Nhiều lần đổi chủ, đất công vào tay doanh nghiệp tư nhân
Theo nguồn tin của PV có được, vụ việc lấn chiếm hơn 14.000 m2 đất công xảy ra tại địa bàn xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Cụ thể, 14.000 m2 đất này thuộc khu vực Đuôi Nhạn - Bãi Ba Đền, vốn được UBND xã Phúc Tiến cho các hộ dân thầu khoán từ năm 2009. Thế nhưng, sau nhiều lần đổi chủ thầu, khu đất hiện nay được cho là đã thuộc “quyền sở hữu” của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng Chí Cường (Công ty Chí Cường), có trụ sở chính tại thôn An Bình, xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên.
Cụ thể, theo đơn thư nhận được từ bà Kiều Thị Ngản (sinh năm 1963) và bà Nguyễn Thị Đích (sinh năm 1959), đại diện cho hàng chục hộ dân sinh sống tại thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, đã tố cáo Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến là ông Lê Văn Thuấn về hành vi buông lỏng quản lý đất đai tại xã, dẫn đến hậu quả đất công bị lấn chiếm.
|
Máy ủi, xúc được cho là của Công ty Chí Cường hoạt động liên tục tại khu vực ao, hồ bị san lấp |
Theo đó, trong đơn thư những người tố cáo cho rằng, Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến, ông Lê Văn Thuấn đã có hành vi bao che, dung túng cho người thầu đất công ích tại khu vực Đuôi Nhạn - Bãi Ba Đền bán lại 14.000 m2 quỹ đất này cho Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng Chí Cường, kiếm lời hàng trăm triệu đồng. Được biết, quỹ đất này vốn được sử dụng để các hộ dân thầu khoán, kinh doanh nuôi trồng thủy sản.
Đơn thư cho hay, ngay sau khi hoàn tất mua bán 14.000 m2, Công ty Chí Cường đã tiến hành san lấp toàn bộ quỹ đất, tạo điều kiện cho một số hộ dân bao gồm: ông Đào Thanh Cơi, Trưởng thôn Phúc Lâm; ông Đào Văn Khả, Phó thôn Phúc Lâm và ông Đào Văn Đây (sinh sống tại thôn Phúc Lâm) lấn chiếm thêm khoảng 5.000 m2 đất lân cận.
Liên quan tới vụ việc, ngày 26/1/2022, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Phú Xuyên cho biết nội dung tố cáo của người dân thôn Phúc Lâm và căn cứ quy định nội dung tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBKT Huyện ủy. Do đó, UBKT Huyện ủy chuyển nội dung đơn đến UBND huyện để được xem xét, chỉ đạo, giải quyết theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, theo người dân thôn Phúc Lâm thì cho đến nay, người dân chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía UBND huyện Phú Xuyên.
|
14.000 m2 quỹ đất nông nghiệp vốn là ao nuôi trồng thủy sản đã được Công ty Chí Cường san phẳng |
Có chăng dấu hiệu lợi ích nhóm?
Chiếu theo quy định Luật Đất đai 2013, thì 14.000 m2 đất công tại xã Phúc Lâm là đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích. Cụ thể, Khoản 3 Điều 132 Bộ Luật Đất đai nêu rõ:
Đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 2 Điều này (Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn) thì Ủy ban nhân dân cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 05 năm.
Tiền thu được từ việc cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích phải nộp vào ngân sách nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý và chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
Vậy, trường hợp 14.000 m2 quỹ đất đang được Công ty Chí Cường sử dụng làm bãi tập kết VLXD, đất đá thay vì được người dân sử dụng để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo quy định, thì UBND xã Phúc Tiến lấy tiền đâu để nộp vào ngân sách nhà nước?
|
Không còn ao nuôi trồng thủy sản, tiền thuê khoán được UBND xã Phúc Tiến nộp vào ngân sách nhà nước như thế nào? |
Bên cạnh đó, việc hai trong ba hộ dân được nhắc đến đang lấn chiếm đất trái phép, “ăn theo” việc lấn chiếm của Công ty Chí Cường là của hai cán bộ xã. Điều này dấy lên nhiều nghi vấn, liệu có chăng lãnh đạo và một số cán bộ xã Phúc Tiến đã cấu kết, bao che cho nhau vì lợi ích nhóm?
Theo một số thông tin, trong giai đoạn 2016 - 2021, Công ty Chí Cường dưới vai trò độc lập hoặc liên danh đã trúng hàng chục gói thầu xây dựng với ước tính tổng giá trị lên đến gần 2.000 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng không nhỏ cả về số lượng lẫn "chất lượng" trong đó là các gói thầu đến từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, thuộc UBND huyện Phú Xuyên. Điểm qua danh mục trúng thầu của Công ty Chí Cường, doanh nghiệp này đã tham gia tối thiểu 20 gói thầu tại Phú Xuyên, đặc biệt là chưa trượt thầu bất kể lần nào.
Không chỉ "bách chiến bách thắng", Công ty Chí Cường còn thường xuyên trở thành nhà thầu thực hiện của gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm cực kì thấp, rất sát với giá gói được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng UBND huyện Phú Xuyên đưa ra.
Ngày 30/3 vừa qua, phóng viên (PV) đã có mặt tại UBND xã Phúc Tiến để tiến hành trao đổi, xác minh thông tin phản ánh của người dân. Thế nhưng, ông Lê Văn Thuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến lấy lý do PV không có Thẻ nhà báo nên không làm việc, từ chối trả lời. Dường như lãnh đạo xã Phúc Tiến không hiểu rằng theo quy định pháp luật, thì PV là người hoạt động báo chí, đưa tin, viết bài, chụp ảnh được tòa soạn cử đi tác nghiệp mà chưa có Thẻ nhà báo. Liệu hành động của Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến có nhằm cản trở PV hoạt động nghề nghiệp?
Luật Báo chí năm 2016 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm là đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Đồng thời, Nghị định Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.
Có thể thấy, đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, UBND huyện Phú Xuyên cần nhanh chóng vào cuộc, làm rõ quá trình sử dụng 14.000 m2 quỹ đất nông nghiệp tại xã Phúc Tiến, để sớm đưa ra câu trả lời thích đáng, tránh xảy ra sai phạm về đất đai, gây thất thoát ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Minh Châu