Vấn nạn vi phạm bản quyền truyền hình là vấn đề gây nhức nhối từ lâu với ban tổ chức Premier League. Một nghiên cứu được hai công ty hàng đầu về lĩnh vực quảng cáo và công nghệ số ở Anh là GumGum Sports và MUSO thực hiện chỉ ra vấn nạn xem lậu khiến Premier League thất thu hơn 1 tỷ bảng.
Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria và Kenya là những quốc gia xảy ra tình trạng chiếu lậu Premier League nhiều nhất thế giới. Trung bình mỗi trận đấu được chiếu lậu ở các quốc gia này thu hút tới 7,1 triệu lượt xem.
Tính toán từ MUSO cho thấy thiệt hại của Premier League thông qua những trận đấu bị chiếu lậu chính là tiền từ hợp đồng quảng cáo trên sân, truyền hình và nhiều yếu tố thương mại khác.
|
Nạn xem lậu bóng đá Anh xảy ra rất nhiều tại Việt Nam. Ảnh: Chụp màn hình. |
Andy Chatterley, Giám đốc điều hành của MUSO và cũng là người đồng sáng lập công ty, khẳng định vấn nạn xem lậu và vi phạm bản quyền truyền hình trở thành mối "đe dọa lớn nhất" với sự thịnh vượng của Ngoại hạng Anh, giải đấu được biết đến với giá bản quyền truyền hình cao ngất ngưởng.
"Các đơn vị nắm bản quyền truyền hình Premier League cần nhận ra một sự thật rằng họ đang mất rất nhiều tiền vì vấn nạn xem lậu giải đấu", ông Chatterley nói.
Ngay cả ở Anh, vấn nạn bản quyền truyền hình cũng khiến người ta đau đầu. Quê hương của bóng đá xếp thứ 11 trong danh sách các quốc gia vi phạm bản quyền Ngoại hạng Anh trên thế giới.
Hồi tháng 3/2019, một tòa án ở Anh đã đưa ra án phạt nặng nhất lịch sử đối với hành vi tội phạm chiếu lậu bóng đá.
Ba người đàn ông gồm Steven King, Paul Rolston và Daniel Malone bị tuyên án tổng cộng 17 năm tù vì livestream bất hợp pháp các trận đấu ở Premier League. Ba người đàn ông kể trên lập ra một website chuyên cung cấp quyền xem các trận đấu ở Premier League và thu về tới 5 triệu bảng.
*Tiêu đề đã được BTV đặt lại
Theo Đức Lam/Zing