Những năm qua TP Hà Nội đã ban hành nhiều quy định, Quyết định về vấn đề quản lý, quy hoạch, kiến trúc Khu phố cổ, phố cũ Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số công trình vi phạm, phá vỡ quy hoạch xây dựng phố cổ.
Liên quan đến thông tin nhiều công trình xây dựng, cải tạo có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) về chiều cao, mật độ, tum biến tướng, thay đổi kết cấu,... trên địa bàn phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), ngày 22/2/2023, phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống đã có trao đổi trực tiếp với đại diện Tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường Hàng Buồm.
Đại diện Tổ quản lý TTXD phường Hàng Buồm thừa nhận công trình số 40 Nguyễn Siêu xây dựng “có sai một chút”. Tuy nhiên, khi PV đề nghị thông tin cụ thể về việc cấp phép xây dựng công trình số 40 Nguyễn Siêu, hướng xử lý khi công trình sai phạm, cán bộ này cho hay “phường đã đình chỉ công trình”, các thông tin khác “không có thẩm quyền phát ngôn”.
Đến nay, toàn bộ hồ sơ về công trình số 40 Nguyễn Siêu, Tổ quản lý TTXD phường Hàng Buồm vẫn chưa cung cấp cho phóng viên.
|
Công trình số 40 Nguyễn Siêu (phường Hàng Buồm), thi công xây đã vượt trên 4 tầng, có dấu hiệu vi phạm về chiều cao và chưa dừng lại, phá vỡ hoàn toàn quy hoạch của thành phố Hà Nội. Thời điểm PV ghi nhận, liên hệ với chủ công trình thì bên trong khóa chặt, không có người. |
Quyết định 1361/QĐ-UBND (ngày 19-3-2021), UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-1A (khu phố cổ) quận Hoàn Kiếm.
Theo đó, phân khu đô thị H1-1A có diện tích khoảng 80,93ha, thuộc địa giới hành chính 10 phường của quận Hoàn Kiếm, gồm: Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Mã, Cửa Đông, Lý Thái Tổ, Đồng Xuân, Hàng Gai, Hàng Đào. Từ “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc Khu phố cũ Hà Nội” đến các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử - năm 2021) đều thể hiện sự thống nhất quan điểm không xây dựng các nhà cao tầng trong khu vực phố cổ, phố cũ.
Theo quy định, phường Hàng Buồm, Hàng Bạc chỉ cho phép xây dựng tối đa mặt ngoài là 3 tầng (chiều cao từ 6m - 12m), mặt trong là 4 tầng (chiều cao tối đa là 10m - 16m), mật độ xây dựng 60% - 70% và phải có khoảng lùi nhất định. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận của phóng viên cho thấy trên nhiều con phố ở các phường này vẫn xuất hiện những công trình khách sạn cao 7-10 tầng mới được hoàn thành thời gian gần đây. Đặc biệt, công trình số 40 Nguyễn Siêu (phường Hàng Buồm), thi công xây đã vượt trên 4 tầng, không tuân thủ quy hoạch, có dấu hiệu vi phạm về chiều cao. Thời điểm PV ghi nhận, công trình khóa chặt bên trong, không có người, không liên lạc được với chủ nhà.
|
Trụ sở UBND phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. |
Theo chị Kim Lý (một người dân sống trong phố cổ), việc những công trình xây dựng, cải tạo lên đến tận 7 tầng như vậy là phá vỡ quy hoạch phố cổ. Vi phạm rất rõ ràng, người dân ai cũng thấy nhưng không hiểu vì sao không bị chính quyền xử lý, phá dỡ?
Như Báo Tri thức và Cuộc sống đã phản ánh, trên địa bàn phường Hàng Buồm, thời gian gần đây liên tục xuất hiện nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, “vươn” tầng quá cao so với quy định, cơi nới nhằm tăng diện tích sử dụng.
Tình trạng các công trình xây dựng, cải tạo có dấu hiệu sai phép xuất hiện nhiều tại các tuyến phố như: Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ, Nguyễn Siêu thuộc phường Hàng Buồm…
Hầu hết, các công trình có dấu hiệu sai phạm đều xây dựng cao quá 5 tầng, thậm chí lên tận 7 tầng, vượt trội hơn hẳn so những ngôi nhà cùng khu phố, phá vỡ hoàn toàn quy hoạch của thành phố Hà Nội.
Những năm gần đây, UBND TP Hà Nội đã và đang tăng cường, siết chặt công tác quản lý về TTXD trên địa bàn, đặc biệt đối với các quận, phường có những tuyến phố nằm trong diện quản lý quy hoạch - kiến trúc khu phổ cổ và khu phố cũ.
Trước thực trạng diễn ra, các cấp chính quyền cần phải có sự vào cuộc sát sao hơn, xử lý nghiêm và triệt để các sai phạm để bảo tồn, tôn tạo diện mạo phố cổ ngàn năm văn hiến ngày một đẹp hơn.
Điều 15 nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính vi phạm quy định về trật tự xây dựng như sau:
“5. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;”
Trường hợp đã xin giấy phép xây dựng phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch - Kiến trúc khu phố cổ Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 của UBND TP Hà Nội) nhưng có hành vi xây dựng vượt giấy phép, xây dựng trái giấy phép xây dựng sẽ bị xử lý như sau:
“4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;…”
Ngoài việc áp dụng phạt tiền nêu trên thì sẽ phải tiến hành áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
“ 12. Đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều này mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:
a) Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình;
b) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;
c) Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.”
Đoàn Khang