên độ 2018-2019 gần 112 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tại ngày 30/9/2019 đạt hơn 382 tỷ đồng, lớn hơn so với vốn điều lệ thực góp của Công ty (281 tỷ đồng).
Chưa tính đến điều kiện lỗ 3 năm liên tiếp thì mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có quyết định hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu AGF với lý do vi phạm chậm nộp Báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp, ngày có hiệu lực nhằm 17/2. Ngày giao dịch cuối cùng của AGF là ngày 14/2.
Dù có 3 năm thua lỗ nhưng Agrifish vẫn rất tự tin đặt ra mục tiêu lãi 22 tỷ đồng trong năm 2020, theo đó mục tiêu xuất khẩu 5.200 tấn, doanh thu ước khoảng 880 tỷ đồng. Sản lượng nguyên liệu nuôi khoảng 5.000 tấn. Ước tính kim ngạch xuất khẩu khoảng 16 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu khoảng 80.000 USD.
Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Công ty cũng thống nhất xóa các khoản nợ khó đòi với tổng số tiền gần 80 tỷ đồng và giao Tổng Giám đốc cùng các phòng ban thực hiện.
|
Vì thua lỗ trong 3 năm, nhiều doanh nghiệp bị huỷ niêm yết bắt buộc. |
Với CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, HNX: VCR), theo kết quả trên Báo cáo tài chính tổng hợp năm 2019 đã được kiểm toán, doanh thu năm 2019 gấp 3 cùng kỳ, đạt hơn 37 tỷ đồng, trong khi chi phí các loại lớn hơn doanh thu nên kết quả Vinaconex ITC ghi nhận lỗ 8 tỷ đồng trong năm, cải thiện đáng kể so với số lỗ 13 tỷ đồng năm 2018.
Trước đó, Vinaconex ITC đã lỗ gần 16 tỷ đồng trong năm 2017. Như vậy tính đến hết năm 2019, Công ty đã lỗ 3 năm liên tiếp, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2019 lên hơn 215 tỷ đồng.
Do vậy trong tháng 3 rồi, Sở GDCK Hà Nội vừa có công văn gửi Vinaconex ITC về việc giải trình nguyên nhân tình trạng cổ phiếu bị hủy niêm yết. Sở GDCK Hà Nội cho biết đã nhận được Báo cáo tài chính tổng hợp và riêng kiểm toán năm 2019 của Công ty được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam ký ngày 10/3/2020.
Theo đó, HNX nhận thấy kết quả kinh doanh của Vinaconex ITC bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp từ năm 2017, 2018 đến 2019. Như vậy cổ phiếu VCR thuộc trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết theo quy định.
Đối với CTCP Công trình 6 (HNX: CT6), dù nỗ lực kinh doanh có lãi trong 6 tháng cuối năm 2019 nhưng vẫn không đủ giúp CT6 thoát lỗ trong cả năm 2019.
Công ty cho biết đã rất nỗ lực để tháo gỡ khó khăn nhưng do năng lực yếu, thiếu dự án đầu tư cho ngành đường sắt nên phải chịu lỗ 6 tỷ đồng trong năm 2019. Năm 2017 và 2018, CT6 đã lần lượt báo lỗ 13 tỷ đồng và 10 tỷ đồng.
Như vây, CT6 buộc phải huỷ niêm yết bắt buộc kể từ ngày 7/5.
Thoát 'án huỷ' ngoạn mục
Dù cũng ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng với sự nỗ lực trong năm 2019, TCR cùng PTL đã may mắn có lãi và thoát án “tử”.
Đầu tiên phải kể đến trường hợp của CTCP Công nghiệp Gốm sứ Taicera (HoSE: TCR) sau 10 quý thua lỗ liên tiếp đã bất ngờ báo lãi cao trở lại trong quý 3 và quý 4, thậm chí quý 4 còn lãi gần 44 tỷ đồng giúp cả năm 2019 lãi ròng hơn 8 tỷ đồng trong khi 2017 và 2018 đều báo lỗ.
Nguyên nhân lãi cao là do TCR tiết giảm được chi phí sản xuất, giá bán bình quân được duy trì cao hơn cùng kỳ, đồng thời công ty đã xử lý xoá khoản phải trả nước ngoài đã lâu và điều chỉnh khoản hao hụt nguyên liệu nên lãi khác tăng.
Đối với trường hợp của CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland, HoSE: PTL), doanh nghiệp này không chỉ báo lỗ 2 năm 2017 và 2018, tháng 10/2019, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bùi Minh Chính còn bị miễn nhiệm và bị bắt tạm giam do lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Ông Chính đã ký hàng chục hợp đồng với ưu đãi về phí dịch vụ khiến cho Petroland bị thua lỗ nhiều tỷ đồng.
Tuy vậy sau kiểm toán, Petroland lại ghi nhận doanh thu thuần năm 2019 đạt gần 44 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt mức còn 218 triệu đồng. Riêng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 848 triệu đồng. Như vậy, Petroland may mắn thoát án huỷ niêm yết trong gang tấc.
Anh Nhi